WHO cũng xếp Omicron là nhóm biến thể "đáng lo ngại".
"Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác", WHO nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Biến chủng mới của COVID-19 trước đó có tên là B.1.1529, khiến nhiều giới khoa học lo ngại khi có tới 32 đột biến ở protein gai.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của biến thể Omicron. Khoảng 50 trường hợp mắc biến thể này được ghi nhận ở Nam Phi, Hong Kong và Botswana. Ngày 26/11, Bỉ là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc biến thể này.
Đến cuối ngày 26/11, 8 nước châu Âu gồm Anh, Áo, Czech, Đức, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Tây Ban Nha cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi và một số nước lân cận. Một số nước châu Á cũng nhanh chóng có động thái tương tự gồm Singapore, Philippines.
Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có chứa nhiều đột biến bất thường, đáng lo ngại. Điều này giúp biến thể có thể né phản ứng miễn dịch cơ thể và khiến virus dễ lây lan hơn.
Bất kỳ biến thể mới nào có thể né vaccine hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta – vốn đang phổ biến, đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thế giới.
Hôm 25/11, các nhà khoa học mô tả Omicron là biến thể 'tồi tệ nhất' kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.
Dù biến thể Omicron chỉ mới được xác định lần đầu vào đầu tuần này, song Anh đã gấp rút áp hạn chế đi lại với Nam Phi và 5 nước châu Phi khác. Theo đó, Anh tạm thời cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini từ 0h ngày 26/11.
Một số nước EU cũng cân nhắc đưa ra quyết định tương tự.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo cảnh báo các quốc gia không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại vì lo ngại trước biến thể COVID-19 mới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân nặng hơn hay không. Có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về biển chủng mới và mối đe dọa mà nó có thể gây ra.
Nguồn: vtc.vn