Xu hướng chuyển đổi năng lượng trên thế giới
Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2022, tổng sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng 8% so với năm 2021, và chiếm khoảng 29% trong tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo có thể chiếm đến 50% tổng sản lượng điện toàn cầu, đặc biệt là nhờ sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Một yếu tố quan trọng khác là việc các quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Hội nghị COP26 đã chứng kiến nhiều quốc gia ký kết các cam kết về “zero emissions” vào giữa thế kỷ 21. Đặc biệt, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.
Mức độ và tốc độ chuyển đổi
Mức độ chuyển đổi năng lượng có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Liên minh châu Âu (EU) là khu vực dẫn đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng với tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản lượng điện đã vượt qua 40% trong năm 2022. Các quốc gia thành viên EU, như Đức, Pháp, và Đan Mạch đã đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng gió và mặt trời.
Tại châu Á, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, với sản lượng điện mặt trời và điện gió chiếm hơn 30% tổng công suất điện quốc gia vào cuối năm 2022. Đặc biệt, Trung Quốc đã cam kết sẽ đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060.
Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng, khi đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo với mục tiêu cắt giảm 50-52% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, theo Kế hoạch Hành động Khí hậu của Chính quyền Biden (White House, 2021).
Các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và Nam Mỹ cũng đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, mặc dù với tốc độ chậm hơn do hạn chế về công nghệ và tài chính. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió.
Đặc trưng của xu hướng chuyển đổi năng lượng
Chuyển đổi năng lượng không chỉ đơn thuần là thay thế các nguồn năng lượng truyền thống bằng các nguồn năng lượng tái tạo, mà còn phản ánh sự thay đổi về cấu trúc kinh tế, công nghệ, và chính trị toàn cầu.
Chuyển đổi năng lượng là kết quả của sự phát triển công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng. Ví dụ, chi phí sản xuất năng lượng mặt trời đã giảm hơn 80% trong vòng một thập kỷ qua, làm cho nguồn năng lượng này trở nên cạnh tranh với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Việc chuyển đổi năng lượng có tác động lớn đến quyền lực địa chính trị. Các quốc gia như Nga và các nước OPEC, vốn dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, đang phải đối mặt với sự suy giảm vị thế kinh tế do nhu cầu năng lượng hóa thạch giảm. Ngược lại, các quốc gia đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, như Đức hay Trung Quốc, đang dần chi phối thị trường năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng cũng góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí và tạo ra việc làm mới trong các ngành công nghiệp xanh.
Các quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi năng lượng
Trung Quốc: là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và cũng đã trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu. Nước này hiện chiếm 50% công suất điện mặt trời và gió toàn cầu và đang đầu tư mạnh vào công nghệ lưu trữ năng lượng và sản xuất pin lithium-ion, tạo nên lợi thế về kinh tế và công nghệ.
Liên minh châu Âu (EU): không chỉ là khu vực tiên phong về chính sách năng lượng tái tạo mà còn là trung tâm công nghệ sản xuất điện gió và thủy điện. Các chính sách xanh của EU, như Thỏa thuận Xanh Châu Âu, đã tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp năng lượng phát triển mạnh mẽ.
Hoa Kỳ: với tiềm năng năng lượng gió và mặt trời lớn, cùng với các khoản đầu tư liên bang vào công nghệ xanh, Hoa Kỳ đang dần trở thành một trong những trung tâm của chuyển đổi năng lượng. Các doanh nghiệp tư nhân, như Tesla và Google, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các giải pháp năng lượng bền vững.
Vấn đề chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam
Xu hướng chuyển đổi năng lượng là một hiện tượng toàn cầu, với sự tham gia mạnh mẽ của các quốc gia và khu vực lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược chuyển đổi năng lượng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sự công bằng và bền vững.
Một là, đầu tư vào hạ tầng năng lượng tái tạo.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ có điều kiện thuận lợi về ánh sáng mặt trời và sức gió, giúp giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và dầu mỏ. Theo các báo cáo, Việt Nam có tiềm năng phát triển tới 150 GW điện gió ngoài khơi và hàng trăm GW điện mặt trời. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống truyền tải, lưới điện thông minh và các giải pháp lưu trữ năng lượng.
Chính phủ cần xây dựng các kế hoạch và dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo việc truyền tải năng lượng tái tạo từ khu vực sản xuất đến khu vực tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc đầu tư và phát triển hệ thống này.
Đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư (PPP) để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo, từ kinh nghiệm thành công ở một số nước trong khu vực như Thái Lan và Philippines. Bên cạnh đó, chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính như trợ giá hoặc bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Hai là, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ
Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu và tăng cường sự tự chủ về năng lượng. Việc phát triển các giải pháp công nghệ như lưu trữ năng lượng, hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo với lưới điện quốc gia, và phát triển công nghệ sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo trong nước sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu bền vững.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trung tâm nghiên cứu, đại học, và các doanh nghiệp tham gia vào R&D trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm nghiên cứu về công nghệ lưu trữ và lưới điện thông minh.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất trong nước các linh kiện và thiết bị năng lượng tái tạo.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ.
Bà là, xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch
Chính phủ cần đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài; Đảm bảo cơ chế giá điện minh bạch và có sức hấp dẫn, đồng thời xây dựng hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn và ổn định để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; Ban hành các chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, chẳng hạn như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho các thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo.
Bốn là, đảm bảo lợi ích xã hội trong quá trình chuyển đổi
Chuyển đổi năng lượng có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong cơ cấu lao động, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể gây ra những tác động xã hội nếu không có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bảo vệ người lao động.
Cần thiết phải có các chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, bao gồm hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại và đảm bảo điều kiện làm việc trong các ngành công nghiệp mới.
Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ liên quan đến năng lượng tái tạo, như sản xuất linh kiện, lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giúp giảm áp lực xã hội từ việc chuyển đổi.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi năng lượng có thể không đồng đều giữa các khu vực, gây ra chênh lệch phát triển. Chính phủ cần chú ý đến việc phân bổ nguồn lực hợp lý để đảm bảo không có khu vực nào bị bỏ lại phía sau./.
Đỗ Hồng Việt