Vào thời điểm này năm ngoái, Ukraine đang hừng hực khí thế sau chiến dịch phản công chớp nhoáng giúp họ giành lại hàng nghìn km vuông lãnh thổ từ tay Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận được sự ủng hộ nhiệt thành cùng những lời hứa hẹn viện trợ hàng tỷ USD từ phương Tây nhằm "đánh bại" Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hủy cuộc họp báo cuối năm 2022, khi quân đội của ông mất lợi thế trên chiến trường và Nga bị nhiều nước quay lưng vì phát động cuộc chiến.
Nhưng một năm sau, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Ông Putin tỏ ra tự tin và thể hiện giọng điệu chiến thắng trong họp báo cuối năm kéo dài 4 tiếng. Trong sự kiện tương tự được tổ chức vội vàng ở Kiev, ông Zelensky tỏ ra lúng túng và bối rối.
Trong cuộc họp báo ở Bộ Quốc phòng hôm 19/12, Tổng thống Nga hào hứng ca ngợi nỗ lực của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, khi bao quanh ông là những tướng hàng đầu của quân đội. Hình ảnh này tương phản rõ rệt với 6 tháng trước, khi quyền lực của ông bị thách thức nghiêm trọng bởi cuộc nổi loạn của Wagner, cũng như chiến dịch phản công quy mô lớn mà Ukraine phát động từ ngày 4/6.
Mark Galeotti, người đứng đầu công ty tư vấn Mayak Intelligence, cho biết ông Putin hoàn toàn có cơ sở cho sự tự tin đó. "Ông ấy hiện ở vị thế mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột bùng phát", ông nói.
Ông Zelensky đang ở một vị thế rất khác, theo Galeotti. Tổng thống Ukraine đang cố thuyết phục các đồng minh phương Tây duy trì sự ủng hộ với Kiev, thậm chí viện dẫn cả nghĩa vụ đạo đức.
"Tôi chắc chắn rằng Mỹ sẽ không phản bội chúng tôi và những gì chúng tôi đã nhất trí với Mỹ sẽ được thực hiện đầy đủ", ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, một trong những đồng minh nhiệt thành nhất của ông Zelensky, đã đề xuất gói viện trợ mới 61 tỷ USD cho Ukraine, song chưa được quốc hội Mỹ thông qua. Ông Zelensky tới Washington tuần trước với hy vọng tháo gỡ bế tắc tại quốc hội Mỹ, nhưng phải trở về trong thất vọng, khi không thể đảm bảo nguồn viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Việc ông Zelensky sử dụng từ "phản bội" trong thông điệp là một phần chiến lược "gây sức ép về đạo đức" từng được Tổng thống Ukraine áp dụng hiệu quả trong gần hai năm qua, theo Galeotti. Tuy nhiên, chiến lược này giờ có vẻ ít sức nặng đối với các đối tác phương Tây.
"Tôi nghĩ nó phản ánh thực tế rằng kết quả chuyến công du không chỉ gây thất vọng, mà còn khiến ông trông yếu đuối hơn khi ở quê nhà", Galeotti nói.
Trong những tuần đầu xung đột, ông Zelensky được ca ngợi vì những nỗ lực không mệt mỏi để thuyết phục các nước phương Tây đứng về phía Ukraine. Song điều đó ngày càng mờ nhạt khi làn sóng mệt mỏi vì cuộc chiến tăng dần sau gần hai năm giao tranh hao người tốn của.
Lực lượng Ukraine từng khiến nhiều người bất ngờ vào năm ngoái sau khi không chỉ chặn đứng đà tiến quân của Nga mà còn giành lại một số vùng lãnh thổ. Nó đã dẫn tới kỳ vọng cao cho cuộc phản công mà Kiev phát động hồi mùa hè. Nhưng sau 6 tháng phản công với nguồn viện trợ tài chính và quân sự lớn từ phương Tây, Ukraine vẫn không thể đạt bất kỳ đột phá nào.
Điều đó làm suy yếu niềm tin của các đồng minh vào khả năng Ukraine chiến thắng cuộc chiến, cũng như lo ngại về việc cung cấp thêm viện trợ cho quốc gia này, theo giới quan sát. Nó cũng khiến nội bộ Ukraine lục đục, khi ông Zelensky mâu thuẫn với tư lệnh quân đội khi người này nói rằng chiến dịch phản công đã lâm vào bế tắc.
Tổng thống Nga đã tận dụng tình trạng bế tắc của Ukraine để thể hiện hình ảnh tự tin, mạnh mẽ, theo giới quan sát. Ông Putin ngày 19/12 cho biết quân đội của ông "nắm thế chủ động" ở Ukraine và có được những kinh nghiệm quân sự không ai sánh bằng, trong khi Ukraine hứng chịu "tổn thất nặng nề" và lãng phí phần lớn nguồn dự trữ của họ.
Tại sự kiện, ông chủ Điện Kremlin trao danh hiệu "Anh hùng Nga" cho một số binh sĩ và cùng uống rượu vang với họ. Ông tuyên bố sẵn sàng "đi đến cùng" để bảo vệ nước Nga, vì ông luôn xem cuộc chiến ở Ukraine là nỗ lực chống lại phương Tây.
Chỉ 6 tháng trước, Điện Kremlin cũng đối mặt với những tranh cãi nội bộ về cách giới lãnh đạo quân sự Nga điều hành cuộc chiến, với đỉnh điểm là cuộc nổi loạn của Yevgeny Prigozhin, người từng được coi là trợ thủ thân cận của ông Putin.
Hình ảnh của ông Putin khi đó phần nào suy yếu. Song khi cuộc nổi loạn bị dập tắt nhanh chóng và các đồng minh Ukraine bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả cuộc phản công, Tổng thống Nga dường như được tiếp thêm sinh lực.
Charles Maynes, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là nhà phân tích của NPR, cho biết chỉ riêng việc ông Putin tổ chức họp báo thường niên trở lại sau một năm hủy sự kiện đã cho thấy niềm tin ngày càng tăng của giới lãnh đạo Nga về chiến thắng ở Ukraine.
Đầu tháng này, ông Putin cũng tuyên bố tái tranh cử tổng thống vào năm tới và gần như chắc chắn sẽ chiến thắng khi được nhiều người Nga ủng hộ, giúp ông có thể tại vị thêm 6 năm.
"Không thể phủ nhận Ukraine đang trải qua vài tháng tồi tệ, còn ông Putin đang ở một vị thế tốt hơn nhiều so với hồi mùa hè", Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King’s College ở London, nói.
Tổng thống Zelensky nói với giới truyền thông hôm 19/12 rằng đây là một "năm khó khăn" với Ukraine, nhưng phủ nhận đất nước của ông đang dần thua trận. Ông nhấn mạnh Kiev vẫn quyết tâm giành lại tất cả những vùng đất mà Nga kiểm soát.
Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức ngày 14/12 công bố nghiên cứu mới cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Kiev từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. "Động lực viện trợ cho Ukraine đã giảm", Viện Kiel cho hay.
"Tổng thống Zelensky chắc chắn rất mệt mỏi trước thực tế này, trong khi phải đối phó với những lục đục nội bộ ở Kiev", Clarke nói.
Nguồn: vnexpress.net