Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng đến vấn đề di cư, tị nạn và nhân đạo; cùng với đó là những hậu quả hết sức nặng nề về cơ sở hạ tầng bị phá hủy và số người bị thương vong ngày một gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nay lại thêm khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng. Điều này đã khiến nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc phải có những hoạt động khẩn cấp, nhằm tìm kiếm giải pháp không chỉ cho hòa bình và an ninh của Nga-Ukraine mà còn cho cả châu Âu và thế giới.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã làm dấy lên dư luận quốc tế về những quan ngại sâu sắc, có những chính kiến, quan điểm và viện dẫn cho những nguyên nhân khác nhau. Công luận quốc tế đang bị phân cực mạnh mẽ, có bên đứng về phía Nga, có bên đứng về phía Ukraine, có những quan điểm trung lập và tìm kiếm giải pháp hòa bình bằng con đường ngoại giao. Quan hệ quốc tế đương đại dựa trên luật lệ, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc đang bị đe dọa, bị xói mòn. Hệ thống quan hệ quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức; mối quan tâm về tính bền vững, khả thi, vốn được đảm bảo cho các quốc gia về hòa bình-an ninh, cũng như quyền lợi với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc.
Với vị trí và vai trò của Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc, đồng thời Việt Nam cũng là nước có quan hệ truyền thống với cả Nga và Ukraine, trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam đã thể hiện rõ lập trường của mình phù hợp với luật pháp quốc tế (về nguyên tắc hoạt động tại Điều 2, Chương I của Hiến chương Liên hợp quốc); phù hợp với lợi ích chân chính của Việt Nam, vì quyền và lợi ích chính đáng của các dân tộc trên thế giới, vì một nền ngoại giao dân chủ, bình đẳng, công lý và hòa bình.
Quan điểm của Việt Nam được cụ thể hóa trên cơ sở lý luận và thực tiễn bằng đường lối, chính sách đối ngoại của mình là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Mục tiêu của đối ngoại được xác định là: “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động tích cực góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới: tham gia các vị trí sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu được cử tới Phái bộ Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi, Bệnh viện dã chiến cấp 2 làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, bảo vệ quyền con người cũng như các lĩnh vực hợp tác phát triển khác.
Những điểm sáng đó, là minh chứng cho một Việt Nam không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của mình mà còn là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các dân tộc trên thế giới bằng những đóng góp thiết thực, hiệu quả.
Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vào ngày 30/1/1950, khi đó Nga và Ukraine đều thuộc Liên bang Xô viết. Chiến tranh Lạnh kết thúc, năm 1991 Liên xô tan rã, Việt Nam vẫn tiếp tục thiết lập và duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Liên bang Nga và Ukraine với tư cách là hai quốc gia độc lập tách ra từ Liên xô.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu trước Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine. Ảnh: Internet.
Kế thừa di sản quý báu của quan hệ Việt Nam - Liên Xô và xây dựng quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong tình hình mới, ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nga năm 2001, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga năm 2012. Đó là tiền đề cho hai nướcphối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN..., trên các diễn đàn đa phương, hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực,
Với Ukraine, Việt Nam đã thiết lập quan hệ chính thức vào ngày 23/1/1992 và hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2011, đưa quan hệ Việt Nam-Ukraine lên tầm cao mới. Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, quốc tế để khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của mỗi bên. Trên các diễn đàn khu vực và đa phương, Việt Nam và Ukraine luôn có sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Về quan điểm của Việt Nam đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 01/3, trong phiên họp đặc biệt tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế, trong đó nêu rõ: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.
Đại sứ nêu rõ, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”.
Đồng thời, Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lạiđối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung. Việt Nam mong muốn các bên liên quan sẽ tiếp tục trao đổi và sớm đạt kết quả đàm phán; bảo vệ an toàn, an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”, “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov và với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitro Kuleba ngày 16/3. Trong các cuộc điện đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó các tranh chấp, bất đồng quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Bộ trưởng nhấn mạnh là bạn bè truyền thống gần gũi với cả Nga và Ukraine, Việt Nam chân thành mong muốn các bên kiềm chế, giảm căng thẳng và tiếp tục nỗ lực đối thoại nhằm tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích chính đáng của các bên; cho biết Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp cho quá trình này.
Thế giới văn minh ngày nay, xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là dòng chảy chính của nhân loại, với khát vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng như người dân hai nước Nga và Ukraine; hy vọng Chính phủ hai nước sẽ sớm tìm ra tiếng nói chung, giải quyết xung đột bằng đàm phán, thương lượng để hòa bình được lập lại, chính trị thế giới được ổn định, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc được tôn trọng.
TS Nguyễn Văn Dương