Đồng USD đóng vai trò quan trọng, chi phối hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu khi hơn 90% giao dịch ngoại hối trên thế giới liên quan đến đồng USD. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đang từng bước “phi USD hoá”, xu hướng thanh toán bằng đồng nội tệ ngày càng nở rộ. Trong khi đó, các cơ chế thanh toán quốc tế mới sẽ được thiết lập. Điều này khiến cho quyền bá chủ của đồng USD đang dần bị lung lay.
Hiện nay, hơn 90% giao dịch ngoại hối trên thế giới liên quan đến đồng USD, khoảng 44% thương mại quốc tế thanh toán bằng đồng USD. Tài sản USD chiếm hơn 2/3 dự trữ ngoại hối của nhiều nước. Tuy nhiên, tỷ trọng sản xuất và thương mại quốc tế của Mỹ chỉ chiếm lần lượt là 23% và 11% toàn cầu.
Thị trường tiền tệ quốc tế gần đây xuất hiện nhiều xu hướng sau khi chính khách nhiều nước công khai đề cập đến vấn đề “phi USD hoá”. Theo đó, trước tiên phải thừa nhận rằng việc thanh toán bằng đồng nội tệ dần trở nên phổ biến trên thế giới. Các nước xuất, nhập khẩu tiến hành thanh toán thương mại theo tỉ giá hối đoái bằng đồng tiền đã được hai bên thoả thuận, thay vì tỉ giá hối đoái thị trường.
Thanh toán bằng đồng nội tệ có thể hạ thấp chi phí kinh doanh, cũng như giảm thiểu rủi ro chính trị mà hai quốc gia trao đổi thương mại có thể phải gánh chịu trong bối cảnh Mỹ thường xuyên sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD làm vũ khí để trừng phạt các nước khác thời gian quá. Điển hình, Trung Quốc, UAE, Iran và nhiều nước… đã thực hiện thoả thuận thanh toán thương mại nội tệ song phương.
Trung Quốc - nước xuất khẩu thương mại lớn nhất và nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, cũng đã triển khai thương mại nội tệ với nhiều nước thông qua “Trung tâm dịch vụ nhân dân tệ xuyên biên giới của Tổ chức hợp tác Thượng Hải” (SCO). Trung tâm này bắt đầu vận hành ở Thượng Hải.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang xây dựng cơ chế thanh toán quốc tế đáng tin cậy, nghiên cứu đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên giỏ tiền tệ các nước BRICS. Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor mới đây cũng cho biết các nước BRICS muốn bỏ qua đồng USD để thiết lập hệ thống thanh toán công bằng hơn.
Vị thế thống trị của đồng USD đang bị đe doạ.
Năm 2021, tỷ trọng dân số và GDP của các nước BRICS lần lượt chiếm 40% và 25% toàn cầu. Nhóm các nước BRICS đã trở thành động lực thúc đẩy chính để thành lập hệ thống thanh toán quốc tế mới. BRICS cũng muốn thiết lập một đồng tiền dự trữ quốc tế mới công bằng, phản ánh thực trạng kinh tế của các nước.
Bên cạnh quan chức Nga và Nam Phi, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê-út, cựu Bộ trưởng của Singapore và Indonesia… đều thể hiện lập trường muốn tránh lệ thuộc vào đồng USD.
Mặc dù khó kỳ vọng đồng tiền dự trữ quốc tế do các nước BRICS khởi xướng có thể nhanh chóng thay thế lưu thông quốc tế của đồng USD, song đây là những dấu hiệu có thể làm suy yếu đồng USD và làm lung lay địa vị bá chủ của đồng tiền của Mỹ.
Do bị Mỹ trừng phạt nên thời gian qua Nga đã “thanh lý” hầu hết tài sản USD. Trung Quốc liên tiếp cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ xuống còn 870 tỷ USD. Trung Quốc phải đề phòng các biện pháp trừng phạt có thể của Mỹ, do đó, xu hướng cắt giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra ở nước này trong thời gian dài.
Quy mô của nhóm các nước BRICS đang được mở rộng, Iran, Argentina và Algeria đã nộp đơn xin gia nhập, trong khi các nước như Ai Cập, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đang duy trì đối thoại mật thiết với BRICS.
Điều quan trọng hơn là các nước đang phát triển hưởng ứng tích cực với việc thiết lập cơ chế thanh toán quốc tế và đồng tiền dự trữ mới. Đáng chú ý, đối với trường hợp các nước ASEAN, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Châu Á là trọng tâm phát triển kinh tế của toàn cầu trong tương lai, vì thế ASEAN được cho sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yong-Boon Yeo cho rằng “sử dụng đồng USD giống chất gây nghiện với tất cả chúng ta”, nhấn mạnh xu hướng “phi USD hóa” của các nước ASEAN ngày càng tăng lên. Xuất phát từ lịch sử và tình hình hiện nay, những nước này sẽ ủng hộ thiết lập cơ chế thanh toán và đồng tiền dự trữ mới. Trong môi trường cạnh tranh hòa bình, Mỹ cơ bản không thể thay đổi xu hướng này.
Trong khi đó, trong thời gian bùng phát xung đột Nga - Ukraine, các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã từ chối trừng phạt Nga theo lệnh của Mỹ, điều này phản ánh rõ nét ý đồ chờ thời cơ để thoát khỏi sự sức ép từ Mỹ và phương Tây của các nước Ả Rập. Một phần giao dịch dầu mỏ của Trung Quốc với Ả Rập Xê-út, Iran, Nga đã bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán. Iran còn sử dụng đồng nhân dân tệ làm dự trữ ngoại hối trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Hầu hết các nước Hồi giáo có lập trường tích cực đối với việc thiết lập cơ chế thanh toán quốc tế và đồng tiền dự trữ mới.
Các nước Mỹ Latinh muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, một trong những nước thành viên của BRICS là Brazil đang cùng Argentina - nước đang nộp đơn gia nhập BRICS, nghiên cứu thiết lập đồng tiền chung Nam Mỹ. Động thái này cũng phản ánh thái độ tích cực của các nước Mỹ Latinh đối với xu hướng “phi USD hóa”.
Xuất phát từ cân nhắc lợi ích, cũng như gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường thúc đẩy quan hệ với châu Phi. Tuy nhiên, cải thiện quan hệ Mỹ - châu Phi không phải là điều dễ dàng. Nhiều nước châu Phi phản ứng với các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ, trong khi hoan nghênh sự xuất hiện của hệ thống thanh toán và đồng tiền dự trữ quốc tế của BRICS.
Các nước đang phát triển ủng hộ “phi USD hóa”, cũng như thiết lập hệ thống thanh toán bằng đồng tiền dự trữ quốc tế công bằng. Đây sẽ là con đường quan trọng để họ thoát khỏi sự chi phối của Mỹ và phương Tây.
Nhóm các nước BRICS thiết lập cơ chế thanh toán quốc tế mới sẽ giảm thiểu việc sử dụng đồng USD trong thương mại quốc tế, đồng USD sẽ dần mất đi địa vị đồng tiền thanh toán thương mại hàng hóa quan trọng nhất toàn cầu, do đó các nước khác cũng sẽ giảm thiểu việc nắm giữ đồng USD.
Ngoài ra, việc nhóm các nước BRICS thiết lập đồng tiền dự trữ quốc tế mới sẽ thúc đẩy nhiều nước cắt giảm mua vào và dự trữ đồng USD. Một khi đối tượng mua ít, giá trị của đồng USD giảm, trong khi lưu thông quốc tế yếu sẽ làm lung lay địa vị thống trị của đồng USD.
Các nước BRICS tăng cường liên kết, tham vọng xây dựng cơ chế thanh toán chung.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 17,7 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ. Kim ngạch thương mại Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới - chỉ sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, tiền tệ của Trung Quốc - đồng nhân dân tệ, chỉ chiếm 3% thương mại toàn cầu, trong khi thị phần của đồng USD là 87%.
Mặc dù có sức mạnh kinh tế và chính trị, song Trung Quốc không thống trị dòng tiền định danh toàn cầu. Bây giờ, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi điều đó, thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới.
Năm ngoái, lãnh đạo Trung Quốc nói họ muốn nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ như đồng tiền dự trữ. Nền kinh tế và dòng chảy thương mại của Trung Quốc đủ lớn để hỗ trợ động thái như vậy. Tuy nhiên, nước này hiện cần thuyết phục các ngân hàng trung ương nước ngoài bắt đầu dự trữ đồng nhân dân tệ.
Tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố hợp tác với năm quốc gia và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế để hướng đến tham vọng này. Theo đó, Trung Quốc, cùng với Indonesia, Malaysia, Hong Kong, Singapore và Chile, mỗi nước sẽ đóng góp 15 tỷ nhân dân tệ, khoảng 2,2 tỷ USD, cho Thỏa thuận thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền dự trữ trên thực tế ở Nga. Lãnh đạo Nga quay sang Trung Quốc sau khi đối mặt với lệnh trừng phạt từ phương Tây sau chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giờ đây, 17% dự trữ ngoại hối của Nga được tính bằng đồng nhân dân tệ. Khi mối quan hệ đối tác Nga - Trung trở nên mạnh mẽ hơn, vị thế đồng tiền dự trữ của đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ đồng USD trong ngắn hạn. Trong môi trường hòa bình, Mỹ có thể vẫn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn sẽ sử dụng đồng USD. Nước này vẫn có thể tiếp tục kiếm được thặng dư USD lớn. Trung Quốc sẽ gia tăng tỷ trọng vàng, các đồng tiền khác, có thể bao gồm cả đồng tiền dự trữ BRICS trong kho dự trữ ngoại hối.
Liệu đồng nhân dân tế có thay thế được vai trò của đồng USD?
Sự thống trị của đồng USD bị thách thức, cơ hội sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế tăng lên. Nhiều nước sẽ lựa chọn mua và dự trữ đồng nhân dân tệ, điều này sẽ thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ.
Nhận định khả năng của đồng nhân dân tệ như đồng tiền dự trữ toàn cầu thời gian tới, các nhà kinh tế gồm Barry Eichengreen (Đại học California Berkeley) và Camille Macaire (ngân hàng trung ương Pháp) cho rằng, việc thay thế đồng USD sẽ không dễ dàng, cũng như sẽ không diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, dự trữ đồng nhân dân tệ đang tăng đều đặn ở những nước có quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với nhiều nước có thể khiến đồng nhân dân tệ trở thành một lựa chọn thay thế cho đồng USD trong một thế giới “đa cực”. Nói cách khác, Trung Quốc có thể giảm dần ảnh hưởng của đồng USD theo thời gian. Theo các chuyên gia, vị trí hiện tại của đồng nhân dân tệ tương tự như đồng USD trong những năm 1950, có thể mất vài thập kỷ trước khi đồng nhân dân tệ đổi ngang giá với đồng USD.
Vào những năm 1890, Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng phải 60 năm sau, hội nghị Bretton Woods năm 1944 mới chính thức xác lập địa vị thống trị tiền tệ của đồng USD. Do đó, mặc dù việc thiết lập hệ thống thanh toán quốc tế và đồng tiền dự trữ mới có thể thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nhưng trong giai đoạn hiện nay đồng nhân dân tệ vẫn không thể thay thế địa vị thống trị tiền tệ của đồng USD.
Nguồn: vtc.vn