Kỳ 2: Lập trường và phản ứng từ các bên liên quan và cộng đồng quốc tế
Từ phía Ukraine
Trước hành động quân sự của Nga, Chính quyền Kiev cho rằng Moscow đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ và phi lý chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Kiev cho rằng, việc gia nhập NATO của Ukraine không đe dọa đến an ninh của Nga và tố cáo hành động của Moscow là biểu hiện tham vọng của Kremlin nhằm khôi phục “đế quốc” Nga.
Trong khi Quốc hội Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Zelensky đã ban bố thiết quân luật trên toàn quốc và tuyên bố sẽ không hoảng sợ, không lùi bước và không nhượng bộ bất kỳ ai, bất cứ điều gì. Ông kêu gọi quân đội và người dân Ukraine đứng lên chiến đấu hết mình chống lại quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc. Trước sự tiến công của quân Nga hướng về Thủ đô, ông khẳng định sẽ quyết không rời Kiev mà ở lại để lãnh đạo cuộc kháng chiến của người Ukraine. Chính quyền Kiev đồng thời cũng kêu gọi Moscow ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng khẳng định sẽ không nhượng bộ những gì thuộc về chủ quyền của Ukraine.
Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi Mỹ, phương Tây và cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp cấm vận, trừng phạt và cô lập mạnh mẽ, toàn diện, triệt để đối với Nga, khiến Moscow phải trả giá đắt và buộc phải chấm dứt phiêu lưu quân sự. Chính quyền Kiev cũng kêu gọi Mỹ và NATO thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraine nhằm ngăn chặn máy bay và tên lửa Nga, tuyên bố thành lập quân đoàn quốc tế dành cho tất cả các tình nguyện viên nước ngoài muốn đến chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Ukraine. Ông Zelensky cũng mạnh mẽ thúc ép Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ tài chính và vũ khí, bao gồm các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không cho Ukraine.
Một vụ nổ ở thủ đô Kiev. Ảnh: Internet.
Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi NATO và EU nhanh chóng kết nạp Ukraine vào các tổ chức này theo cái ông mô tả là “thủ tục đặc biệt”. Vào ngày 28/2, Tổng thống, Thủ tướng và lãnh đạo Quốc hội Ukraine đã cùng ký vào văn bản chính thức đề nghị cho Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Kiev dường như đang có những điều chỉnh lập trường. Sau khi nhận ra rằng Mỹ và đồng minh phương Tây tránh đối đầu với Nga và không sẵn sàng chấp nhận Ukraine vào NATO, Tổng thống Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng với những lời hứa từ phương Tây và cay đắng thừa nhận rằng Ukraine bị bỏ rơi. Ông cho biết mình không còn tha thiết với việc đưa Ukraine tham gia NATO nữa và mặc dù tuyên bố không chấp nhận tuân theo các tối hậu thư từ Moscow nhưng ông khẳng định sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, bao gồm việc thỏa hiệp về quy chế hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở miền Đông.
Từ phía Nga
Điện Kremlin mô tả việc Nga đưa quân vào Ukraine không phải là tiến hành chiến tranh mà để thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm hai mục tiêu là: Bảo vệ công dân Nga và những người nói tiếng Nga đang sinh sống ở vùng Donbass theo các thỏa thuận đã được Moscow ký kết ngày 21/2 trước đó với hai nước cộng hòa tự xưng đã được Nga công nhận là Donetsk và Luhansk, thuộc miền đông Ukraine; đồng thời, nhằm bảo vệ an ninh của nước Nga, ngăn ngừa thảm họa chiến tranh giữa Nga với Mỹ và đồng minh phương Tây khi Chính quyền Kiev nỗ lực gia nhập liên minh quân sự NATO và đặc biệt là tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga thực hiện chiến dịch này chỉ nhằm “phi quân sự hoá”, “giải giáp” và “trung lập hoá” Ukraine. Nga tuyên bố không có mục tiêu chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, không tìm cách thay đổi hình thái nhà nước và lật đổ chính quyền hiện tại ở Kiev.
Moscow cũng khẳng định các cuộc tấn công của quân đội Nga sử dụng vũ khí chính xác cao chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Chính quyền Kiev và Nga đang thực hiện mọi biện pháp để tránh thương vong cho thường dân Ukraine. Trước sự tố cáo của Kiev về việc quân Nga tấn công phá hủy các mục tiêu dân sự, Moscow cáo buộc Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn sống bằng cách đặt nhiều hệ thống vũ khí, khí tài trong các khu dân cư, gần các khu vực trường học, bệnh viện và nhà trẻ.
Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Internet.
Mặc dù tuyên bố rằng quân đội Nga sẽ thực hiện chiến dịch tại Ukraine cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra, Moscow khẳng định vẫn coi trọng giải pháp ngoại giao và ưu tiên cho các cuộc đàm phán với Kiev để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nêu ra những điều kiện để chấm dứt chiến dịch quân sự là Kiev phải ngừng mọi hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để bảo đảm tính trung lập, từ bỏ ý định gia nhập NATO, thừa nhận Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập của hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk ở miền Đông.
Điện Kremlin cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào chiến dịch của Moscow tại Ukraine sẽ “đối mặt với hậu quả chưa từng có trong lịch sử”. Moscow tuyên bố rằng sẽ coi bất cứ quốc gia nào áp lệnh vùng cấm bay tại Ukraine cũng như cho các máy bay quân sự Ukraine sử dụng các căn cứ không quân của mình là tham gia vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Moscow.
Trong khi đó, Nga cũng triển khai một số biện pháp đáng chú ý nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Ngày 5/3, Moscow phê duyệt danh sách 48 quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài có hành động không thân thiện chống lại Nga cũng như các doanh nghiệp và công dân của nước này, trong đó gồm Mỹ, 27 quốc gia EU và các đồng minh, đối tác của Mỹ tham gia cấm vận, trừng phạt Nga. Các hãng hàng không lớn của Nga cũng đã dừng hầu hết chặng bay quốc tế. Đặc biệt, Nga có thể cân nhắc quốc hữu hoá các nhà máy, công ty nước ngoài mà ngừng hoạt động ở nước này sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Từ cộng đồng quốc tế
Mỹ và phương Tây đã đồng loạt lên án mạnh mẽ đối với Nga, khẳng định hành động quân sự của Moscow là sự vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chà đạp lên độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, thể hiện mưu đồ khôi phục lại Liên bang Xô viết.
Mỹ và các đồng minh đã nhanh chóng phản ứng với Nga bằng hai nhóm biện pháp chủ yếu là cô lập ngoại giao, cấm vận, trừng phạt kinh tế và giới tinh hoa chính trị Nga, đồng thời tăng cường cung cấp trợ giúp cho Chính quyền Kiev.
Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Ukraine. Ảnh: Internet.
Hàng loạt các lệnh cấm vận, trừng phạt và cô lập toàn diện, hà khắc chưa từng có cả về phạm vi và tốc độ, trên nhiều lĩnh vực đã được Mỹ cùng hơn 30 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế áp đặt nhắm vào giới tài phiệt, quan chức chính phủ, bao gồm Tổng thống Nga V.Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, các thành viên quốc hội, cũng như các công ty, các tổ chức tài chính, ngân hàng Nga và toàn nền kinh tế Nga với quyết tâm gây thiệt hại nặng nề nhất, đẩy nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng, suy sụp. Trong đó, đáng chú ý là ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, dừng dự án Nord Stream 2 và mới đây nhất là lệnh cấm vận dầu mỏ mà Oasington và London tuyên bố áp đặt đối với Nga.
Cùng với đó, Mỹ và Phương Tây, kể cả những quốc gia trước đây vốn có truyền thống trung lập với các cuộc xung đột như Đức, Thụy sĩ, Thụy Điển, Phần Lan đều tuyên bố viện trợ tài chính, quân sự và hỗ trợ nhân đạo cho Chính quyền Kiev. Mỹ và NATO cũng tuyên bố tăng cường chuyển quân sang sườn phía đông của NATO.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO khẳng định chỉ có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Do đó, họ sẽ không áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine theo đề nghị của Kiev và trong mọi trường hợp sẽ không đưa quân đến Ukraine tham chiến chống Nga vì cho rằng, Ukraine không phải là thành viên của liên minh nên NATO không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine theo điều 5 của Hiến chương, đồng thời cảnh báo rằng việc này sẽ dẫn tới châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ 3.
Mặc dù thống nhất trong việc lên án và trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Moscow, Mỹ và các đồng minh Phương Tây cũng cho thấy những chia rẽ, lúng túng và do dự về các biện pháp đối phó với Moscow. Trong khi Mỹ và Anh hào hứng với việc cấm vận dầu mỏ Nga thì một số đồng minh phương Tây như Đức, Hà Lan lại tỏ ra không đồng tình với điều nay bởi châu Âu đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Oasington cũng muốn các đồng minh Đông Âu như Ba Lan trực tiếp giao các chiến đấu cơ cho Kiev thì Vacsava lại đề nghị gửi các chiến đấu cơ này sang Đức để Mỹ chuyển giao chúng cho Ukraine. Điều này cho thấy rằng cả Mỹ và đồng minh không ai muốn trực tiếp đối đầu với Moscow.
Trong khi đó, mặc dù hầu hết các quốc gia khác đều kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, một số quốc gia không tán thành các biện pháp cấm vận, trừng phạt đối với Nga.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành 6 cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine nhưng không thể thông qua được nghị quyết lên án Nga do Moscow sử dụng quyền phủ quyết. Và trong cuộc họp bất thường vào ngày 2/3, Đại hội đồng Liên hợp đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự và rút quân khỏi Ukraine, với 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống.Tuy nhiên,Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ có sức mạnh mang tính biểu tượng mà không có tính ràng buộc thực thi.
Còn nữa…
TS Ngô Chí Nguyện