Về cục diện và xu hướng chiến sự
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang tuần thứ 3 nhưng chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga tiếp tục tấn công trên các hướng, bao vây Kiev và các thành phố lớn ở miền Đông, đồng thời đã mở rộng các cuộc tấn công sang các mục tiêu ở phía Tây giáp Ba Lan. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine cũng gây thiệt hại không nhỏ cho quân đội Nga, đánh bại nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát thủ đô Kiev và bảo vệ thành công các thành phố chiến lược khác như Kharkov hay Mariupol.
Trước những khó khăn trên chiến trường do vấp phải quyết tâm chiến đấu cũng như sức kháng cự mạnh mẽ và hiệu quả của Ukraine, quân đội Nga dường như đã đổi chiến thuật từ tấn công ồ ạt để “đánh nhanh, thắng nhanh” sang vây hãm kết hợp pháo kích mục tiêu trong các thành phố lớn.
Một cuộc chiến thông tin, tuyên truyền giữa hai bên cũng ngày càng quyết liệt và có thể tác động quan trọng đến diễn biến cuộc chiến. Tuy nhiên cuộc chiến này phần nào cũng làm nhiễu loạn việc kiểm chứng thông tin và đánh giá tình hình chiến sự, đồng thời gây chia rẽ người dân của hai phía và cả dư luận quốc tế.
Vòng đàm phán ngày 7/3 giữa Nga và Ukraine kết thúc sau khi đạt được những bước tiến nhỏ trong việc mở hành lang nhân đạo, cung cấp viện trợ và sơ tán dân thường. Ảnh: Internet.
Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao, Moscow và Kiev đã trải qua 3 vòng đàm phán tại Belarus cùng với cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai bên tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/3, nhưng do quan điểm hai phía quá xa nhau nên không đạt bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào ngoài việc mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự.
Dù vậy, gần đây đã xuất hiện những tín hiệu mới, lạc quan từ hai phía. Trong các tuyên bố công khai, hai bên đã “nhẹ giọng” và thể hiện lập trường mang tính thực tế, xây dựng hơn về các cuộc đàm phán. Lãnh đạo hai bên đều đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại trực tiếp để hạ nhiệt căng thẳngvà chấm dứt xung đột, trong khi vòng đàm phán thứ 4 dự kiến được tổ chức vào ngày 14/3.
Về khả năng, toan tính và xu hướng chiến lược của Nga
Chiến sự kết thúc khi nào và bằng cách nào sẽ phụ thuộc vào quyết định của Nga. Moscow chắc chắn có sự tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều mặt trước khi tung ra chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Việc phải sử dụng vũ lực của Moscow cho thấy, trước đà Đông tiến của NATO đe dọa tới an ninh và không gian ảnh hưởng lịch sử của Nga, Moscow coi Ukraine là phòng tuyến cuối cùng không thể để mất. Do đó, Moscow tuyên bố chiến dịch quân sự phải đạt được mục tiêu “phi quân sự hóa”, “trung lập hóa” Ukraine, đồng thời đặt ra những điều kiện gần như là tối hậu thư cho Kiev để Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.
Thực tế cho thấy, Moscow cũng khó có thể bị khuất phục hay nhụt chí trước áp lực và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow tuyên bố Nga quá lớn để bị cô lập, đồng thời khẳng định đã quen với các lệnh trừng phạt và trước nay vẫn tồn tại, phát triển mà không phụ thuộc vào phương Tây. Hơn nữa, Moscow chắc hẳn đã phải lường trước và có sự chuẩn bị cho sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, với những thiệt hại đáng kể trên chiến trường cùng với đà tiến quân bị chặn lại cho thấy chiến dịch quân sự của Nga đang không diễn ra như mong muốn và Điện Kremlin dường như đã đánh giá chưa đúng mức sức mạnh phản kháng từ phía Ukraine. Cùng với đó, hiệp lực các lệnh trừng phạt dồn dập chưa từng có của phương Tây có thể khiến Nga ngấm đòn về nhiều mặt cũng là điều mà Moscow có thể chưa lường hết được.
Trong trường hợp chiến dịch phải kéo dài thì Nga sẽ đối mặt với những thách thức ngày càng lớn không chỉ bởi từ những khó khăn về hậu cần, những tổn thất về kinh tế và quân sự, từ sự kháng cự ngày càng mạnh mẽ của người Ukraine với sự hỗ trợ ngày càng lớn về vũ khí, tài chính và tình báo từ phương Tây, từ sự phản ứng từ dư luận quốc tế mà còn có thể xuất hiện những áp lực từ nội bộ Nga và từ các đồng minh của Moscow. Mặt khác, nếu chiến dịch quân sự của Moscow có giành thắng lợi, quân đội Nga chiếm được Kiev và lật đổ chính quyền Zelensky thì Moscow cũng khó có thể thiết lập được một bộ máy thân Nga ở Kiev và kiểm soát hiệu quả một đất nước Ukraine rộng lớn trong bối cảnh sự phản đối của người Ukraine mạnh mẽ như hiện tại.
Một xe bọc thép chở quân của Nga bốc cháy gần một thi thể chưa được xác định trong cuộc giao tranh ở thành phố Kharkiv, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: Internet.
Mặc dù với Moscow, đây là cuộc chiến mà họ không thể thua, rút lui đồng nghĩa với thất bại, nhưng trong bối cảnh hiện nay, quan niệm và mục tiêu về chiến thắng của Moscow có thể được điều chỉnh. Từ những khó khăn nêu trên, Điện Kremlin có thể bắt đầu tính đến những thay đổi chiến lược, đi vào đàm phán chấm dứt xung đột hoặc tuyên bố đã đạt được các mục tiêu đề ra và rút quân.
Tuy nhiên, chính sự kháng cự không khoan nhượng của Kiev cùng với quyết tâm của Mỹ và phương Tây cũng có thể đẩy Nga vào thế đường cùng, gây cảm giác cô lập và đau đớn cho Moscow thông qua viện trợ ồ ạt cho Ukraina cùng các đòn trừng phạt khốc liệt gia tăng nhằm vào Moscow thì có thể dẫn đến một tình huống khác, khi mà sức mạnh, lòng kiêu hãnh và tinh thần dân tộc khiến Điện Kremlin sẽ quyết liệt thực hiện tới cùng các mục tiêu của chiến dịch quân sự này cho dù cái giá phải trả cho cả hai bên là lớn như thế nào.
Về khả năng kháng cự và tính toán của Ukraine
Khả năng kết thúc chiến sự tất nhiên cũng phụ thuộc lớn vào phía Ukraine. Kiev có hai lựa chọn đều ít nhiều khắc nghiệt đó là: Đàm phán thành công trên cơ sở có nhượng bộ các điều kiện của Moscow; và không nhượng bộ, kháng cự tới cùng. Tình thế chiến sự hiện tại cho thấy quyết tâm của lãnh đạo, tinh thần quốc gia và sự đoàn kết của người Ukraine có khả năng cầm cự, chống trả hiệu quả và gây khó khăn lớn cho quân đội Nga đã tạo bất ngờ cho những dự đoán của giới quan sát trước đó.
Trong khi đó, Kiev đang được hỗ trợ từ phía sau bởi phương Tây và viện trợ không ngừng chảy tới Ukraine. Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, Nga rất có thể bị sa lầy và Ukraine có thể giành được những lợi thế quan trọng. Do vậy, không loại trừ khả năng Ukraine sẽ quyết tâm kháng cự tới cùng mà không nhượng bộ hay chấp nhận các điều kiện có tính chất “đầu hàng” từ phía Nga. Nhưng với sức mạnh vượt trội và quyết tâm của Moscow, cục diện chiến sự có thể xoay chuyển bất ngờ, khó dự đoán.
Tuy nhiên, chính Ukraine là bên mong muốn kết thúc cuộc chiến nhanh nhất có thể vì bên chịu tổn thất nặng nề nhất chính là họ. Cho dù ai là người chiến thắng cuối cùng nhưng nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài thì rốt cuộc thất bại lớn nhất thuộc về người Ukraine với một đất nước chìm trong cảnh hoang tàn, đổ nát, chia ly, tang tóc và đau thương, quốc gia có thể rơi vào chia rẽ, bất ổn và nội chiến dai dẳng. Suy cho cùng, dù bất cứ nguyên nhân gì, người Ukraine đang trở thành nạn nhân của sự lôi kéo, tranh giành chiến lược giữa các cường quốc.
Qua các tuyên bố gần đây cho thấy Kiev đã tỏ ý sẵn sàng thảo luận về các điều kiện của Nga, bao gồm “các mô hình phi NATO” cho tương lai của nước này cũng như các giải pháp có thể chấp nhận được liên quan đến vùng Donbass và bán đảo Crimea. Mặc dù vậy, như Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu hôm 12/3 rằng, dù sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến tranh, nhưng Kiev “sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào và đầu hàng.” Lập trường này của Kiev là hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay.
Mức độ và hiệu quả của phản ứng từ Mỹ và phương Tây
Mỹ và phương Tây đã phối hợp phản ứng mạnh mẽ trước hành động của Nga, cho thấy sự đoàn kết và các công cụ sức mạnh trong tay của họ có thể tung ra những đòn trừng phạt sấm sét nhằm vào Nga. Nếu Nga tiếp tục cuộc chiến, Phương Tây có thể khiến nước này bị cô lập sâu sắc với thế giới, nền kinh tế Nga có thể bị cắt đứt khỏi các dòng chảy đầu tư, thương mại, tài chính và các tương tác kinh tế toàn cầu khác.
Bên cạnh đó, dù tuyên bố sẽ không tham chiến tại Ukraine, không nghi ngờ rằng Mỹ và NATO sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ Kiev từ phía sau, khiến Nga chịu những tổn thất không hề nhỏ và không dễ dàng đạt được mục tiêu tại Ukraine.
Binh sĩ NATO được triển khai tăng cường tại Estonia trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Internet.
Tuy vậy, khả năng và công cụ đáp trả Nga của phương Tây là có giới hạn. Mỹ và NATO đã tuyên bố rõ không muốn đối đầu quân sự trực diện với Nga do lo sợ nguy cơ gây ra thế chiến III. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng hiểu rõ những tổn thương của phương Tây, nhất là các đồng minh châu Âu khi cấm vận Nga là không hề nhẹ. Phương Tây do đó thiếu một sự thống nhất chung về quy mô, tốc độ và giới hạn của các biện pháp trừng phạt Moscow. Hơn nữa, thực tế cho thấy cả hai lá bài trừng phạt kinh tế và quân sự đều mang lại rủi ro mà chẳng thể lung lay được quyết tâm chính trị của cả những nước nhỏ yếu hơn Nga rất nhiều như Iran hay Cuba.
Mặt khác, nếu cứ phớt lờ các lợi ích an ninh của Moscow, quyết tâm đẩy Nga tới chân tường thì một nước Nga hùng mạnh về quân sự, suy yếu về kinh tế và ngày càng trở nên thù địch với phương Tây có thể không hẳn là “một giải thưởng” cao nhất cho Mỹ và Phương Tây mà là một thách thức đối với an ninh châu Âu và thậm chí cả thế giới.
Do đó, bên cạnh gây áp lực toàn diện với Nga, Mỹ và phương Tây gần đây cũng đưa ra nhiều chỉ dấu đối thoại như tuyên bố ủng hộ rộng rãi giải pháp ngoại giao, tạm thời không kết nạp Ukraine vào NATO và EU, thúc đẩy các đồng minh như Israel, Thổ Nhĩ Kỹ, Pháp giữ kết nối với Nga và tham gia trung gian hòa giải. Mỹ cũng để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp giữa Biden-Putin. Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell hôm 12/3 thậm chí thừa nhận rằng phương Tây đã mắc một loạt sai lầm khi hứa hẹn để Ukraine gia nhập NATO và do đó làm“mất khả năng đưa Nga đến gần phương Tây hơn”.
Nhìn từ cục diện cuộc chiến, lập trường và khả năng của các bên hiện nay cho thấy, có nhiều khả năng cuộc chiến có một kết cục thiên về ngoại giao hơn. Tuy nhiên, bất cứ một giải pháp nào cho cuộc xung đột này sẽphải là một giải pháp chấp nhận được của tất cả các bên, không phải là một sự đầu hàng vô điều kiện của Kiev, cũng không phải là một cảm giác thất bại, đau đớn của Moscow hay cảm giác chiến thắng của Mỹ và phương Tây. Muốn có một nền an ninh bền vững ở châu Âu thì độc lập và nguyện vọng của người Ukraine cần được tôn trọng, các quan tâm và lợi ích an ninh của Nga cần được tính đến và nền an ninh châu Âu cũng như mối quan hệ Nga - NATO, Nga - châu Âu cần được nhận thức và định vị lại theo hướng tôn trọng nhau chứ không phải đào sâu tư tưởng thù địch.
Kỳ 4: Hệ lụy đối với cục diện an ninh và trật tự châu Âu.
TS Ngô Chí Nguyện