Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn về chính trị và kinh tế, trong đó sự cạnh tranh giữa các nước lớn trở thành một đặc điểm quan trọng chi phối cục diện thế giới, khiến các quốc gia khác bị lôi vào vòng ảnh hưởng, nhất là đối với những vùng, những quốc gia có vị trí địa-chính trị chiến lược, quan trọng. Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO, xích lại gần phương Tây đã khiến quan hệ giữa Ukraine với Nga xấu đi nghiêm trọng và khiến nước này trở thành địa bàn thể hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa Nga với phương Tây và Mỹ.
Đối với Việt Nam, chúng ta luôn đề cao và chú trọng việc xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, không để bị rơi vào tình trạng như Ukraine hiện nay. Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại hết sức khó khăn, cần sự linh hoạt, mềm dẻo, không chỉ cần sự nhạy bén trong tình hình mới mà còn cần phải biết đúc rút những kinh nghiệm từ các trường hợp của các quốc gia khác cũng như kinh nghiệm của lịch sử ngoại giao Việt Nam.
1. Cần khẳng định rằng lợi ích quốc gia-dân tộc là tối thượng, mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh dân tộc mình và không thể trông chờ vào sự bảo vệ, giúp đỡ của quốc gia, tổ chức quốc tế nào khác.
Có thể thấy rằng, từ sau khủng hoảng năm 2014 đến nay, Ukraine đã bị trượt dài trong tình trạng nền kinh tế kém phát triển và chính trị bất ổn khi luôn tồn tại mâu thuẫn giằng xé trong lòng Ukraine giữa một bên là lực lượng thân Nga (cộng đồng dân cư ở phía Đông và phía Nam Ukraine), với một bên là lực lượng thân phương Tây (hầu hết ở các tỉnh phía Tây Ukraine). Kinh tế đình trệ, đời sống nhân dân khó khăn đã làm gia tăng sự chia rẽ, bất ổn trong nước. Đây cũng là cơ hội hết sức thuận lợi cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, đẩy Ukraine vào bất ổn chính trị, giằng xé Đông - Tây. Tuy nhiên, khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra thì Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã bày tỏ sự thất vọng khi phương Tây không đáp ứng nguyện vọng của quốc gia này. NATO đã tuyên bố không phải là bên tham chiến và sẽ không gửi quân đến Ukraine. Ukraine đã phải trả một cái giá quá đắt để nhận ra sai lầm khi đặt niềm tin vào Mỹ và các nước phương Tây, giờ đây lãnh đạo và người dân Ukraine phải tự đứng lên bảo vệ tổ quốc của họ.
Nhận thức được rằng một khi quốc gia yếu kém thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và dễ bị lôi kéo, thao túng, lệ thuộc, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã luôn đề cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm giữ vững sự ổn định về chính trị, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; đồng thời, chú trọng giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội. Hơn 35 năm Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước với định hướng đúng đắn, bản lĩnh, ý chí kiên cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ cùng quyết tâm chính trị cao vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, từ một nước nghèo, lạc hậu vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu; quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Trong thời gian tới, Đảng tiếp tục khẳng định định hướng và tầm nhìn là: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[1].
Trong Sách trắng quốc phòng năm 2019, Việt Nam chủ trương “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Đây là kim chỉ nam trong hành động của Việt Nam, không “dựa dẫm” hay “ngả” về phía nước nào.
2. Trên mặt trận đối ngoại, các nước vừa và nhỏ, các nước có vị trí địa - chiến lược quan trọng cần phải có sự linh hoạt, khéo léo trong xử lý quan hệ với các nước lớn, không để trở thành “con bài” trong cạnh tranh giữa các nước lớn.
Ukraine đã không thể dung hòa được lợi ích giữa Tây Âu, Mỹ và Nga
Vị trí địa - chiến lược của Ukraine là cửa ngõ, lá chắn cuối cùng để Nga không bị NATO đe dọa, nhưng Ukraine lại bày tỏ mong muốn nghiêng về phương Tây tại thời điểm mà căng thẳng Nga với Mỹ và phương Tây không có dấu hiệu hạ nhiệt và nước Nga đã dần phục hồi kinh tế từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Nga cho rằng đây là “lằn ranh đỏ” mà phương Tây không được vượt qua. Ukraine đã không thể dung hòa được lợi ích giữa Tây Âu và Nga nên đã khiến cho Nga cảm thấy bị đe dọa và dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai quốc gia.
Với vị trí địa lý là cầu nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, với hơn 3.000 km bờ biển, án ngữ biển Đông giàu có về tài nguyên dầu khí, hải sản và có tuyến đường hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng mà không quốc gia nào sở hữu được khiến các cường quốc không thể bỏ qua yếu tố Việt Nam trong sự tính toán chiến lược tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Việt Nam có đường bờ biển kéo dài là một lợi thế để mỗi phần lãnh thổ tiếp giáp với biển đều có thể trở thành cửa ngõ để kết nối nội địa châu Á với Thái Bình Dương. Các cảng biển của Việt Nam, đặc biệt là các cảng biển lớn, các cảng nước sâu có tiềm năng và đang dần đáp ứng được những nhu cầu về vận tải, logistics ngày càng phát triển của khu vực và thế giới. Với xu thế phát triển kinh tế biển, tăng cường thương mại biển thì đây là một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam. Đây cũng là động lực để Việt Nam tận dụng vốn đầu tư, công nghệ và tri thức từ các nước phát triển khác để nâng cao tiềm lực kinh tế.
Hiện nay, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á là một trong những vấn đề khiến các nước vừa và nhỏ như Việt Nam phải lưu ý, tránh không bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh này. Là láng giềng của Trung Quốc, với vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á nên Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ xung đột Trung - Mỹ. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ đang ngày càng chủ động hiện diện nhiều hơn tại khu vực và sử dụng thế mạnh về quân sự - quốc phòng để hợp tác với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia ở phía Nam với chính sách ngoại giao láng giềng, đẩy mạnh hợp tác với Lào, Campuchia và Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược phía Nam của Trung Quốc.
Có thể nói, Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung như hiện nay, Việt Nam và Mỹ đang có quan hệ ngày càng tốt đẹp, đi vào chiều sâu, trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ lâu đời, gắn bó về kinh tế và chính trị. Vì vậy, chính sách đối ngoại “cân bằng động” với các nước lớn, linh hoạt, mềm dẻo cần phải được Việt Nam triển khai trên cơ sở có sự đầu tư nghiên cứu bài bản, có chiều sâu về các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc; qua đó, phải hiểu được, dự báo được và có được các phản ứng kịp thời, chính xác trước các diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới.
Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước khác và tăng cường tiếng nói của mình trên các diễn đàn khu vực, quốc tế đa phương, nhằm khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng. Đúng như chủ trương của Đại hội XIII đã nêu ra: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”[2]và “Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ”[3].
Liên Đoàn