Thủ tướng Đức xác nhận bị tin tặc Nga tấn công. (Ảnh minh họa. Nguồn: DPA) |
Thủ tướng Merkel phát biểu, bà cảm thấy “đau lòng” khi từ trước đến nay bà vẫn không ngừng nỗ lực cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; chỉ trích cuộc tấn công mạng của Nga là “quá đáng”, làm tổn thương mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa hai nước và khẳng định không loại trừ việc xem xét áp dụng các biện pháp, kể cả chống lại Nga.
Theo Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang, có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy tình báo quân đội GRU đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn hồi năm 2015.
Năm 2015, hàng loạt máy tính trong văn phòng của nhiều nghị sĩ Đức đã bị nhiễm phần mềm gián điệp và khiến hệ thống mạng của Quốc hội phải dừng hoạt động trong nhiều ngày sau đó.
Sau chiến dịch tấn công mạng kéo dài khoảng 2 tuần, 16 gigabyte dữ liệu đã được chuyển đến các máy chủ nước ngoài. Các tin tặc cũng đã thành công trong việc sao chép hoàn toàn hai hộp thư điện tử từ Văn phòng Thủ tướng Merkel, trong đó chứa các email từ năm 2012 đến 2015. Tuy nhiên, mức độ thông tin bị đánh cắp chưa được tiết lộ.
Sau nhiều năm điều tra, tuần trước, Văn phòng Công tố Liên bang đã có lệnh truy nã quốc tế đối với tin tặc người Nga tên là Dmitri Badin, người được cho là đóng vai trò chính trong cuộc tấn công mạng năm 2015.
Năm 2016, cơ quan tình báo nội địa Đức công khai cáo buộc một nhóm hacker, được cho là làm việc cho nhà nước Nga, đứng đằng sau vụ tấn công mạng này. Nhóm được biết đến với tên gọi Fancy Bear, hay APT28, cũng được cho là đã đứng đằng sau các vụ tấn công mạng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Cơ quan tình báo nội địa Đức tin rằng, các cuộc tấn công của Nga nhắm vào các cơ quan, tổ chức của Đức được thực hiện là nhằm thu thập thông tin tình báo.
Quan hệ giữa Nga và quyền lực kinh tế của EU, cũng như quan hệ giữa bà Merkel và Tổng thống Vladimir Putin là rất phức tạp. Một mặt, bà Merkel đã nhanh chóng lên án việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine thành lãnh thổ của mình hồi năm 2014 và bảo vệ quyết định tiếp tục áp các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng bất chấp sự phản đối trong nước và cả từ bên ngoài để ủng hộ cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2, là hệ thống sẽ nâng gấp đôi lượng gas của Nga vào châu Âu qua Đức. Hàng nghìn công ty Đức vẫn đang làm ăn với Nga và một số hãng đang vận động cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Họ nói rằng, các lệnh trừng phạt đó đang làm lụn bại hoạt động thương mại.