Lãnh đạo Transnistria Vadim Krasnoselsky đã gọi sự leo thang căng thẳng xung quanh vùng ly khai là con đường có thể dẫn đến chiến tranh.
"Tôi luôn nói rằng đừng động vào Transnistria. Leo thang căng thẳng ở Transnistria là con đường dẫn tới chiến tranh, có thể là chiến tranh thế giới. Nhiều người hiểu được điều này. Nhiều người giả vờ rằng đó là một điều gì đó khó tin. Không, mọi thứ đều có thể xảy ra", ông Krasnoselsky cảnh báo trong bài trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình First Transnistrian.
Ông không nêu rõ về lời cảnh báo liên quan tới "chiến tranh thế giới". Ông đồng thời kêu gọi Moldova quay lại bàn đàm phán sau khi cáo buộc Chisinau chuyển từ giải pháp thương lượng sang gây áp lực cho Transnistria.
Trước đó, Phó Thủ tướng Moldova Oleg Serebrian cho rằng Transnistria phải tuân theo những quy tắc nhất định.
Ông Serebrian nhận định các cuộc đàm phán song phương và trong khuôn khổ nhóm "5+2" (Moldova, Transnistria, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, Nga, Ukraine và các quan sát viên từ Mỹ và EU) đều đang trong tình trạng không hoạt động.
Cuối tháng 2, các nhà lập pháp tại vùng Transnistria ra nghị quyết đề nghị Nga hỗ trợ trước sức ép kinh tế của chính phủ Moldova thân phương Tây.
Nghị quyết cáo buộc, Moldova đã phát động "cuộc chiến kinh tế" chống lại Transnistria và cố tình ngăn chặn các cuộc thương lượng với chính quyền ly khai thân Nga.
Transnistria là vùng lãnh thổ nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, có phần lớn cư dân nói tiếng Nga, được quốc tế công nhận là một phần của Moldova.
Vùng này đã đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1992, phe ly khai xung đột vũ trang với chính phủ thân phương Tây của Moldova, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Nga có khoảng 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" đồn trú tại khu vực ly khai này.
Kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Moldova vẫn lo ngại rằng Điện Kremlin có thể sử dụng Transnistria để mở mặt trận mới ở phía tây nam, gần tỉnh Odesa phía nam Ukraine.
Vùng tự trị Moldova cảnh báo kịch bản ly khai
Ngoài vấn đề liên quan tới Transnistria, Moldova - quốc gia Liên Xô cũ - cũng phải đối mặt với căng thẳng liên quan tới khu vực tự trị của nước này mang tên Gagauzia.
Gagauzia là vùng tự trị nằm ở nam Moldova. Thống đốc Gagauzia Eugenia Gutul, được bầu vào vị trí này hồi năm ngoái. Bà có quan điểm thân Nga và đã tới Nga công du trong thời gian qua.
Căng thẳng giữa Moldova và Gagauzia nóng lên sau khi chính quyền bà Gutul bất đồng quan điểm với chính phủ thân phương Tây. Bà từng cáo buộc Tổng thống thân Liên minh châu Âu (EU) của Moldova Maia Sandu "đàn áp" những cư dân ủng hộ Điện Kremlin.
Tuần trước, bà Gutul cảnh báo nếu chính quyền Moldova muốn hợp nhất với Romania, Gagauzia sẽ tuyên bố độc lập.
Trong kịch bản Gagauzia tuyên bố ly khai và Moldova gửi quân tới vùng này, bà Gutul cho hay Gagauzia sẽ cầu cứu sự giúp đỡ của tất cả các bên, bao gồm cả Nga.
Gagauzia từng tuyên bố độc lập vào thời điểm Liên Xô tan rã hồi năm 1991. Tuy nhiên, khác với Transnistria, Gagauzia vào năm 1994 đã đạt được thỏa thuận để tái nhập vào Moldova trong hòa bình vào năm 1995. Đổi lại, vùng này được trao quyền tự trị.
Nguồn: dantri.com.vn