Các nước ASEAN chắc chắn sẽ tiếp tục mạnh tay ngăn chặn nạn sản xuất, buôn lậu ma túy |
Hợp pháp hóa kinh doanh cần sa
Tuần trước, Thái Lan chính thức cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế và các mục đích khác. Bộ trưởng Y tế Thái Lan nói rằng, hút cần sa để tiêu khiển vẫn là bất hợp pháp, nhưng ông hy vọng việc sản xuất cần sa hợp pháp sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Hơn 3.000 tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù ở Thái Lan vì các tội liên quan đến cần sa cũng đã được trả tự do.
Gloria Lai, Giám đốc khu vực của Hiệp hội Chính sách Ma túy quốc tế nhận định rằng, điều này cùng với những thay đổi đối với Bộ luật Ma túy của Thái Lan vào tháng 12-2021 là những dấu hiệu cho thấy nước này đang dần từ bỏ các chính sách nghiêm ngặt về ma túy. Một trong những nguyên nhân là tình trạng quá tải tại các nhà tù ở Thái Lan. Nước này có số lượng tù nhân lớn nhất trong số các nước ASEAN - khoảng 285.000 người - và hơn 80% tù nhân có tội danh liên quan đến ma túy.
Lợi ích kinh tế cũng đang thúc đẩy các cải cách của Thái Lan. Đất nước này có khí hậu thuận lợi cho việc trồng cần sa và ngành du lịch chữa bệnh đã phát triển. Martin Jelsma, Giám đốc dự án Ma túy và Dân chủ tại Viện Xuyên quốc gia (TNI) ở
Amsterdam, cho biết việc hợp pháp hóa có thể sẽ chấm dứt việc buôn bán trái phép cần sa vào Thái Lan, đặc biệt là từ Lào. “Hy vọng rằng nông dân Thái Lan và các công ty địa phương sẽ có thể hưởng lợi từ thị trường cần sa y tế quốc tế đang bùng nổ nhanh chóng, nhưng sẽ là một thách thức lớn khi phải cạnh tranh với các công ty lâu đời của Canada, Mỹ và châu Âu, những người đã chiếm được một phần lớn thị trường toàn cầu đó”, ông Martin Jelsma nói.
Doanh số bán cần sa y tế trên toàn cầu ước tính đạt 37,4 tỷ USD vào năm 2021, theo Báo cáo Cần sa Toàn cầu của Công ty Tình báo Thị trường Prohibition Partners. Báo cáo cho biết, thị trường có thể trị giá hơn 120 tỷ USD vào năm 2026.
Cuộc chiến chống ma túy ở Đông Nam Á
Các quốc gia ASEAN đã cố gắng kiềm chế việc tiêu thụ và bán ma túy từ những năm 1970, nhưng chủ yếu thông qua các biện pháp trừng phạt cực đoan, khi tội phạm ma túy chịu mức án cao nhất là tử hình. Năm 2003, chính phủ Thái Lan dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tuyên bố cuộc chiến chống ma túy, với hơn 2.200 người tử vong trong 3 tháng đầu tiên. Tương tự, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiến hành một chiến dịch chống ma túy nghiêm ngặt kể từ năm 2016. Dữ liệu chính thức cho thấy, khoảng 6.200 người đã thiệt mạng kể từ đó. Cách tiếp cận của ông Duterte đã trở nên gây tranh cãi đến mức Tòa án Hình sự Quốc tế năm 2021 đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc nhằm vào nhà chức trách Philippines trong chiến dịch chống ma túy.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng những cách tiếp cận này không thể ngăn chặn hoặc làm chậm nguồn cung ma túy của khu vực. “Quá nhiều tiền, quá nhiều nguồn lực và thời gian đã bị dồn vào những phản ứng mang tính chất trừng phạt nặng nề này, và chúng đã gây ra rất nhiều tổn hại cho con người và cho cộng đồng”, ông Gloria Lai nói.
Quyết định hợp pháp hóa cần sa của Thái Lan sẽ dẫn đến gia tăng tranh luận về chính sách chống ma túy của khu vực. Nhưng lưu ý rằng, cần sa chỉ là một phần nhỏ trong các mặt hàng chất cấm, chất gây nghiện trong khi hầu hết các tù nhân ở Thái Lan bị buộc tội liên quan đến ma túy là các tội liên quan đến ma túy tổng hợp methamphetamine.
Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho biết, kỷ lục 171,5 tấn methamphetamine, trong đó có hơn 1 tỷ viên ma túy tổng hợp đã bị thu giữ ở Đông và Đông Nam Á vào năm ngoái. Con số này nhiều hơn gấp 7 lần so với các vụ bắt giữ được thực hiện cách đây 10 năm, với khoảng 3/4 số vụ bắt giữ ở 5 quốc gia Đông Nam Á đi qua sông Mekong. Điều đó cho thấy, việc nới lỏng chính sách tiếp cận chung của Đông Nam Á đối với các loại ma túy mạnh khác khó có thể xảy ra.
Nguồn: anninhthudo.vn