Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine gần nửa năm trước, Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây đang cố dựng một "bức màn sắt" xung quanh họ. Đây được xem là nỗ lực nhằm làm lung lay quyết tâm của chính phủ Moscow trong cuộc khủng hoảng mà các bên đều mô tả là "cuộc chiến tiêu hao".
Khái niệm trên có nghĩa là, yếu tố thời gian sẽ có vai trò lớn trong cuộc xung đột. Phía nào có thể duy trì sự kiên định chiến lược lâu hơn sẽ có lợi thế lớn hơn.
Theo Bloomberg, mong muốn của phương Tây dường như là sẽ "cô lập" Nga với thế giới bằng lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao cứng rắn để làm ảnh hưởng tới sức chịu đựng của Moscow. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa thành công và dường như không dễ để thành công vì nhiều nguyên nhân.
Khi các lãnh đạo của nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) gặp thượng đỉnh ở Bavaria, Đức hồi tháng 6, họ cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine bằng mọi hình thức có thể chừng nào Kiev còn cần sự giúp đỡ.
Đây có thể coi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 dành cho Ukraine và được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng bởi một số thành viên của nhóm, trong đó có Pháp, Đức, ủng hộ đàm phán ngừng bắn do lo ngại nguy cơ xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Lãnh đạo các nước G7 cũng đã nhất trí duy trì sức ép kinh tế đối với Nga. Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản cho biết sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Họ cũng bàn bạc về khả năng áp giá trần lên dầu của Nga để làm giảm doanh thu từ "vàng đen" của Moscow. Đây là những động thái cho thấy G7 gồm Mỹ và các đồng minh châu Âu và châu Á của Washington thể hiện sự quyết tâm nhằm khiến Nga lay chuyển.
Tuy nhiên, với nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 - nơi có cả đối thủ của Mỹ và các đối tác của Nga, các nước thành viên đang thiếu sự đồng thuận tuyệt đối với việc trừng phạt Nga.
G20 bao gồm các quốc gia chiếm tới 85% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, 2/3 dân số thế giới, vì vậy G20 được xem là nền tảng phản ánh rõ quan điểm của thế giới hơn là G7. Hiện thời, mới chỉ có khoảng một nửa số thành viên của G20 tham gia vào nỗ lực trừng phạt quốc tế chống lại Nga. Thực tế này phản ánh rõ ràng thực tế hiện tại của thế giới với những luồng ý kiến trái chiều về biện pháp đối phó với Nga.
Theo Bloomberg, nó cho thấy rõ ràng một điều rằng, phương Tây đang nỗ lực để cô lập Nga, nhưng phương Tây không phải là toàn bộ thế giới.
Sự chia rẽ trong G20 về việc trừng phạt và cô lập Nga trở thành một thực tế không thoải mái cho Mỹ và các đồng minh phương Tây. Thực tế này khiến cho sự đồng thuận về sáng kiến toàn cầu nhằm áp giá trần năng lượng của Nga như G7 đề xuất trở nên thách thức hơn, thậm chí có thể nói là "bất khả thi".
Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm gần 3 tỷ dân trên thế giới, tới nay vẫn chọn đường lối trung lập. Nga vẫn duy trì quan hệ với các đối tác ở châu Á, Mỹ Latinh hay châu Phi.
Trung Quốc là đối thủ của Mỹ và phương Tây nên việc họ xích lại gần Nga để chống lại áp lực từ Washington là điều dễ hiểu. Ấn Độ trong khi đó là quốc gia tự chủ chiến lược và theo đuổi các đường lối trung lập, phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.
Tại Mỹ Latinh - vùng được xem là sân sau của Mỹ, nền kinh tế hàng đầu là Brazil tuyên bố sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây và tiếp tục giữ vị trí cân bằng bởi nếu không có điều này, Brazil sẽ gặp thiệt hại lớn về kinh tế. Brazil phụ thuộc rất lớn vào Nga về phân bón cho hoạt động canh tác nông nghiệp. Brazil, quốc gia nằm cùng Nga trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cũng xem Moscow là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và lâu dài.
Tương tự, một thành viên khác của BRICS, Nam Phi - nền kinh tế hàng đầu châu Phi, cũng tuyên bố không tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga. Tổng thống Cyril Ramaphosa thậm chí còn chỉ trích các lệnh cấm vận do Mỹ dẫn đầu, cho rằng chúng đang gây tác động tới các nước không liên quan tới cuộc xung đột. Vị thế của Nga tại châu Phi hiện vẫn rất vững chắc khi là nhà cung cấp lương thực, đối tác quân sự hàng đầu. Chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới châu Phi cuối tháng trước cho thấy nỗ lực của Moscow trong việc ngăn chặn "bức màn sắt" của phương Tây bao phủ quanh nước này.
Tại Trung Đông - "điểm nóng" bất ổn thế giới, vị thế của Nga là điều không thể phủ nhận. Các cường quốc dầu mỏ tại đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Nga với OPEC+ và việc tiếp tục duy trì hợp tác với Moscow là điều họ chắc chắn không xem nhẹ.
Gần đây nhất, cú "bắt tay" giữa đồng minh NATO, ứng viên EU Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã khiến phương Tây bày tỏ lo ngại. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc hàng loạt biện pháp nhằm hợp tác trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang sử dụng vị trí địa chiến lược như một "lá bài" chủ chốt, có thể duy trì quan hệ cân bằng với cả phương Tây và Nga. Thành công của họ và Liên Hợp Quốc trong việc giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen cho thấy Ankara có tiềm năng lớn sẽ trở thành trung gian hòa giải cho cuộc chiến giữa Kiev và Moscow - điều mà phương Tây khó thực hiện được trong thời điểm này.
Theo các chuyên gia, những diễn biến trong thời gian quan cho thấy, việc cô lập một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế, năng lượng, quân sự như Nga với thế giới là điều mà phương Tây không thể làm một mình và không dễ để thực hiện. Nga vẫn đang sở hữu "quyền lực mềm" với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thay vì chọn một bên để đối đầu với bên còn lại và chịu thiệt hại, các nước có xu hướng chọn cả 2 và tìm cách dung hòa để mang lại lợi ích chiến lược cho họ.
Hồi tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga không thể bị cô lập với phần còn lại của thế giới, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Họ đang cố gắng dựng lên những rào cản để kìm hãm sự phát triển của chúng tôi. Rõ ràng, đây là thách thức rất lớn đối với đất nước chúng tôi. Chúng tôi không những không từ bỏ, hoặc như một số "nhà thông thái" dự đoán là thụt lùi về một vài thập niên trước. Ngược lại, khi nhận ra những khó khăn khổng lồ mà chúng tôi phải đối mặt, chúng tôi sẽ tìm kiếm các giải pháp mới, sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ công nghệ mà chúng tôi đang có cũng như phát triển các công ty trong nước", ông Putin tuyên bố.
Ngoại trừ phương Tây và một số đồng minh, nhiều nước trên thế giới vẫn đang duy trì quan điểm trung lập với cuộc chiến ở Ukraine và không trừng phạt Nga.
Vì vậy, giới quan sát đặt ra một câu hỏi rằng, liệu phương Tây đã hết "vũ khí" để gây áp lực cho Nga hay chưa? Và liệu phương Tây có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga hay không?
Trong bài bình luận đăng tải trên Guardian, chuyên gia Simon Jenkins nhận định: "Giá nhiên liệu tăng vọt, lạm phát liên tục phá đỉnh và hàng triệu người đang cạn kiệt ngũ cốc, khí đốt, phân bón. Chuỗi cung ứng trở nên hỗn loạn. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phản tác dụng".
Dĩ nhiên là nền kinh tế Nga cũng bị ảnh hưởng bởi "bão" trừng phạt chưa từng có tiền lệ. Lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng. Nga buộc phải bán dầu và khí đốt với giá chiết khấu cao cho các đối tác mà họ vẫn coi là thân thiện để có ngân sách tiếp tục vận hành đất nước và duy trì cuộc chiến. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Nga đến nay vẫn đang tìm cách xoay sở được với các động thái gây áp lực dồn dập của phương Tây. Về cơ bản, Nga vẫn đang đảm bảo được nguồn cung về mặt hàng thiết yếu như năng lượng và lương thực, những lĩnh vực đang khiến phương Tây lo ngại.
Theo ông Jenkins, một thực tế khiến phương Tây "ngã ngửa" là Nga vẫn chống chịu được lệnh trừng phạt và bắt đầu trả đũa. Với lý do kỹ thuật xảy ra bởi lệnh trừng phạt, Nga đã cắt khí đốt chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% lưu lượng tối đa. Chỉ với động thái này, châu Âu đã như "ngồi trên đống lửa" vì thực tế rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu lục này trong hàng thập niên vừa qua.
Việc Nga xoay trục bán năng lượng cho khu vực khác đã đẩy châu Âu vào thế khó, khi họ phải đối mặt với cả giá nhiên liệu tăng vọt và nguồn cung bị cắt giảm. Các kho dự trữ khí đốt tại nhiều quốc gia vẫn chưa chứa đủ nhiên liệu cho mùa đông lạnh giá tới nay. Châu Âu đã phải kích hoạt sáng kiến "thắt lưng buộc bụng" khí đốt để tiết kiệm năng lượng cho vài tháng tới nhưng giới quan sát hoài nghi về tính hiệu quả của động thái này.
Chuyên gia John Gustavsson nhận định trên Dispatch rằng: "Mùa đông sẽ là phép thử cho cam kết của châu Âu với Ukraine".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng thừa nhận rằng: "Nga đang cố gắng làm suy yếu sự ủng hộ của chúng ta dành cho Ukraine và khiến chúng ta chia rẽ. Để làm được điều này, họ đang thúc đẩy một viễn cảnh không chắc chắn (về khí đốt) và đẩy giá năng lượng lên cao".
Theo AP, cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang đối mặt có thể sẽ khiến họ sụt giảm quyết tâm trong việc đối phó với Nga. Đã có những cơn "sóng ngầm" trong nội bộ EU khi một số quốc gia thừa nhận phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga và phản đối áp thêm các lệnh cấm vận lên dầu mỏ và khí đốt của Moscow.
Nga cung cấp tới 40% khí đốt cho châu Âu trước khi chiến sự nổ ra. Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung trong thời gian ngắn, việc tìm nguồn thay thế là rất khó để thực hiện. Khí đốt là mặt hàng đặc thù khi chúng được chuyển qua đường ống, vì vậy, bên mua phải có vị trí tương đối gần với bên bán, cũng như phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ. Việc nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ một nhà cung cấp ở xa, ví dụ như Mỹ, khó đáp ứng được về cả giá cả, lẫn số lượng so với nhu cầu mà châu Âu cần.
Châu Âu đã lên kế hoạch để thoát phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga bằng các dự án năng lượng bền vững, nhưng việc cắt bỏ hoàn toàn nguồn cung từ Moscow dường như không khả thi, ít nhất trong ngắn hạn.
Khí đốt ở châu Âu không chỉ dùng để sưởi ấm trong mùa đông, hay đun nấu. Nó là nhiên liệu để vận hành các nhà máy sản xuất từ xe ô tô tới giấy vệ sinh. Đứt nguồn cung khí đốt đồng nghĩa với việc châu Âu hứng chịu thiệt hại kinh tế khổng lồ.
Theo giới quan sát, đó dường như là lý do mà Nga tự tin rằng, phương Tây khó có thể cô lập họ và Moscow đang đặt cược vào thời gian như là "vũ khí" để thử thách sức chịu đựng của các đối thủ.
Một nghiên cứu do chuyên gia Nicholas Mulder thực hiện chỉ ra rằng, hơn 30 "cuộc chiến kinh tế" sử dụng lệnh trừng phạt trong 50 năm qua đều có điểm chung là: Hoặc chúng có tác động hạn chế tới bên bị cấm vận, hoặc tác động ngược lại phía tung ra lệnh trừng phạt.
Ngoài vấn đề về kinh tế, thương mại, phương Tây cũng khó có thể cắt đứt hoàn toàn với Nga. Có rất nhiều các lĩnh vực mà 2 bên vẫn phải cần có sự hợp tác, ví dụ như lĩnh vực liên quan tới kiểm soát vũ khí hạt nhân. Sự gián đoạn và cắt đứt liên lạc giữa Nga và Mỹ trong hạng mục này có thể gián tiếp đẩy thế giới vào rủi ro rất lớn. Nga cũng là một người chơi lớn trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Thiếu sự hợp tác của Nga, nỗ lực này có thể kém đi hiệu quả trong tương lai.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và khối phương Tây do Mỹ dẫn đầu, Nga có thể đóng một vai trò quan trọng. Nga, với tầm ảnh hưởng chiến lược ở những ngành cơ bản nhất, thiết yếu nhất trên thế giới, có thể tác động tới cục diện của cuộc đối đầu nói trên nếu họ chọn nghiêng về một phía. Chính Mỹ và đồng minh cũng phải thừa nhận họ quan ngại về "quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc" giữa Nga và Trung Quốc, và cảnh báo nỗ lực hợp tác giữa 2 nước có thể làm ảnh hưởng tới phương Tây.
Vì vậy, giới quan sát cho rằng, kịch bản phương Tây cắt đứt hoàn toàn với Nga có thể sẽ không phải là phương án tốt nhất. Nga đã, đang và sẽ là một người chơi quan trọng trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu và việc dựng một "bức màn sắt" quanh họ dường như không phải là phương án khả thi.
Nguồn: dantri.com.vn