Căng thẳng tái bùng phát và vụ đụng độ đẫm máu tối ngày 15/6
Cuộc hỗn chiến tối ngày 15/6 là đỉnh điểm trong đợt bùng phát căng thẳng biên giới giữa hai bên kéo dài từ đầu tháng 5 và cũng là vụ đụng độ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua trên biên giới Trung - Ấn. Ngòi nổ của xung đột bắt đầu ngày 5 tháng 5 khi các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau tại khu vực hồ Pangong Tso(1). Tiếp sau đó là một loạt các cuộc va chạm biên giới gây thương vong khác ở Ladakh khiến hai bên tăng cường lực lượng tới khu vực tranh chấp(2).
Sau nhiều cuộc gặp gỡ giữa giới chức ngoại giao và quân sự hai bên từ nửa cuối tháng 5 nhằm tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng, cuộc họp cấp chỉ huy tại Moldo ngày 6 tháng 6 đã đạt được đồng thuận về việc hai bên giảm căng thẳng và rút các lực lượng ra khỏi các khu vực đụng độ (3). Tuy nhiên, tối ngày 15/6, một cuộc hỗn chiến dữ dội giữa binh sĩ hai bên đã diễn ra trên triền núi hẹp cao bên thung lũng sông Galwan trong tiết trời giá lạnh. Trong khi những người lính Ấn Độ với tay không và đá, binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng lưỡi lê và các vũ khí tự chế gây sát thương lớn như gậy sắt gắn đinh hay gậy gỗ quấn dây thép gai để tấn công nhau suốt 6 giờ đồng hồ(4).
Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 76 người khác bị thương và truyền thông nước này cũng cho biết phía Trung Quốc cũng hứng chịu ít nhất 43 ca thương vong mặc dù phía Trung Quốc không tiết lộ bất cứ con số thiệt hại về người nào liên quan tới vụ đụng độ(5).
Trong khi New Dehlinói lính Trung Quốc xâm nhập và dựng lều bạt trong lãnh thổ Ấn Độ nhằm đơn phương tìm cách thay đổi nguyên trạng LAC, và khi nhóm tuần tra Ấn Độ tới yêu cầu lính Trung Quốc triệt thoái theo thỏa thuận trước đó thì bị lính Trung Quốc tấn công bất ngờ với số lượng vượt trội (6). Phía Ấn Độ nói rằng vụ việc này được phía Trung Quốc “dự mưu, có kế hoạch” từ trước và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ngược lại, Bắc Kinh cáo buộc lính Ấn Độ vượt biên giới, khiêu khích Trung Quốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (7). Bắc Kinh yêu cầu New Dehli tiến hành điều tra kỹ lưỡng và trừng phạt nghiêm khắc những ai chịu trách nhiệm gây ra vụ việc.
Ấn Độ phản ứng một cách cứng rắn với việc Thủ tướng nước này thăm khu vực xảy ra đụng độ và tuyên bố “kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã qua rồi” (8). Sau nhiều nỗ lực, ngày 5/7 hai bên đã thống nhất hạ nhiệt căng thẳng và rút quân dọc khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, thỏa thuận này không thể giải quyết được mâu thuẫn cốt lõi trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn và trên thực tế hai bên vẫn thúc đẩy củng cố sức mạnh, trang bị vũ khí, khí tài mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới.
Đâu là động lực của những căng thẳng và xung đột?
Thời điểm và tính chất nghiêm trọng của xung đột biên giới Trung-Ấn lần này làm dấy lên những câu hỏi quan trọng về động cơ và những tính toán chiến lược của hai bên trước, trong và sau vụ việc.
Một số nhân tố sau đây có thể giải thích cho động cơ của Bắc Kinh:
Một là, lịch sử cho thấy Bắc Kinh luôn biết tận dụng thời cơ để thúc đẩy các lợi ích chủ quyền. Đại dịch Covid-19 đang làm rối ren cả thế giới và Ấn Độ đang phải chật vật chống chọi với sự tấn công của dịch bệnh. Trong khi thế giới đang bận tâm với đại dịch, hành vi của Trung Quốc trên biên giới Trung-Ấn có thể nằm trong chuỗi các hành vi quyết đoán của nước này tại các khu vực tranh chấp với láng giềng.
Hai là, Trung Quốc dường như tiếp tục chiến thuật lâu nay là nếu tranh chấp chưa được giải quyết theo hướng có lợi cho họ thì duy trì căng thẳng có kiểm soát và mở rộng tranh chấp, qua đó sẽ giúp Bắc Kinh đạt được lợi thế theo thời gian khi sức mạnh Trung Quốc vượt trội đối thủ.
Với Trung Quốc, khu vực tranh chấp với Ấn Độ có vị thế chiến lược trọng yếu, giáp với hai khu tự trị đặc biệt nhạy cảm của Trung Quốc là Tây Tạng và Tân Cương. Trong khi bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền bao gồm quận Tawang, nơi sinh Đức Lạt Ma thứ 6 của Tây Tạng có ý nghĩa với Trung Quốc cả về giá trị chủ quyền và địa chiến lược, thì khu vực Aksai Chin mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Ấn Độ sau cuộc chiến 1962 cung cấp kết nối đường bộ độc đạo giữa hai Khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng qua Quốc lộ G219.
Ba là, trong lúc chịu áp lực tứ bề bởi khó khăn kinh tế, phải đối mặt vớimối quan hệ tuột dốc không phanh với Washington và hứng chịu làn sóng phản ứng quốc tế lan rộng liên quan đến đại dịch Covid-19 và chính sách ngoại giao “quá đà”, hành động của Bắc Kinh được xem như nhằm thu hút dư luận trong nước khỏi những khó khăn hiện tại, đẩy áp lực ra ngoài thông qua chủ nghĩa dân tộc, cũng như thể hiện rằng Trung Quốc vẫn đủ mạnh mẽ và sự tự tin để đẩy lui các thách thức bên ngoài.
Bốn là, Trung Quốc muốn gây áp lực ngăn chặn Ấn Độ phát triển hạ tầng khu vực biên giới để gia tăng ưu thế chiến lược. Trong khi gần đây Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khu vực biên giới gần LAC với Ấn Độ, Bắc Kinh tỏ ra lo ngại và cáo buộc New Dehli gia tăng căng thẳng khi tăng cường xây dựng đường xá, sân bay và căn cứ dọc theo LAC, nhất là con đường nối Darbuk-Shyok-Daulat Beg Oldie (DSDBO) dài 255 km chạy gần như song song LAC được Ấn Độ khánh thành vào năm ngoái (9).
Năm là, Bắc Kinh có thể sử dụng vấn đề biên giới như một lá bài để kiềm chế sự trỗi dậy và vươn tầm ảnh hưởng nhanh chóng của Ấn Độ gần đây, đồng thời ngầm cảnh báo và gây sức ép với New Delhi về khả năng tham gia các liên minh và tập hợp lực lượng khu vực do Mỹ dẫn dắt trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu Mỹ-Trung gia tăng hiện nay. Qua hành động, Bắc Kinh có thể thăm dò phản ứng của Ấn Độ cũng như làm một phép thử để kiểm chứng đường hướng chính sách đối ngoại của New Dehli trong bối cảnh quốc tế đang chuyển biến mau lẹ hiện nay.
Về phía Ấn Độ, dù không muốn căng thẳng và xung đột leo thang với Trung Quốc, New Dehli đã tỏ ra khá cứng rắn và không khoan nhượng Bắc Kinh. Ấn Độ vẫn chưa phai ký ức đắng cay trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962. Dù tương quan sức mạnh chênh lệch, tiềm lực, kinh nghiệm và sự chủ động chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc giờ đây đã khác trước rất nhiều. Thủ tướng Modi cũng không muốn bị xem là mềm yếu trước Bắc Kinh khi cuộc bầu cử đang đến gần. Hơn nữa, uy tín quốc tế và sự ủng hộ ngoại giao cho New Dehli là cao hơn Bắc Kinh xét trong bối cảnh hiện tại khi Bắc Kinh đang đối mặt với sự nghi ngờ và xa lánh quốc tế rộng khắp.
Hệ lụy nào cho quan hệ Trung - Ấn và môi trường địa chính trị khu vực?
Những năm qua Thủ tướng Modi đã theo đuổi một chính sách mềm mỏng mang tính đối thoại và xây dựng với Trung Quốc thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cuộc đối đầu 73 ngày tại Cao nguyên Doklam năm 2017 và vụ hỗn chiến đẫm máu nhất trong hơn 50 năm vừa rồi cho thấy sức mạnh bất đối xứng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ cùng chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh là chỉ dấu rằng những ngày hòa bình tương đối trên biên giới Trung-Ấn ngày càng trở nên mong manh. Quan hệ Trung-Ấn tuy khó có thể bị phá vỡ hay chuyển quỹ đạo sau những căng thẳng gần đây, nhưng chiến lược đối ngoại của Ấn Độ có thể có những điều chỉnh và tái định vị lại trên một số chiều cạnh nhất định.
Vụ việc ngày 15/6 sẽ tác động sâu sắc đến quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Lòng tin chiến lược của New Dehli với Bắc Kinh chắc chắn đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vụ đụng độ đẫm máu vừa qua mà Ấn Độ tố cáo là được Trung Quốc “dàn dựng từ trước” có thể là dấu chấm hết cho những hy vọng vốn mong manh của New Dehli vào thiện chí đối thoại cùng thắng và tôn trọng lẫn nhau từ phía Bắc Kinh. Chính phủ Modi vì thế có thể và cần phải có một chiến lược nghiêm túc và quyết đoán hơn trong việc đối phó với Trung Quốc cả bên trong cũng như bên ngoài.
Ấn Độ sẽ nhạy cảm hơn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và dù không dễ thực hiện, New Dehli sẽ hướng tới chiến lược giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Nước này mới đây đã cấm sử dụng nhiều ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc. New Delhi cũng đã áp đặt các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu tư và các dự án hạ tầng của Trung Quốc tại Ấn Độ.Ấn Độ có thể sử dụng thị trường khổng lồ đầy tiềm năng của mình như một đòn bẩy để gây áp lực với Trung Quốc về thương mại khi mà Trung Quốc đang có thặng dư thương mại với Ấn Độ tới gần 60 tỷ USD trong tổng số hơn 80 tỷ USD tổng kim ngạch thương mại Trung - Ấn năm tài khóa 2019-2020(10).
Vụ việc ngày 15/6 vừa qua cũng đã cảnh báo Ấn Độ về tính dễ tổn thương của nước này trước một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, tham vọng và quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ. Nó đặt ra cho New Dehli yêu cầu không ngừng nâng cao năng lực quốc phòng để có thể đối phó và phản ứng hiệu quả với những thách thức an ninh từ Trung Quốc.
Trong chiến lược đối ngoại, mặc dù vẫn khá cẩn trọng và nhạy cảm để không bị cho là chọn phe trong cuộc thư hùng Mỹ-Trung hiện nay, Ấn Độ khó có thể mãi giữ trung lập giữa Bắc Kinh và Washington. New Dehli giờ đây có động lực hơn trong việc khởi động lại nhóm “Bộ tứ” và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ và sâu rộng hơn với Mỹ, Australia, Nhật Bản và ASEAN trong một nỗ lực chung nhằm kiềm chế Trung Quốc cũng như tận dụng những lợi thế từ mối quan hệ đang xấu đi nghiêm trọng của các nước này với Trung Quốc hiện nay để thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Trong căng thẳng với Bắc Kinh hiện nay, Ấn Độ rõ ràng đang có lợi thế lớn từ sự ủng hộ ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản, Úc cũng như có một cơ hội vàng trong việc đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Mỹ và phương Tây ra khỏi Trung Quốc. New Dehli cũng có thể sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, can dự sâu hơn và hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, bảo đảm hòa bình, ổn định và thượng tôn luật pháp quốc tế ở khu vực.
(1) Siddiq Wahid, “There is a Global Dimension to the India-China Confrontation in Ladakh”, The Wire, on June 11, 2020.
(2) Dinakar Peri, “Indian, Chinese troops face off in Eastern Ladakh, Sikkim”, The Hindu, May 10, 2020.
(3) Krishn Kaushik, “In recent statements, both India and China repeatedly spoke of peaceful resolution”, The Indiane xpress, June 17, 2020.
(4) “India recovers from the shock of nail-studded clubs, gets ready to get even”, The Economic Times, Jun 19, 2020; FPJ Web Desk, “Defence analyst shares picture of barbed wire stick used on Indian soldiers by Chinese, Twitterati in shock”.
(5) Rahul Singh, “20 Indian soldiers killed in LAC stand-off with Chinese troops”, Hindustan Times, Jun 17, 2020; “Highlights: 20 Indian Soldiers Killed; 43 Chinese Casualties In Ladakh”.
(6) Suhasini Haidar, “Chinese troops tried to change status quo: India”, The Hindu, June 17, 2020.
(7) “India blames China for violent face-off in eastern Ladakh, says PLA tried to change status quo”, Hindustan Times, Jun 17, 2020.
(8) “Era of expansionism is over; India's enemies have seen 'fire and fury' of its armed forces: PM Modi during Ladakh visit”, The times of India, Jun 4, 2020.
(9) “Kashmir construction sparks China-India border standoff”, TRT World, 26 May, 2020; M. Taylor Fravel, “Why are China and India skirmishing at their border?”, The Washington Post, June 2, 2020.
(10) “Ấn Độ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tài khóa 2020, Thời báo tài chính, ngày 04/7/2020.
Chí Nguyện