Iran “đứng ngồi không yên”
Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli khẳng định rằng nếu xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh lan rộng sang lãnh thổ Iran, nước này sẽ phản ứng lại. Ông Fazli đưa ra bình luận trên sau khi một tên lửa từ khu vực này tấn công vào một ngôi làng ở khu vực biên giới tây bắc của Iran hồi tuần trước. Vị quan chức Iran này cho rằng chính phủ Azerbaijan và Armenia cần giám sát chặt chẽ cuộc giao tranh và nếu tình hình không được cải thiện, "chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp nếu cần thiết".
Giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh hồi cuối tháng 9. Ảnh: AFPGiao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh hồi cuối tháng 9. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, chính phủ Iran đã đề nghị sẽ làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Chatibsadeh khẳng định: "Chúng tôi kêu gọi 2 bên giảm căng thẳng để chấm dứt cuộc xung đột này ngay lập tức và nối lại các cuộc đàm phán".
Trên hết, Tehran muốn ngăn cuộc xung đột giữa 2 quốc gia trên ảnh hưởng đến xã hội Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo này là nơi có cả các nhóm người thiểu số Armenia và Azerbaijan. Nhóm người thiếu số Armenia ở Iran với khoảng 100.000 người chiếm số lượng nhỏ hơn nhiều so với các công dân Iran gốc Azerbaijan với khoảng 15 triệu người trong tổng số 82 triệu dân của Iran. Điều đó nghĩa là, những người Iran gốc Azerbaijan thậm chí còn nhiều hơn những người đang sống ở Azerbaijan, quốc gia có khoảng 10,3 triệu dân.
Người gốc Azerbaijan cũng là một trong những nhóm thiếu số có ảnh hưởng lớn nhất ở Iran. Nhóm này kiểm soát phần lớn những nơi buôn bán quan trọng nhất của Iran. Thậm chí Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cũng là một người gốc Azerbaijan. Cách đây một vài ngày, các quan chức cấp cao Iran đã đưa ra một thông báo khẳng định khu vực Nagorno-Karabakh thuộc về Azerbaijan. Tổng thống Hassan Rouhani cũng nhận định với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian rằng Armenia phải chấm dứt cuộc xung đột. Những tuyên bố như trên đã phản ánh sự cân bằng quyền lực trong nội bộ chính quyền Iran.
Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ sau khi Azerbaijan trở thành một quốc gia độc lập, Iran luôn để mắt đến sự ảnh hưởng của Baku với cộng đồng thiểu số Azerbaijan tại Iran. Nước này cũng thường thể hiện sự lo ngại rằng Azerbaijan muốn phá vỡ sự thống nhất của Iran thông qua sự ủng hộ của Mỹ để sáp nhập các tỉnh ở phía tây Iran với phía đông Azerbaijan. Chính phủ Iran cũng lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa Azerbaijan với Mỹ và Israel. Cả Washington và Tel Aviv đều coi Azerbaijan là một quốc gia quan trọng ở khu vực nam Kavkaz trên phương diện quân sự và kinh tế.
Những mối quan hệ phức tạp
Ngoài ra, sự tham gia gián tiếp của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột là một mối bận tâm khác của Tehran. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong khi Nga duy trì quan hệ với cả hai nước trong cuộc giao tranh trên. Iran thì đang duy trì các mối quan hệ phức tạp và "mong manh" với cả Ankara và Moscow. Tại Syria, Iran và Nga đứng về phía Tổng thống Assad còn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng đối lập với nhà lãnh đạo Syria. Tuy nhiên, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại có cùng lập trường trong quan hệ với Israel khi 2 nước này bác bỏ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain. Tehran và Ankara cũng đứng "cùng phe" với Qatar - nước hiện đang đối mặt với chiến dịch tẩy chay do Saudi Arabia dẫn đầu.
Dù vậy, các khía cạnh kinh tế thực sự đóng vai trò quan trọng khi xem xét các mối quan hệ giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Năm 2005, một đường ống nữa dài 1.700 km giữa Azerbaijan và cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ đã đi vào hoạt động. Thậm chí, trước khi bị áp các lệnh trừng phạt, việc xuất khẩu dầu của Iran đã phải cạnh tranh với đường ống dẫn dầu này. Giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu dầu suy giảm, Tehran buộc phải xem xét về việc đường ống dẫn dầu trên thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan như thế nào, cũng như mối quan hệ của 2 nước này với châu Âu: dầu từ Azerbaijan sẽ được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước tiêu thụ ở châu Âu. Rõ ràng, những nhân tố này đồng nghĩa với việc thậm chí kể cả Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào một thời điểm nào đó thì Iran vẫn đối mặt với khoảng thời gian khó khăn để một lần nữa lấy lại tầm ảnh hưởng tại đây.
Nguồn: dantri.com.vn