1. Các giai đoạn cơ bản đến nay
Từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đến nay, xung đột Nga-Ukraine trải qua một số giai đoạn cơ bản sau đây:
Giai đoạn 1 từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2022. Trong giai đoạn này, Nga phát động và triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine vào cuối tháng 2/2022, trong đó ưu tiên của Nga là vô hiệu hóa lực lượng vũ trang chủ lực của Ukraine, chấm dứt chiến sự ở miền đông Ukraine nơi mà lực lượng ly khai thân Nga chống lại chính quyền Ukraine trong nhiều năm qua. Nga chiếm ưu thế nhất định trên thực địa. Cục diện chiến trường diễn tiến ở thế giằng co với tính chất, mức độ giao tranh ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt hơn. Cả hai phía đều tổn thất nặng nề về người và của, nhất là phía Ukraine.
Giai đoạn 2 từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022. Trong giai đoạn này, Nga vừa tấn công vừa củng cố kiểm soát, và hơn thế chính thức sáp nhập một số vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine vào bản đồ nước Nga. So sánh với mục tiêu đã tuyên bố và ưu tiên của Nga trong giai đoạn 1 bên trên thì việc Nga chính thức sáp nhập 4 khu vực ly khai Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia (chiếm khoảng 15% tổng diện tích của Ukraine) vào ngày 30/9/2022 đã làm thay đổi tính chất của chiến dịch quân sự đặc biệt, tạo bước ngoặt mới đẩy cuộc chiến Nga-Ukraine lên một tầng cấp khốc liệt hơn.
Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ các cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập trên. Các đòn trừng phạt của liên minh Mỹ-Âu (ở đây chỉ liên minh Mỹ-EU-NATO) trở nên ráo riết, ngặt nghèo, khắc nghiệt hơn trên mọi phương diện sau động thái sáp nhập nói trên của Nga, trước hết là trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thương mại, quân sự, công nghệ lưỡng dụng, vận tải, lệnh hạn chế đi lại, tác nghiệp, lệnh truy nã đối với quan chức, công dân Nga. Đồng thời liên minh Mỹ-Âu liên tiếp viện trợ tài chính và cung cấp ồ ạt vũ khí, quân dụng quân trang đủ loại cho Ukraine để Ukraine đẩy mạnh nỗ lực phản công trên chiến trường.
Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 12/10/2023 (giờ Mỹ) đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu về việc Nga sáp nhập 4 khu vực ly khai từ Ukraine. 143 nước thành viên trong tổng số 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tỷ lệ là 3/4) đã ủng hộ một nghị quyết nhằm tái khẳng định chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới được quốc tế công nhận.
Giai đoạn 3 từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2023. Nga ra sức phá thế bủa vây của liên minh Mỹ-Âu, và thể hiện thái độ, tư thế sẵn sàng trù bị cho tình huống bất đắc dĩ phải triển khai vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, liên minh Mỹ-Âu tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine, đồng thời củng cố, mở rộng liên minh, tăng cường sức ép toàn diện với Nga.
Về kinh tế và chiến lược chung, từ đầu năm 2023 Nga tăng mạnh tỷ lệ thay thế đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế bằng các đồng tiền khác. Nga ra sức phá thế bủa vây của liên minh Mỹ-Âu bằng nỗ lực tạo dựng và thúc đẩy một mạng lưới các mối quan hệ song phương, đa phương mới (nhất là các quan hệ kinh tế) trên toàn cầu, trong đó các đối tác và địa bàn chủ yếu là Trung Quốc, khu vực Trung Á, Tây Á, Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Nga tiếp tục tận dụng nguồn cung dầu mỏ như một vũ khí chiến lược trong đảm bảo nguồn thu tài chính và ảnh hưởng quốc tế.
Về quân sự, Nga rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (Hiệp ước New START) vào cuối tháng 2/2023, đồng thời đẩy mạnh cải tiến, phát triển và triển khai toàn diện vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng, vũ khí truyền thống và thông minh phục vụ trực tiếp cho chiến sự tại Ukraine. Hơn nữa, Nga thể hiện tư thế răn đe hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân, mặt khác bày tỏ thực sự không hề mong muốn bùng nổ cuộc chiến tranh hạt nhân. Nga cho rằng việc NATO mở rộng kết nạp thành viên và tăng cường tham chiến làm gia tăng nguy cơ xung đột lan rộng.
Về kinh tế và chiến lược chung, liên minh Mỹ-Âu bổ sung và tăng cường áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt và kết nối hình thành một nhóm hàng chục quốc gia chiếm hơn 50% GDP toàn cầu nhằm cô lập tối đa Nga khỏi nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của liên minh Mỹ-Âu không đạt như kỳ vọng. Kinh tế Nga có bị suy giảm, nhưng vẫn trụ vững trước liên tiếp các đòn trừng phạt nặng nề chưa từng có tiền lệ của Mỹ và phương Tây. EU cho thấy dần dần lực bất tòng tâm và cạn kiệt ý tưởng trong triển khai các lệnh trừng phạt mới. Thêm vào đó, giữa Mỹ và EU, giữa các thành viên EU không phải lúc nào cũng nhất trí trong việc áp dụng trừng phạt nhằm vào Nga.
Về quân sự, NATO đã kết nạp Phần Lan, đang thúc đẩy Thụy Điển trước và sau đó là Ukraine gia nhập. Phần Lan được kết nạp làm thành viên thứ 31 của NATO (4/4/2023) góp phần tăng cường lực lượng quân sự hùng hậu và giúp NATO tăng gấp đôi chiều dài đường biên giới trên bộ với Nga. Việc kết nạp Phần Lan và đẩy mạnh việc Thụy Điển gia nhập NATO cũng giúp khối quân sự này có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vùng biển Baltic.
Từ tháng 6/2023 đến nay, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 4. Ukraine bắt đầu chuyển sang phản công Nga trên quy mô lớn. Nga đối phó chiến dịch phản công của Ukraine bằng hệ thống phòng thủ trên toàn tuyến mặt trận dài 1.000km với ba lớp gồm boongke, hệ thống “răng rồng” (các bức tường được tạo lập bởi các khối bê tông hình kim tự tháp), mạng lưới hào và các bãi mìn được bố trí theo thuật toán. Đồng thời, Nga áp dụng chiến thuật “dẫn dụ và phản công”, tức là các nhóm quân của Nga chủ động rút lui để dẫn dụ quân Ukraine tiến vào khu vực định sẵn và sau đó tập kích phản công bằng không quân và pháo binh. Do hứng chịu tổn thất nặng nề, Ukraine buộc phải chuyển sang phân tán lực lượng thành các nhóm nhỏ binh sĩ để đánh chiếm các mục tiêu nhỏ theo hướng tác chiến đã định. Phương án phân tán này tuy giúp hạn chế thiệt hại về quân số và khí tài, nhưng cũng khiến tốc độ tiến quân của Ukraine bị chậm chạp hơn. Trên cơ sở phòng thủ hiệu quả, Nga có những động thái phản công bước đầu.
Cùng với hiệu quả phản công không lớn thì thời điểm hiện tại cũng không thuận lợi cho Ukraine. Thời tiết mùa thu nhiều mưa và mùa đông băng tuyết tới đây làm chậm thêm bước tiến quân của Ukraine. Đến mùa xuân năm sau, Mỹ nhiều khả năng sẽ dành mức độ quan tâm cao hơn cho cuộc bầu cử tổng thống trong nước. Trong khi đó, Nga chỉ cần duy trì phòng thủ hiệu quả như hiện tại là đủ giữ vững trận địa và chuyển sang phản công.
Về tổng thể, chiến dịch phản công của Ukraine không tạo được đột phá và Ukraine đã phải hứng chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện và chỉ giành lại được một phần nhỏ lãnh thổ (khoảng hơn 200 km2). Nga phòng thủ hiệu quả và hiện nay đã có những động thái phản công bước đầu.
Trong khi đó, liên minh Mỹ-Âu và Nga tiếp diễn cuộc giao đấu trên bình diện toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Các nước trong liên minh Mỹ-Âu một mặt nỗ lực duy trì viện trợ cho Ukraine, nhất là Mỹ và Đức; mặt khác Mỹ và EU tiếp tục áp dụng phong tỏa, cấm vận cao hơn về kinh tế đối với Nga. EU áp dụng vòng trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Khác với 10 vòng cơ bản trước, vòng trừng phạt thứ 11 được xem là gói nâng cao nhằm siết chặt, ngăn chặn các nước thứ ba cũng như các doanh nghiệp lách được các biện pháp trừng phạt hiện hành của EU, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các gói trừng phạt trước đó. Hiện tại EU đang thảo luận vòng trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga.
Nga tiếp tục phản đòn về kinh tế bằng các biện pháp chủ lực như: thay thế đô la Mỹ trong giao dịch kinh tế-tài chính; sử dụng sức ảnh hưởng quốc tế của vũ khí dầu mỏ; và tận dụng, phát triển các quan hệ, các giao dịch kinh tế, quân sự trên toàn cầu nhằm giảm thiểu, vô hiệu hóa các đòn trừng phạt kinh tế và từng bước phá thế bao vây, cấm vận toàn cầu của liên minh Mỹ-Âu.
2. Dự báo các kịch bản
Dự báo kịch bản 1 sau đây là kịch bản chủ đạo hiện nay. Theo kịch bản này, trong thời gian tới đây, các nội dung trong giai đoạn 3 và giai đoạn 4 như nêu trên tiếp tục tái diễn, bị đẩy lên cao hơn, làm cho sâu sắc hơn. Tuy vậy các bên liên quan ý thức rõ về nguy cơ thảm họa chiến tranh hạt nhân, thảm họa chiến tranh thế giới lần thứ III và tìm cách kiểm soát cuộc xung đột trong giới hạn. Một mặt, các bên tiếp tục tìm cách giành giật ưu thế quân sự trên chiến trường và o ép đối thủ trên tất cả các bình diện, lĩnh vực khác. Liên minh Mỹ-Âu tiếp tục lợi dụng và kéo dài xung đột Nga–Ukraine để làm suy yếu vĩnh viễn sức mạnh cường quốc của Nga. Trong khi đó, Ukraine tìm cách khai thác liên tục và triệt để viện trợ của liên minh Mỹ-Âu để phản công Nga. Mặt khác, để tránh bùng nổ thảm họa chiến tranh vũ khí hạt nhân và thảm họa chiến tranh thế giới thứ 3, liên minh Mỹ-Âu và Nga cũng tìm cách nhượng bộ lẫn nhau ở đỉnh của cao trào căng thẳng này, và cố gắng tìm kiếm các kênh hòa hoãn, thương lượng, đàm phán hòa bình và các giải pháp phi quân sự.
Tuy nhận định kịch bản 1 nêu trên là chủ đạo, nhưng mặt khác ở đây cũng không loại trừ hoàn toàn kịch bản 2 là khả năng xảy ra tình huống xấu nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine vượt ra khỏi tầm kiểm soát lý tính của các bên liên quan và thực sự bùng nổ thành một cuộc chiến tranh thế giới. Bởi lẽ đến nay cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phát triển đến một giai đoạn cao, phức tạp, cực kỳ nguy hiểm với sự tham gia, chi phối, dẫn dắt, can dự trực tiếp hoặc gián tiếp của rất nhiều chủ thể với nhiều toan tính, lợi ích khác nhau, nên trong bối cảnh này không thể chắc chắn hoàn toàn rằng xung đột sẽ không bị mất kiểm soát.
3. Một số suy nghĩ về ngoại giao phòng ngừa của Việt Nam liên quan đến xung đột Nga-Ukraine
Một là, trong khi Việt Nam tránh bày tỏ nhận định về việc ai đúng ai sai, không cáo buộc nguyên nhân nổ ra xung đột, Việt Nam tiếp tục kiên trì bày tỏ về các hệ lụy của cuộc xung đột đối với hòa bình, an ninh và phát triển khu vực và quốc tế, đối với công dân Việt Nam sinh sống tại các địa bàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xung đột; tiếp tục kêu gọi các bên liên quan thông qua con đường hòa bình, các giải pháp phi quân sự để từng bước tháo ngòi, kiên trì hóa giải xung đột quân sự, bảo đảm quyền lợi chiến lược của các bên liên quan. Việt Nam luôn cần duy trì tốt “thế cân bằng động” trong quan hệ giữa một bên là liên minh Mỹ-Âu và bên kia là liên minh Nga-Trung Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc-Mỹ.
Việt Nam cũng cần có sự chủ động, dự liệu, trù bị, trước hết là tích lũy tiềm lực, dự trữ chiến lược về kinh tế, quốc phòng để phòng ngừa cho tình huống xấu nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine vượt ra khỏi tầm kiểm soát lý tính của các bên liên quan, và lan rộng, bùng nổ thành thảm họa một cuộc chiến tranh hạt nhân, và thảm họa một cuộc chiến tranh thế giới.
Hai là, Việt Nam có thể tích cực thông qua các kênh đa phương, song phương có thể để kêu gọi, thúc đẩy các bên giảm leo thang xung đột, tìm kiếm giải pháp hòa bình, trong đó có kênh ASEAN. ASEAN tuy cũng đang khó khăn và cũng đang có những vấn đề an ninh tại chính khu vực Đông Nam Á, nhưng trên một số khía cạnh khác kênh ASEAN có thể là một kênh nổi trội hơn các kênh đa phương khác bởi một số lý do sau đây. Một là, ASEAN duy trì được tổng thể khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định lâu dài và đang đóng vai trò kết nối, điều phối quan trọng đối với nhiều thể chế an ninh và hợp tác trong cấu trúc chiến lược rộng lớn hơn là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai là, thành công của ASEAN không dựa vào sức mạnh quân sự mà chủ yếu dựa vào cách tiếp cận ngoại giao phòng ngừa. Đây là một hiện thực có giá trị thuyết phục nhất định đối với các nỗ lực quốc tế hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ba là, ASEAN lâu nay tạo dựng được mạng lưới quan hệ và các tương tác sâu rộng trong hợp tác an ninh với các đối tác quốc tế là bên liên quan trực tiếp và gián tiếp trong xung đột Nga–Ukraine. Bốn là, Việt Nam là một thành viên ASEAN quan trọng, phát huy vai trò thúc đẩy rất có uy tín và trọng lượng trong tiến trình xây dựng và phát triển ASEAN nói chung và trong lĩnh vực an ninh khu vực và quốc tế nói riêng.
ASEAN có thể thúc đẩy các bên liên quan trong xung đột Nga-Ukraine dành nhiều nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình theo một số cấp độ sau. Ở cấp độ thấp, ASEAN có thể chủ động ra các văn kiện phản đối leo thang xung đột, kêu gọi các bên tìm kiếm các con đường phi quân sự. Ở cấp độ không cao không thấp, ASEAN có thể liên tục và kiên trì thông qua các khuôn khổ đa phương và song phương hiện hành với các bên liên quan trong cuộc xung đột Nga-Ukraine để thuyết phục ít nhiều về cách tiếp cận ngoại giao phòng ngừa. Ở cấp độ cao, ASEAN có thể trực tiếp đóng vai trò trung gian hòa giải, trực tiếp hỗ trợ đàm phán thương lượng giữa các bên liên quan trong xung đột Nga-Ukraine./.
TS Phan Duy Quang