Trên chiến trường, yếu tố quyết định thành bại của một cuộc chiến không chỉ gói gọn trong việc triển khai các hệ thống vũ khí uy lực và hiệu quả, mà câu hỏi đặt ra là các vũ khí này sẽ được sử dụng như thế nào.
Để vạch ra chiến thuật, các nhà lãnh đạo quân sự cần phải có một yếu tố quan trọng không kém vũ khí, đó chính là thông tin. Giữa "mưa bom, bão đạn", phía nắm được nhiều thông tin chính xác có thể đưa ra những quyết định đột phá và xoay chuyển cục diện chiến sự.
Đó chính là lý do vì sao, cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine trong 3 tháng qua đã chứng kiến việc 2 bên tận dụng các nguồn lực về tình báo chiến trường để gây ra những thiệt hại cho đối phương.
Một chiến dịch quân sự sẽ sử dụng thông tin tình báo một cách xuyên suốt, nhưng nhìn chung chia làm 2 giai đoạn chính: Thông tin tình báo để lập kế hoạch tác chiến và thông tin tình báo để triển khai hoạt động theo kế hoạch.
Sự khác biệt giữa 2 giai đoạn này là khá mơ hồ, nhưng có thể hiểu rằng, trong giai đoạn lập kế hoạch, phía tình báo sẽ có xu hướng phân tích nhiều hơn các yếu tố tác động đến chiến sự để đưa ra đề xuất cho ban lãnh đạo về kế hoạch hành động, trong khi trong giai đoạn tác chiến, lực lượng tình báo sẽ thu thập các thông tin có tính kịp thời hơn nhằm điều chỉnh việc tác chiến phù hợp với thực tế.
Quy trình của một hoạt động xây dựng kế hoạch thường bao gồm các bước: Nắm nhiệm vụ, chuẩn bị thông tin tình báo, đưa ra các phương án hành động, đánh giá và chọn phương án khả thi, và cuối cùng là phát đi mệnh lệnh.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng, nước này sẽ mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa nước láng giềng. Nga tuyên bố không nhằm mục tiêu vào dân thường mà chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine.
Trên thực tế, gần như mỗi ngày Bộ Quốc phòng Nga đều thông báo về việc họ đã phá hủy hàng loạt cơ sở quân sự của Ukraine bằng vũ khí chính xác. Điều này cho thấy, Nga đã có sự nghiên cứu về hệ thống mạng lưới cơ sở quân sự của Ukraine. Lần lượt các tên lửa Kalibr, Iskander, hay Kinzhal phóng từ khoảng cách vài trăm km đánh trúng các mục tiêu quân sự của Ukraine, kho vũ khí phương Tây viện trợ, hay mạng lưới đường sắt giúp Kiev chuyển khí tài tới các điểm nóng.
Hồi đầu tháng 4, Ukraine thừa nhận rằng Nga đã phá hủy gần như hầu hết ngành công nghiệp quốc phòng của nước này sau hơn một tháng triển khai chiến dịch quân sự. Điều này đẩy Ukraine rơi vào thế khó khi thiếu nghiêm trọng khí tài quân sự và phải trông chờ vào viện trợ từ phương Tây.
Ngoài việc thu thập thông tin theo phương pháp truyền thống, tình báo Nga áp dụng công nghệ cao để thu thập thông tin của đối thủ như sử dụng máy bay không người lái, các máy bay có hệ thống do thám hay vệ tinh quân sự. Nga đã đưa tới Ukraine một số UAV hiện đại có nhiệm vụ làm "mắt thần" trên không cho lực lượng mặt đất và pháo binh. Nga nhiều lần thực hiện các đòn đánh chính xác, dùng hỏa lực phá hủy các mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine trong suốt 3 tháng chiến dịch.
Hồi cuối tháng trước, Nga tiến hành phóng vệ tinh từ sân bay vũ trụ Plesetsk bằng phương tiện phóng hạng nhẹ Angara-1.2 hoàn toàn mới. Theo Republic World, các nguồn thạo tin nói rằng, vụ phóng đã mang vào quỹ đạo một vệ tinh quân sự bí mật phục vụ cho chiến dịch của Moscow ở Ukraine.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, họ đã thực hiện một số vụ phóng vệ tinh quân sự vào không gian. Đây được cho là một trong những nguồn quan trọng giúp Nga nắm được thông tin về hệ thống mục tiêu của Ukraine.
Tuy nhiên, trong bài viết trên trang chuyên phân tích quân sự War on The Rock, chuyên gia Philip H.J. Davies nhận định, tình báo Nga cũng đã vấp phải một số đánh giá không chính xác khi triển khai kế hoạch quân sự ở Ukraine.
Thứ nhất, Nga dường như cho rằng phương Tây sẽ có phản ứng với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, nhưng không quá mạnh mẽ như hiện tại. Việc dự đoán phản ứng của phương Tây trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự là cần thiết vì sự can thiệp của Mỹ và NATO rõ ràng có tác động lớn tới chiến lược của Nga ở Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, Nga có thể đã đưa ra dự đoán chưa hoàn toàn chuẩn xác dựa trên những sự kiện xảy ra trong quá khứ.
Trong chiến sự Nga - Gruzia năm 2008, hay Nga sáp nhập Crimea năm 2014, phản ứng của phương Tây là không quyết liệt như hiện tại. Trong 3 tháng qua, phương Tây đã áp các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga và tiến hành chuyển lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Trên thực tế, bản chất của các sự kiện trên có thể khác biệt, khi vị trí của Gruzia không mang tính chiến lược như Ukraine, hay trong vụ việc năm 2014 ở Crimea, Nga đã tiến hành một chiến dịch bí mật gây bất ngờ lớn khiến phương Tây không thể phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, trong trường hợp lần này, căng thẳng đã kéo dài nhiều tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự và Nga cũng đã đổ quân tới sát Ukraine từ năm ngoái.
Thứ 2, chuyên gia Davies cho rằng, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự, tình báo Nga đã có một số đánh giá chưa chuẩn xác về địa hình tác chiến. Họ chọn thời điểm tác chiến vào tháng 2, nhiệt độ ở Ukraine xuống thấp. Khi đó, cựu Thiếu tá Lục quân Anh Kevin Price từng nói với Times of London rằng thời tiết lạnh giá "sẽ làm suy yếu lực lượng Nga" và rõ ràng "người Nga chưa chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện như ở Bắc Cực".
Trên thực tế, vào đầu tháng 3, có thời điểm nhiệt độ ở quanh Kiev xuống tới -10 độ C và đã làm chậm đà tiến của Nga. Thêm vào đó, thời điểm Nga tiến vào Kiev, tình trạng bùn lầy vào mùa xuân khiến việc di chuyển bằng đường bộ trở nên khó khăn. Tác động của nó được thể hiện rõ nhất vào tháng 3 khi băng tuyết bắt đầu tan.
Theo Financial Times, tình hình thực tế dường như đã làm ảnh hưởng phương hướng ban đầu của Nga là tăng tốc chiến dịch để "đánh nhanh thắng nhanh" và họ đã quyết định thu gọn chiến dịch quân sự về Donbass để đảm bảo lợi thế về mặt chiến thuật và hậu cần.
Hồi đầu tháng 5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Quân đội của chúng tôi biết rõ rằng Mỹ, Anh và NATO đang cung cấp cho quân đội Ukraine dữ liệu tình báo và các thông số khác". Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định, các động thái của phương Tây sẽ không thể ngăn Nga quyết tâm hoàn thành mục tiêu của chiến dịch quân sự.
Vậy trên thực tế, phương Tây đã chuyển những thông tin tình báo nào cho Ukraine?
Theo hãng tin AP, trong chiến sự Nga - Ukraine, các thông tin tình báo của phương Tây vốn trước đây được xem là tuyệt mật lại được liên tục công khai một cách bất thường.
Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo điện tử của Anh, từng nhận định rằng, "tốc độ và quy mô" mà thông tin tình báo bí mật đang được tiết lộ "thực sự là chưa từng có tiền lệ".
Ngoài các thông tin liên tục được công khai về đà tiến của Nga, tình hình chiến trường, Mỹ thừa nhận đã cung cấp riêng cho Ukraine những "dữ liệu tình báo chiến trường hữu ích".
Trong vài tháng qua, NATO đã tăng tốc việc điều động hàng loạt tiêm kích và máy bay giám sát tới không phận gần Nga và Ukraine. Có 6 máy bay giám sát Boeing E-3A từ đội máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm của NATO hay các tiêm kích đã giúp khối này phác thảo ra "bức tranh toàn cảnh" về không phận 2 nước. Những máy bay "mắt thần" này không bay vào Ukraine hay Nga, nhưng có thể theo dõi trong khoảng cách 400 km.
Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết, phương Tây đã cung cấp các thông tin về vị trí và hướng di chuyển của lực lượng Nga trong "thời gian thực", bao gồm hình ảnh vệ tinh và tin quan trọng từ các nguồn nhạy cảm.
Một quan chức ẩn danh của Ukraine nói rằng, nhờ các thông tin này mà phía Kiev có thể nắm được vị trí của lực lượng Nga để nhằm mục tiêu.
Các quan chức Mỹ có cách tiếp cận khá thận trọng với phát ngôn liên quan tới thông tin tình báo. Mỹ khẳng định họ không đối đầu trực tiếp trong chiến sự với Nga, và họ chỉ hỗ trợ Ukraine để đối phó với Moscow. Những phát ngôn này được xem là nhằm làm giảm thiểu rủi ro Nga có thể xem hành động từ Mỹ và phương Tây là khiêu khích Moscow.
Theo các nguồn tin, Mỹ đã và sẽ tìm cách hạn chế cung cấp thông tin tình báo có thể giúp Kiev phóng vũ khí vào mục tiêu nằm ngoài biên giới của Ukraine - động thái nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Ngoài ra, Mỹ được cho thường chia sẻ thông tin về địa điểm, mục tiêu có giá trị, cơ sở quản lý và chỉ huy của quân đội Nga - điều có thể đặt các quan chức quân sự cấp cao của Moscow vào rủi ro. Nhưng Mỹ khẳng định rằng, họ chỉ là bên cung cấp thông tin và Ukraine mới là bên quyết định sử dụng thông tin như thế nào.
Mặt khác, theo giới chức Mỹ, Ukraine cũng sở hữu hệ thống thu thập tin tức tình báo khá hiệu quả. Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley từng thừa nhận, một lượng đáng kể thông tin tình báo từ Mỹ đã đổ về Ukraine trong suốt 3 tháng chiến sự vừa qua.
Chuyên gia tình báo Alexa O'Brien cho biết, tình báo nguồn mở (OSINT) có thể định hình lại cách mà thông tin tình báo được thu thập và sử dụng trong tương lai gần và thay đổi cách thức một cuộc chiến thông thường vận hành.
Tình báo nguồn mở chỉ khái niệm thông tin được tổng hợp từ các nguồn được công bố rộng rãi nhằm mục đích giải quyết một yêu cầu tình báo cụ thể. Trong chiến sự Nga - Ukraine, OSINT được thu thập từ các hệ thống vệ tinh thương mại, tin tức trên mạng xã hội, hình ảnh ghi từ điện thoại thông minh…
Trên thực tế, OSINT đã được tận dụng trong các cuộc chiến từ rất lâu trước khi mạng internet ra đời, song song với các nguồn tin thu được từ gián điệp hoặc các nguồn bí mật. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, OSINT ngày nay đã được thu thập bằng nhiều cách khác nhau và trong chiến sự ở Ukraine, nó đã đóng một vai trò khá quan trọng.
Nếu Nga có vệ tinh của riêng họ, thì theo Wall Street Journal, Ukraine cũng tận dụng hình ảnh chụp từ hệ thống vệ tinh thương mại để theo dõi xe tăng và đường di chuyển của lực lượng Moscow.
Hiện thế giới có hàng trăm vệ tinh thương mại trong quỹ đạo góp phần tạo nên sự bùng nổ của hình ảnh vệ tinh. Một số công ty vệ tinh thương mại tiết lộ, họ đã chuyển dữ liệu cho Mỹ và đồng minh, và trực tiếp cho Ukraine để giúp Kiev đối phó với chiến dịch của Nga.
Trước khi chiến dịch diễn ra hôm 24/2, các vệ tinh thương mại đã ghi lại hình ảnh quân Nga tập trung ở biên giới Ukraine. Công nghệ phát triển cho phép các vệ tinh có thể chụp ảnh một cách rõ nét để phát hiện những thay đổi trên mặt đất. Thậm chí một số có thể theo dõi mặt đất xuyên qua mây và chụp được hình ảnh lực lượng Nga di chuyển vào ban đêm.
Dữ liệu từ vệ tinh thương mại có thể không có chất lượng cao như từ vệ tinh do thám của quân đội, nhưng chúng có thể được chia sẻ dễ dàng mà không gặp trở ngại vì những hạn chế về bảo mật.
Một số quan chức Mỹ nói rằng, hình ảnh từ vệ tinh thương mại dường như đang làm Nga khó khăn hơn trong việc che giấu chiến thuật triển khai lực lượng.
Lợi thế của các vệ tinh thương mại là giá thành rẻ hơn hẳn vệ tinh do thám quân sự. Dù chúng có thông số kỹ thuật không bằng vệ tinh quân sự, nhưng chất lượng của vệ tinh thương mại được xem là vẫn đảm bảo để mang lại những thông tin hữu ích cần thiết.
Ngoài ra, trong suốt 3 tháng qua, hình ảnh và thông tin về chiến sự Nga - Ukraine liên tục được cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Telegram. Sự bùng nổ của công nghệ và điện thoại thông minh biến những người dùng trở thành những người cung cấp thông tin cho các bên. Đây cũng được xem là một loại OSINT và chúng có thể trở nên rất có giá trị nếu cung cấp được những tin tức quan trọng, có thể giúp thay đổi cục diện giao tranh.
Chuyên gia an ninh Matthew Ford cho biết, chiến sự Nga - Ukraine được xem là một trong những cuộc chiến tận dụng nhiều nhất hệ thống kỹ thuật số để thu thập thông tin tình báo. Ông lấy ví dụ về việc, Ukraine thu thập thông tin tình báo từ người dân qua nền tảng trực tuyến. "Các nền tảng được lập ra cho phép người Ukraine chia sẻ thông tin về mục tiêu bằng điện thoại thông minh. Việc phát hiện mục tiêu không cần phải sử dụng hệ thống quân sự phức tạp mà chỉ đơn giản là lấy thông tin từ nguồn dân sự", ông Ford nói.
Theo ông Ford, cuộc đua về thông tin tình báo có ý nghĩa sống còn với các bên. Ukraine, với năng lực quân sự kém hơn Nga, buộc phải nhanh hơn nếu họ muốn sử dụng lượng vũ khí giới hạn của họ một cách hiệu quả. Trong khi đó, Nga cũng cần thông tin một cách nhanh chóng để có thể chiếm ưu thế hơn trên chiến trường và không bị thiệt hại về nhân lực cũng như khí tài.
Theo ông O'Brien, OSINT có thể tác động đến cách các cuộc chiến truyền thống vận hành và làm thay đổi tính toán trong chiến lược của các bên trong tác chiến tương lai.
Nguồn: dantri.com.vn