Một tháng trước, Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và đây được xem là một sự kiện có tính bước ngoặt của thế giới.
Kể từ đó, toàn cầu đã chứng kiến những sự "rung chuyển" không chỉ về quân sự mà còn trong hàng loạt lĩnh vực như kinh tế, trật tự thế giới. Xét cho cùng, các nước lớn và mối quan hệ giữa những nước này từ trước tới nay luôn có tác động lớn tới xu thế phát triển của chính trị thế giới. Điều đó cũng đồng thời đặt ra bài toán quan trọng cho các nước nhỏ trong việc đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền giữa "bàn cờ" của các nước lớn.
Trong buổi tọa đàm "Nhìn từ cuộc chiến Nga - Ukraine: Nước nhỏ trong vòng xoáy chính trị cường quyền" do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 25/3, nguyên Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh và nguyên Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã nêu ra những nhận định về tình hình Nga - Ukraine hiện tại, cũng như bài học cho các nước nhỏ trong quan hệ với các cường quốc toàn cầu.
Nước nhỏ, vừa trong "vòng xoáy" của nước lớn
Theo ông Phạm Quang Vinh, cường quyền của các nước lớn vốn là điều tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử thế giới. Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng, các động thái của các cường quốc luôn có tác động tới khu vực và thậm chí trên toàn cầu.
Ở một góc nhìn rộng hơn, địa chính trị nước lớn không chỉ là cường quyền mà còn mang theo ý nghĩa tập hợp, tức là sự cọ sát giữa các nước lớn để tập hợp lực lượng về phía mình. Trong hoạt động tập hợp lực lượng, có cả yếu tố gây sức ép, cạnh tranh. Trong "bàn cờ" này, có sự đối đầu giữa nước lớn với nước lớn, nước lớn với nước nhỏ, và cách ứng xử đáp lại của nước nhỏ.
Từ góc nhìn trên, ông Phạm Quang Vinh cho rằng, căng thẳng Nga - Ukraine hiện tại một phần bắt nguồn từ thực tế là Mỹ, NATO đã mở rộng sang phía Đông trong suốt những năm qua, làm thu hẹp không gian hậu Liên Xô, không gian an ninh của Nga. Nga đã nhiều lần cảnh báo với các đối thủ về thực trạng này.
"Việc Mỹ và NATO mở rộng về phía Đông dường như đã phá vỡ cơ hội tạo ra cấu trúc an ninh chung có thể tương đối ổn định cho cả phía Đông và phía Tây châu Âu. Trước đó, trong thời kỳ đầu, Nga và NATO đã thiết lập hình thái hợp tác ban đầu, nhưng dần dần cam kết đó đã bị giảm đi", ông Phạm Quang Vinh cho biết.
Năm 2008, Nga đã có phản ứng khi nước láng giềng Gruzia có xu hướng ngả về phương Tây. Tới năm 2014, một bước ngoặt lớn đã xảy ra với sự việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau khi phong trào biểu tình Maidan dẫn tới việc lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych.
Theo ông Phạm Quang Vinh, ngoài lý do bị đe dọa về mặt an ninh, từ góc nhìn địa chính trị nước lớn, Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine dường như còn vì muốn khôi phục lại vị thế và tầm ảnh hưởng của mình như trước đó.
Trong khi đó, Ukraine, quốc gia nằm sát cạnh Nga, có lịch sử và văn hóa gần gũi với Nga, sau khi Liên Xô tan rã dường như có sự "giằng co" từ những năm 1990 giữa việc hợp tác phương Đông hay phương Tây trong định hướng phát triển. Tuy nhiên, trong suốt gần 30 năm kể từ khi tuyên bố độc lập, những sự thay đổi chính phủ ở Ukraine cho thấy họ chưa vạch ra con đường phát triển cụ thể khi chính quyền khi thân phương Tây, khi lại thân Nga. Bước ngoặt xảy ra với con đường của Ukraine chính là sự kiện năm 2014 và Ukraine dường như đã quyết định chuyển hẳn sang hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế gắn với phương Tây.
Việc Ukraine muốn gia nhập NATO và được khối liên minh "bật đèn xanh" đặt ra những thách thức cho Nga về cả an ninh lẫn yếu tố địa chính trị, buộc họ quyết định hành động.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự nổ ra, chính bản thân NATO cũng chứng kiến mối đe dọa từ Nga đối với khối trở nên lớn hơn, với lo ngại rằng xung đột có thể lan ra châu Âu. Ngoài ra, theo ông Vinh, châu Âu trong tương lai dường như vẫn cần cơ chế hợp tác an ninh có sự tham gia của Nga, nhưng cơ chế này không thể đạt được "một sớm một chiều" sau khi cuộc chiến khép lại do những hậu quả về niềm tin sau chiến sự.
Một điểm đáng chú ý theo ông Phạm Quang Vinh là lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và phương Tây có phản ứng nhanh, mạnh, đồng bộ chưa từng có trước chiến dịch quân sự của Nga.
Các động thái đã tác động mạnh tới toàn thế giới, không chỉ còn nằm gọn trong châu Âu, và nó đặt ra những câu hỏi về việc các lệnh trừng phạt sẽ kéo dài trong bao lâu, Nga sẽ ứng phó ra sao với các biện pháp trên; các quan hệ giữa các nước và khu vực lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc và cả EU sẽ bị tác động như thế nào.
Những diễn biến trên cho thấy, "thứ nhất là, cấu trúc an ninh châu Âu vốn không phù hợp trong không gian hậu Liên Xô nay đã đổ vỡ. Thứ hai là, quan hệ giữa EU và Nga từ trước tới nay dù xấu đi hay tốt hơn, nhưng 2 bên vẫn tranh thủ hợp tác. Nhưng sau khi cuộc chiến xảy ra, quan hệ này dường như có dấu hiệu sụp đổ. Một số nước có quan điểm trung dung ở châu Âu đã có những dấu hiệu của việc thay đổi thái độ với Nga. Điều này có thể cho thấy, họ dường như lo ngại về viễn cảnh của một cuộc chiến mở rộng ra quy mô châu lục", ông Phạm Quang Vinh nhận định.
Ông dự đoán rằng, với tình hình hiện tại ở Ukraine, ngoài giải pháp quân sự, cần phải có giải pháp về chính trị về lâu về dài. Ngay cả trong kịch bản Nga đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến, nhưng nếu thiếu giải pháp chính trị phù hợp, Moscow vẫn có thể đối mặt với nguy cơ phải can dự lâu dài ở Ukraine để giữ lấy những gì họ đạt được và điều này có thể dẫn tới kịch bản họ bị "sa lầy".
Ông Phạm Quang Vinh nhận định, giải pháp chính trị được cho có thể trở thành lối thoát cho xung đột Nga - Ukraine là Kiev trở nên trung lập, như không tham gia NATO, sửa hiến pháp bỏ mục tiêu tham gia NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, đặt khí tài. Bản thân Ukraine thời gian qua cũng nhiều lần thừa nhận rằng họ khó có thể được sớm kết nạp vào NATO.
Tuy nhiên, các yêu cầu về lãnh thổ của Nga tới Ukraine, như việc công nhận Moscow sáp nhập Crimea, công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở Donbass, dường như sẽ khó có thể được chính quyền Kiev đồng ý. Điều này có thể tạo ra thế bế tắc cho việc đàm phán, gây khó khăn cho việc tháo nút thắt cho một giải pháp chính trị để kết thúc chiến sự.
Bài học cho nước nhỏ, vừa trong "bàn cờ" của các cường quốc
Theo quan điểm của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, việc nổ ra chiến sự giữa Nga và Ukraine được xem là diễn biến khá bất ngờ vì trước đó, Nga có một thời gian dài theo đuổi chính sách gây áp lực lên Ukraine để Kiev thay đổi con đường nghiêng sang phương Tây.
Theo ông Cường, diễn biến bất ngờ này có thể tạo ra những tiền lệ bất lợi cho các nước nhỏ liên quan tới vấn đề luật pháp quốc tế trong tương lai. Động thái của Nga được xem "tạo bước ngoặt lớn nhất tại châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh". Cơ cấu an ninh châu Âu cho tới nay là hiệp ước Helsinki ký năm 1975, khi hầu hết các nước ký vào thỏa thuận bảo đảm an ninh cho châu Âu. Trong hàng thập niên vừa qua, châu Âu đã vận hành hiệp ước này để tạo ra một khu vực ổn định, hòa bình, an ninh nhưng giờ đây tiếng súng đã trở lại châu Âu. Lục địa này lại đối diện với việc một cuộc chiến có nguy cơ lan ra toàn châu lục, kéo theo hàng loạt vấn đề về kinh tế và khủng hoảng nhập cư. Ông Cường nhận định rằng, những vấn đề này có thể sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho châu Âu trong thời gian tới.
Những gì đã diễn ra trong một tháng qua cho thấy đây có thể là cuộc đối đầu tổng lực nhất ở châu Âu trong nhiều năm về cả quân sự, kinh tế, tài chính, thông tin. Nga hiện bị áp hơn 5.000 biện pháp trừng phạt, trở thành quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Theo ông Cường, Moscow cũng đang đối mặt với phong trào cô lập Nga trong hàng loạt lĩnh vực như văn hóa, thể thao...
Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, xét về góc độ địa chính trị, cuộc chiến Nga - Ukraine đang tạo ra cơ sở để Mỹ "tập hợp lại lực lượng" các đồng minh. Trước đó, phương Tây dường như đã có những chia rẽ nhất định dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chính sách "Nước Mỹ là trên hết". Giờ đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cùng với các đồng minh phương Tây có những phản ứng tổng lực nhanh chóng và mạnh chưa từng có với Nga.
Các nước lớn là bên đứng sau để dựng lên trật tự toàn cầu. "Vũ khí" mạnh và có hiệu quả bảo vệ lớn nhất của các nước nhỏ và nước tầm trung chính là luật pháp quốc tế. Các nước nhỏ cần kiên trì theo đuổi luật pháp quốc tế.
Nguyên Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Cường
Mặc dù vậy, theo ông Cường, Nga dù có thể bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng họ vẫn sở hữu 3 "vũ khí" để tiếp tục duy trì vị thế trên thế giới là: Quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kho vũ khí hạt nhân lớn hàng đầu thế giới và nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, các nước lớn là bên đứng sau dựng lên trật tự toàn cầu. "Vũ khí" mạnh và có hiệu quả bảo vệ lớn nhất của các nước nhỏ và nước tầm trung chính là luật pháp quốc tế. Các nước nhỏ và tầm trung cần kiên trì theo đuổi luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, các nước nhỏ và nước tầm trung cũng cần phải tập hợp lực lượng để nhận lấy sự ủng hộ từ quốc tế cho các vấn đề trong tương lai. Uy tín của một quốc gia ngày càng gia tăng là phụ thuộc vào việc họ kiên quyết theo đuổi, tuân thủ và bảo vệ luật pháp quốc tế, theo ông Cường.
Mặt khác, cựu đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định, các nước nhỏ và tầm trung cần theo đuổi việc đa dạng hóa quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh không để chỉ phụ thuộc vào bất cứ một bên nào. Thêm vào đó, ông Nguyễn Quốc Cường nhận định, các nước nhỏ và tầm trung cũng cần gia tăng sự tự chủ với các sản phẩm, công nghệ, không thể dựa hoàn toàn vào nước ngoài.
Một điều mà ông Cường đặc biệt lưu ý là vấn đề an ninh mạng. Ông cho hay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện tại, an ninh mạng ngày càng nổi lên là một chủ đề cần được quan tâm. Các nước cần chuẩn bị kỹ năng phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công, và khả năng răn đe cũng như đáp trả khi cần thiết.
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, khi nhắc tới cường quyền, các nước nhỏ và tầm trung sẽ coi đây là yếu tố nguy hiểm, nhưng xét trên quy mô rộng hơn là địa chính trị nước lớn, thì nó mang lại không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho các nước nhỏ và tầm trung có không gian để "đan xen lợi ích, hợp tác để nâng vị thế của quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu".
"Các nước nhỏ hiểu rằng có tồn tại cái gọi là cường quyền và địa chính trị nước lớn, nhưng họ không thể không hợp tác với các nước lớn", ông Phạm Quang Vinh nhận định.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, lập trường của Việt Nam với tình hình căng thẳng Nga và Ukraine là rất rõ ràng. Trong bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ông Cường nhận định rằng, các hành động của Việt Nam trong thời gian qua ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên quan tới vấn đề Nga - Ukraine là hợp lý, thể hiện rõ sự cân nhắc kỹ lưỡng tới lợi ích quốc gia, cũng như quan hệ bạn bè với cả 2 quốc gia Nga và Ukraine. Nó cũng gửi đi một thông điệp rằng, Việt Nam là quốc gia có quan điểm độc lập và chính sách ngoại giao xuất phát từ lợi ích của đất nước.
Ông Phạm Quang Vinh cũng nhắc lại phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang về việc Việt Nam ủng hộ các nỗ lực nhân đạo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các nước trong khu vực, các đối tác quốc tế và sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đối với Ukraine trong điều kiện và khả năng cho phép.
"Chúng ta có quan hệ tốt với Ukraine và Nga, chúng ta luôn muốn duy trì quan hệ tốt với 2 nước. Khi hai người bạn có mâu thuẫn lẫn nhau, Việt Nam mong muốn những căng thẳng được tháo gỡ và ủng hộ cho 2 bên đối thoại để giải quyết vấn đề", ông Vinh nhận định.
Nguồn: dantri.com.vn