Bản chất cuộc xung đột và tác động của nó tới an ninh và trật tự châu Âu
Một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi rằng Ukraine là bên gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong cuộc xung đột này. Vận mệnh của đất nước và người dân Ukraine đã phải trả một cái giá quá đắt trong khi mộng ra nhập NATO của Kiev cũng tan thành mây khói. Vậy trong số những bên liên quan còn lại ai là người có lợi khi an ninh châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay.
Về bản chất, cuộc xung đột này phản ánh mâu thuẫn và cạnh tranh giữa ba lực lượng chủ chốt ở châu Âu là Mỹ, EU và Nga. Nhưng liệu Nga có muốn động binh để rồi phải hao người, tốn của, nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các đòn trừng phạt tập thể của Mỹ và phương Tây, bị cô lập và mất uy tín quốc tế không? Châu Âu được gì khi nhìn khói lửa đạn bom dội xuống bên nhà mình, rồi phải đối đầu với một láng giềng là siêu cường hạt nhân và chứng kiến một tương lai châu Âu đầy bất trắc cả về an ninh và kinh tế?
Xem ra Mỹ sẽ là “ngư ông đắc lợi” nhất trong cuộc khủng hoảng này. Cả lý thuyết và thực tiễn lịch sử chính trị quốc tế đều khẳng định rằng, để duy trì ngôi bá chủ thế giới, Mỹ không muốn có một châu Âu lớn mạnh, đoàn kết, độc lập tự cường với Mỹ, cũng không muốn một nước Nga hùng cường trở lại, càng không muốn cả Nga và châu Âu đều mạnh mà lại gần gũi nhau. Một nước Nga yếu, một châu Âu không mạnh và sự chia rẽ, hoài nghi giữa Nga với châu Âu là điều Mỹ muốn.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Internet.
Lịch sử thế giới và châu Âu thời kỳ chiến tranh Lạnh đã cho thấy, đối mặt với một siêu cường Xô viết, Washington đã thúc đẩy cuộc chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn và làm suy yếu Liên Xô, đồng thời sử dụng con “ngáo ộp” Liên Xô để cột chặt các nước tư bản Tây Âu vào Mỹ cả về kinh tế và quân sự thông qua Kế hoạch Marshall và liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo, chia rẽ châu Âu thành hai chiến tuyến luôn trong tình trạng thù nghịch và đối đầu căng thẳng.
Sau chiến tranh Lạnh, siêu cường Liên Xô sụp đổ, nước Nga rơi vào bất ổn và suy yếu, nhưng châu Âu ngày càng tự cường và mạnh mẽ, nhất thể hóa và hội nhập sâu rộng trong ngôi nhà chung EU, trở thành một cực quyền lực trong trật tự thế giới đang hình thành. Nước Nga cũng dần ổn định và phục hưng khi Putin lên cầm quyền, quan hệ Nga-EU nồng ấm trở lại. Những diễn biến này có nguy cơ khiến Mỹ giảm vai trò ảnh hưởng và vị thế lãnh đạo ở châu Âu. Do đó, sau khoảnh khắc phần nào mất phương hướng vì mất đi kẻ thù số một, các chiến lược gia Mỹ mau chóng bừng tỉnh. Mỹ không những duy trì NATO mà còn thúc đẩy NATO Đông tiến để lấp đầy các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga, dần định vị Nga như là mối đe dọa mới đối với châu Âu và NATO, qua đó chia tách Nga với châu Âu và thống nhất châu Âu trở lại dưới ô lãnh đạo của Mỹ.
Chính trong tình cảnh bàng hoàng hiện nay, dường như các quan chức châu Âu cũng đã phần nào nuối tiếc và cay đắng nhận ra điều này khi Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell hôm 12/3 đã thừa nhận rằng phương Tây đã mắc một loạt sai lầm khi hứa hẹn để Ukraine gia nhập NATO và do đó làm“mất khả năng đưa Nga đến gần phương Tây hơn”. Đó cũng có thể là lý do vì sao Chính phủ Đức của bà Markel không mặn mà với chính sách chống Nga quyết liệt và nhất quyết duy trì “dòng chảy phương Bắc 2” với Nga trước sự can ngăn và cảnh báo liên tục của Mỹ.
Trở lại với một trong những nguồn cơn của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay đó là việc Ukraine theo đuổi ra nhập NATO. Trước hết cần xem tính khả thi của việc Ukraine được vào NATO là tới đâu? Mỹ có muốn kết nạp Ukraine vào NATO không? Thực tế cho thấy, tư tưởng chống Nga đã ăn sâu vào tư duy chiến lược của phần lớn giới tinh hoa Mỹ sau hơn bốn thập kỷ chiến tranh Lạnh. Washington vì thế muốn dùng các thế lực chống Moscow để làm suy yếu Nga, không để Nga gần gũi châu Âu và duy trì trật tự của phương Tây do Mỹ dẫn dắt. Mặc dù Mỹ đã nói về khả năng để Ukraine và Gruzia vào Liên minh từ Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest năm 2008, nhưng Mỹ luôn mập mờ về thời điểm Kiev tham gia NATO.
NATO khẳng định không tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc thiết lập một vùng cấm bay. Ảnh: Internet.
Động thái này là 1 mũi tên có nhiều đích: thăm dò phản ứng của Nga và nếu thuận lợi thì Mỹ có thể để Kiev ra nhập NATO. Nhưng Mỹ biết rằng với Moscow, Ukraine là chốt chặn cuối cùng không thể mất. Do vậy, đó cũng có thể là một cách Mỹ chia rẽ Moscow với Kiev và cũng là mồi nhử các lực lượng có xu hướng thân phương Tây ở Kiev và khích lệ các quốc gia khác trong không gian Xô viết quay lưng lại với Nga để hướng về phương Tây, đồng thời làm hao tổn tâm lực của Nga vào mối lo ngại này. Vậy là Washington mặc dù liên tục “xúi nguyên giục bị”, nhưng rốt cục biết Ukraine khó có thể gia nhập NATO.
Hành động quân sự của Nga tại Ukraine là một món quà lớn để Washington hiện thực hóa được nhiều mục tiêu: 1) Làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế của Nga trên trường quốc tế; 2) Đoàn kết NATO, thúc đẩy châu Âu, bao gồm những nước còn trung lập cũng như các nước còn lại trong không gian Xô viết cảnh giác và “đoạn tuyệt” hẳn với Nga để dựa vào Mỹ; 3) Củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu, khiến châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng; 4) Thuyết phục các đồng minh NATO tăng cường chi tiêu quốc phòng để giảm bớt gánh nặng cho Mỹ.
Cấu trúc an ninh châu Âu biến đổi sâu sắc
Từ những phân tích phía trên cho thấy, an ninh châu Âu sẽ có những biến đổi sâu sắc, được thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
Một là, an ninh châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Cấu trúc an ninh hiện hành không còn phù hợp, không đủ sức ngăn ngừa xung đột, chiến tranh. Châu Âu rơi vào thế lưỡng nan về an ninh trong việc xử lý quan hệ với Nga. Phương Tây không thể tạo dựng được một cấu trúc an ninh bền vững ở châu Âu nếu đối đầu và ruồng bỏ Nga, nhưng họ lại trở nên lo sợ Moscow hơn và muốn Nga suy yếu.
Hai là, quan hệ Nga - phương Tây rơi xuống vực thẳm, lòng tin đổ vỡ, sự phân tuyến và hố ngăn cáchtrong lòng châu Âu trở nên sâu rộng và khó lành. Châu Âu có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới khiến nền an ninh châu Âu sẽ trở nên mong manh và bất trắc hơn.
Ba là, đối đầu Đông - Tây tăng nhiệt, các quốc gia vốn trung lập có thể tìm cách tham gia NATO. Do lo ngại Nga, NATO sẽ tăng cường bố trí lực lượng tiền phương tại các quốc gia thành viên phía Đông, bao gồm Ba Lan, Romania và ba nước Bantic.
Bốn là, bóng ma chạy đua vũ trang hiện hữu trở lại ở châu Âu. Cuộc chiến này tái định hình căn bản chính sách quốc phòng của NATO theo hướng coi Nga là đe dọa hàng đầu. Nó cũng có thể làm thay đổi bước ngoặt tư duy của nhiều nước châu Âu về quốc phòng, an ninh khi các thành viên châu Âu của NATO giờ đây không thể hoàn toàn yên tâm với chiếc ô bảo hộ an ninh của Mỹ, và do đó sẽ sớm đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng phòng lên 2% GDP vào năm 2024 theo cam kết của NATO. Đức đã “nổ phát súng” đầu tiên khi cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và lập quỹ đặc biệt cho quốc phòng lên tới 100 tỷ USD.
Năm là, Nga có xu hướng trở nên cứng rắn hơn với phương Tây, đồng thời sẽ phải tìm cách tự cường và hướng tìm những mối hợp tác khác, nhất là với Trung Quốc, Trung Đông và châu Á để đối phó và giảm sức ép trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Ngày 4/3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc NATO đã tổ chức cuộc họp bất thường tại Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Ảnh: Internet.
Trật tự ở châu Âu sẽ biến đổi ra sao
Cuộc chiến này sẽ phá vỡ cục diện ở châu Âu. Địa chính trị châu Âu có thể bị chia rẽ và phân tách thành hai nửa, hai chiến tuyến rõ rệt với một bên là Nga và bên kia là Mỹ và phần còn lại của châu Âu. Sự kiện này cũng giúp Nga mở rộng vùng kiểm soát ở Ukraine, củng cố vùng ảnh hưởng sống còn tại Ukraine và Belarus, đồng thời gửi răn đe những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây có ý định gia nhập NATO.
Trước hành động của Nga, trước mắt châu Âu có thể sẽ đoàn kết trở lại hơn với Mỹ sau những hoang mang và chia rẽ dưới nhiệm kỳ của Trump. Tuy nhiên, về lâu dài có thể xuất hiện chia rẽ trong EU và NATO giữa khối các nước Tây Âu muốn một chính sách thận trọng và cân bằng hơn với Nga với khối Đông Âu như Ba Lan và các nước Bantic muốn theo đuổi chính sách chống Moscow một cách cứng rắn hơn.
Hơn nữa, sau biến cố này, sức mạnh và vị thế của EU có thể trở nên mờ nhạt. Trong khi trở nên ít tự cường hơn khi phải dựa dẫm hơn vào Washington cả về quân sự và kinh tế, châu Âu cũng thiệt hại không nhỏ từ các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Nga và phải chi tiêu mạnh tay hơn cho quốc phòng.
Như vậy, chính trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine hiện nay thì những toan tính lợi ích và tham vọng chính trị cường quốc đã được định hình rõ nét và điều này khiến cuộc xung đột trở nên phức tạp và khó đoán định. Cuộc chiến đào sâu ngăn cách giữa châu Âu và Nga này là điều có lẽ cả Moscow và Brussel không mong muốn, trong khi Washington củng cố vững chắc hơn vị thế thượng phong tại châu Âu. Ngoài nhân tố Mỹ thì cả Nga và châu Âu đều góp phần tạo nên hệ quả này cho dù ai cũng sẽ có muôn vàn lý do để giải thích và biện minh cho chính nghĩa và lẽ phải thuộc về mình.
Người Nga thì cho rằng châu Âu không nhìn nhận đúng mức lợi ích của Nga, không xem Nga như một thành viên thực sự bình đẳng của “gia đình châu Âu”, và luôn lo ngại, đề phòng Nga bởi vì Nga quá lớn. Cứ mỗi khi xuất hiện nguy cơ tiềm năng đe dọa nền an ninh châu Âu, họ lại trông đợi vào Nga, nhưng sau khi khó khăn được giải quyết nhờ sự tham gia của nước Nga, châu Âu lại thổi bùng lên chiến dịch bài xích Nga[1].
Tuy nhiên, châu Âu cũng chẳng lợi ích gì nhiều khi cường điệu hóa mối đe dọa từ Nga để rồi luôn trong trạng thái hoài nghi và thù nghịch dai dẳng với Nga. Một một mối quan hệ hòa bình và hợp tác với Nga là lợi ích hơn đối với EU. Vì thế, Moscow cũng cần nhìn nhận xem có phải châu Âu xa lánh Nga một phần xuất phát từ chính hành động của Nga không và do đó, Nga cần phải giải tỏa và trấn an quan ngại của họ về ý đồ lâu dài của mình đối với châu Âu.
Còn nữa...
TS Ngô Chí Nguyện