Mỹ mong muốn giảm sự gắn kết mối quan hệ kinh tế đối với Trung Quốc khi thực loạt chính sách hạn chế từ thương mại, công nghệ... Tuy nhiên, kinh tế giữa hai nước có mối liên hệ chặt chẽ, kết nối trên nhiều lĩnh vực, không dễ tách rời. Một khi kinh tế Mỹ - Trung tách rời, hậu quả sẽ rất lớn, trước mắt và đối với chính Washington và Bắc Kinh, sau đó là phần còn lại của thế giới.
Dấu hiệu tách rời
Theo giới phân tích, nhân tố Trung Quốc và mối đe doạ từ quốc gia châu Á này được xem là điểm chung nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người kế nhiệm ông Joe Biden. Dưới thời ông Trump và ông Biden, Mỹ đều tìm cách để “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực thi chính sách giảm liên kết kinh tế với Mỹ thông qua “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China), nhấn mạnh vai trò tự cường của các doanh nghiệp nội địa.
Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ, nhưng mối quan hệ này đang bị xói mòn. Bất chấp thương mại hai nước đạt mức kỷ lục vào năm 2022, mối quan hệ thương mại Washington - Bắc Kinh đang trở nên ít phụ thuộc lẫn nhau hơn.
Theo đó, tăng trưởng thương mại Mỹ - Trung đang chậm lại, chỉ bằng 1/5 tốc độ mở rộng thương mại tổng thể của Washington. Tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm, trong khi Bắc Kinh chuyển một số hàng nhập khẩu nước ngoài ra khỏi thị trường Mỹ.
Chỉ riêng dữ liệu về thương mại song phương không thể hiện bức tranh đầy đủ về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Đông Nam Á tăng vọt - đạt 128 tỷ USD vào năm 2020. Nhập khẩu của Mỹ từ Đông Nam Á cũng đang mở rộng nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, đầu tư trực tiếp tích lũy vào Trung Quốc của các công ty Mỹ đạt 124 tỷ USD trong năm 2020. Nhưng tỷ lệ các công ty Mỹ coi Trung Quốc là ưu tiên đầu tư đang giảm do căng thẳng gia tăng, thiếu sự thống nhất về quy định ở Trung Quốc và chi phí lao động gia tăng.
Hầu hết các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đều có kế hoạch ở lại song ngày càng có nhiều công ty xem xét dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, trong đó có cả Apple và Google.
Bên cạnh thương mại, sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thể hiện rõ nét nhất. Bắt đầu từ những hạn chế của chính quyền Trump với hàng xuất khẩu của Mỹ đối với Huawei vào năm 2018, Mỹ đã đẩy mạnh các hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc trong 5 năm qua.
Đến cuối năm 2022, khoảng 400 cá nhân Trung Quốc nằm trong danh sách bị cấm tham gia giao dịch liên quan đến người Mỹ. Trong khi đó, tính đến tháng 3/2023, 665 công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách thực thể chịu các hạn chế đối với dòng sản phẩm công nghệ từ Mỹ.
Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Biden công bố các hạn chế xuất khẩu đối với một số thiết bị và dịch vụ cho công ty bán dẫn của Trung Quốc, nhằm làm chậm khả năng sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh. Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia nỗ lực của Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh siết chặt chính sách chia sẻ thông tin, cùng với những đe doạ từ Mỹ buộc loạt công ty công nghệ cao của Trung Quốc, trong đó có Didi, Alibaba, Baidu và các nhà sản xuất ô tô điện Nio và Xpeng Motors, đối mặt với khả năng bị “hủy niêm yết” tại thị trường Mỹ. Kể từ tháng 6, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã xác định 150 công ty chủ yếu có trụ sở tại Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết do vi phạm quy tắc kiểm toán của Mỹ.
Tuy nhiên, xét về tổng thể thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc, việc tách rời vẫn chưa xảy ra, thậm chí là không có khả năng xảy ra, dù cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Donald Trump khởi phát vẫn được tiếp nối dưới thời chính quyền Biden.
Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Từ hàng hóa nông nghiệp - Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Mỹ, đến loạt nguyên liệu thô và linh kiện cho sản xuất, mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh vẫn gắn kết và ngày càng sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực. Hồi tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, chỉ riêng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mức 17 tỷ USD năm 2020.
Theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm đáng kể - giảm 8,5 tỷ USD xuống còn 34,9 tỷ USD trong tháng 4. Các chuyên gia thương mại và nhà kinh tế cho rằng điều đó phản ánh một phần quyết định của Trung Quốc khi chuyển hướng xuất khẩu từ thị trường Mỹ sang những quốc gia khác, đặc biệt là các nền kinh tế Đông Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Bắc Kinh đã chuyển hướng hoạt động sang sản xuất kinh doanh sang các thị trường khác, trong đó Mexico đã nhận được sự bùng nổ đầu tư kinh doanh của Trung Quốc trong vài năm gần đây. Reuters đưa tin, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về thương mại với Mỹ Latinh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc và không có dấu hiệu dừng lại. Evan Greenberg, cựu Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, gọi việc tách rời giữa Washington và Bắc Kinh là “điều bất khả thi về kinh tế” và kêu gọi các công ty Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực thâm nhập thị trường Trung Quốc. Theo vị này, việc tách rời sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
“Trung Quốc càng ít phụ thuộc vào công nghệ do Mỹ sản xuất, thì Mỹ càng có ít đòn bẩy hơn để tác động đến cách Trung Quốc theo đuổi lợi ích của nước này. Theo khảo sát mới của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải với hơn 300 công ty Mỹ tại Trung Quốc, 60% cho biết đầu tư tăng so với năm 2020", ông Evan Greenberg cho hay.
Việc các nhà sản xuất Mỹ ồ ạt ra đầu tư nước ngoài trong những thập kỷ gần đây khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, góp phần châm ngòi cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy chống Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tách rời hoàn toàn kinh tế sẽ tàn phá cả hai quốc gia.
Trong cuốn "Doanh nghiệp Trung Quốc", Allen J. Morrison và J. Stewart Black - hai chuyên gia thương mại, cho biết: “Về mặt kinh tế, tách rời là kịch bản thua cho cả Trung Quốc và phương Tây. Dù không hoàn toàn giống như sự huỷ diệt trong cuộc chiến tranh hạt nhân, song không ai mong muốn tách rời kinh tế Mỹ - Trung".
Tuy nhiên, điểm mấu chốt thực sự để tiếp tục thương mại Mỹ - Trung là lợi nhuận. “Các giám đốc điều hành của Mỹ sẽ cho bạn biết họ đang kiếm được bao nhiêu tiền, thị trường Trung Quốc tốt như thế nào. Nhưng họ che giấu dữ liệu này trong các báo cáo tài chính”, Allen J. Morrison cho hay.
Bên cạnh đó, việc thiếu đầu tư vào ngành sản xuất trong thời gian dài khiến Mỹ phụ thuộc nặng nề vào tư liệu sản xuất nước ngoài, không ít trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2022, Mỹ nhập siêu lên đến 1.000 tỷ USD, trong đó có khoảng 300 tỷ USD từ nhập khẩu tư liệu sản xuất như máy móc, nguyên vật liệu để làm ra các sản phẩm khác.
Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp tư liệu sản xuất lớn nhất của Mỹ, với trị giá trong tháng 4/2023 lên đến 33 tỷ USD. Các mặt hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc rất đa dạng, từ máy móc công nghiệp đến vi mạch điện tử.
Trong năm 2022, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ số thiết bị điện tử trị giá gần 140 tỷ USD. Trị giá máy móc công nghiệp, nồi hơi và thiết bị phục vụ nhà máy điện được Mỹ nhập từ Trung Quốc cũng lên đến 125 tỷ USD.
Trung Quốc và Mexico cũng là những nước xuất khẩu tư liệu sản xuất vào Mỹ nhiều nhất. Đáng chú ý, theo Asia Times, một phần không nhỏ tư liệu sản xuất của Mỹ đang nhập khẩu từ Mexico lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Những thông số đó cho thấy nền sản xuất của Mỹ hiện phụ thuộc khá nhiều vào hàng hóa đến từ Trung Quốc. Vì thế, việc cắt đứt đột ngột nguồn hàng nhập khẩu này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung lập tức và rất tai hại với nhiều ngành công nghiệp Mỹ.
Nhiều rủi ro
Bài toán chia tách Mỹ khỏi Trung Quốc trở nên phức tạp hơn nếu Mỹ muốn giảm nhập siêu. Để giảm nhập siêu, Mỹ sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào tư liệu sản xuất. Thế nhưng, năng lực sản xuất của Mỹ hiện lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trên. Từ đó, Mỹ buộc phải tăng cường mua sắm từ thị trường bên ngoài.
Để giảm nhập siêu trong thời gian dài, Mỹ cần tăng cường nhập khẩu trong thời gian ngắn. Khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là bạn hàng quan trọng của Mỹ.
Trên thực tế, để vực dậy ngành công nghiệp sản xuất, thời gian qua, Chính phủ Mỹ đã cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ xây nhà máy sản xuất chip và nhà máy năng lượng xanh. Theo đó, số nhà máy được xây mới ở Mỹ đang tăng đáng kể.
Số nhà máy sản xuất nhiều lên cũng đồng nghĩa nhu cầu tư liệu sản xuất tăng mạnh. Nguồn máy móc, nguyên vật liệu nội địa không đủ đang buộc Mỹ phải đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, trang thiết bị từ nước ngoài.
Việc chia tách kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mang lại rủi ro, thậm chí Washington sẽ phải trả giá đắt. Thay vào đó, Washington nên dồn lực đầu tư vào các ngành mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến việc "nhảy cóc" vượt Bắc Kinh trong những ngành công nghiệp chiến lược.
Ngoài ra, tách rời công nghệ làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tăng trưởng, dẫn đến những thiệt hại kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn và dài hạn. Chính sách "tự cung tự cấp" hàng hoá là tốn kém và thành công không được đảm bảo. Trên thực tế, khác biệt trong cơ chế ở cả Mỹ và Trung Quốc đang khiến việc xây dựng chính sách hợp lý về kinh tế giữa hai nước là bài toán khó giải trong "một sớm một chiều".
Nguồn: vtc.vn