Sau khi Nga phát động chiến dịch “quân sự đặc biệt” ở Ucraina (ngày 24/2/2022), Mỹ và phương Tây đã thực hiện hàng loạt các biện pháp trừng phạt và cấm vận đối với hàng hóa Nga, nhất là mặt hàng dầu mỏ và khí đốt. Sau khi xung đột nổ ra, Mỹ đã tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây còn đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện 7 gói trừng phạt đối với Nga, trong đó gói trừng phạt thứ 6 được coi là cứng rắn nhất từ trước đến nay của EU đối với Nga, đó là cấm vận dầu Nga và không cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng cho các tàu chở dầu Nga. Tiếp đó, bốn nước G7 tuyên bố cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Ngoài ra, Mỹ và phương Tây còn thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt khác nhằm vào các chính trị gia và các doanh nghiệp lớn của Nga.
Xung đột Nga - Ucraina nổ ra từ ngày 24/2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Internet.
Mục đích của các biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đó là cô lập Nga, làm cho Nga suy yếu về kinh tế dẫn đến những khó khăn trong đời sống của người dân Nga nhằm kích động người dân chống lại chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, vị thế của Nga dần được khôi phục và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế và có ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành cấu trúc quan hệ quốc tế mới. Cùng với Trung Quốc, Nga được coi là đối thủ cạnh tranh nặng ký của Mỹ. Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, Mỹ đã xác định Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, ảnh hưởng, và lợi ích của Mỹ, đang nỗ lực làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ[1]. Lo ngại trước những thách thức từ Nga đối với trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây thống trị, Mỹ và phương Tây từ lâu đã tìm nhiều cách khác nhau để thực hiện chiến lược ngăn chặn Nga trong đó có việc mở rộng NATO và EU, lôi kéo các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết vào tầm ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.
Và khi xung đột Nga - Ucraina xảy ra, Mỹ và phương Tây đã có được cái cớ để thực hiện chiến lược ngăn chặn và cô lập Nga. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt và cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga chưa mang lại kết quả như mong muốn của Mỹ và phương Tây, thậm chí nó còn có tác dụng ngược lại. Thực tế cho thấy, xung đột cùng với những biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây đã khiến cho đời sống của người dân Nga trở lên rất khó khăn nhưng nó lại không làm giảm sự ủng hộ của người dân Nga với Tổng thống V. Putin mà ngược lại, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống V. Putin lại tăng cao. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 8/7/2022, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục duy trì ở mức cao với 80,73% so với 64,3% trong cuộc thăm dò gần nhất trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina xảy ra. Mới đây, kết quả khảo sát của VTsIOM công bố ngày 9/9 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giảm nhẹ, xuống còn 80,3%.
Xung đột ở Ucraina và một trật tự khác với tính toán của Mỹ và phương Tây
Bên cạnh đó, những biện pháp cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga đã khiến cho nhiều nước ở châu Âu chịu thiệt hại nặng nề. Có thể thấy Mỹ không bị thiệt hại nhiều từ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Theo số liệu của Financial Times, năm 2021 Mỹ là thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới, tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó nhập khẩu 8,5 triệu thùng. Tuy nhiên dầu từ Nga chỉ chiếm khoảng 8% lượng dầu nhập khẩu. Nhưng đối với châu Âu thì khác, nơi đây phụ thuộc khá lớn vào thị trường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Chính vì vậy những lệnh cấm vận này đã giáng một đòn khá mạnh vào nền kinh tế nhiều nước châu Âu. Cuối tháng 7 vừa qua, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đã công bố lạm phát tháng 7 đã lập kỷ lục mới với 8,9% và theo công bố mới nhất của cơ quan này vào ngày 31/8, chỉ số giá tiêu dùng của châu Âu trong tháng 8 đã tăng tới 9,1%.
Cùng với khủng hoảng năng lượng do chính sách cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga thì việc chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như các vấn đề nội tại khác vốn đã tồn tại từ trước đã khiến cho chính phủ ở một số nước châu Âu sụp đổ. Ngày 22/6/2022, Chính phủ Bulgaria của Thủ tướng Kiril Petkov đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội khiến nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến ở Ucraina và lạm phát đang gia tăng.
Tiếp đó, ngày 7/7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng tạm quyền tới khi đảng Bảo thủ bầu được nhà lãnh đạo mới vào cuối năm. Ông Boris Johson từ chức trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông từ chức trước đó để phản đối nhà lãnh đạo này. Theo chân Anh, ngày 26/7/2022, chính phủ Italy sụp đổ. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Draghi là sự tan rã của liên minh “đoàn kết” gồm đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S), đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia. Nghị sĩ ba đảng này đã từ chối ủng hộ ông Mario Draghi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về gói biện pháp nhằm giảm bớt khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Những cuộc khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia châu Âu dấy lên lo ngại về một khủng hoảng chính trị ở châu Âu theo hiệu ứng domino.
Những biện pháp cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga đã khiến cho nhiều nước ở châu Âu chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh minh hoạ.
Trong khi các chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga do xung đột Nga - Ucraina đã đẩy phương Tây vào khủng hoảng năng lượng, kinh tế và chính trị thì Trung Quốc - đối thủ số 1 của Mỹ hiện nay lại được hưởng lợi từ giá dầu rẻ của Nga, tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Vào đầu tháng 4/2022, Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã ký thỏa thuận an ninh. Hành động này khiến cho Mỹ và các đồng minh nhất là Australia bất an. Bên cạnh đó, chính sách bao vây, cô lập Nga của Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc và Ấn Độ và việc tăng cường hợp tác với hai cường quốc này được cho là sự đối trọng với Mỹ và phương Tây. Sai lầm của Mỹ đó là đã kích động Nga, điều này đã khiến Mỹ và đồng minh bị phân tán lực lượng (do phải hỗ trợ Ucraina và khủng hoảng kinh tế) và không thể tập trung chống Trung Quốc, để Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ và thay vì chia rẽ Nga - Trung Quốc thì Mỹ lại làm ngược lại là đẩy hai nước đến gần nhau hơn. Đồng thời chính sách của Mỹ và phương Tây với Nga cũng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc thị trường năng lượng thế giới. Nga thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt sang châu Á, trong khi phương Tây phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong đó có châu Phi.
Xung đột Nga - Ucraina cùng với chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng như việc lương thực của Ucraina không thể xuất cảng do bị phong tỏa đã khiến cho chuỗi cung ứng lương thực của thế giới bị gián đoạn, khiến cho giá lương thực ở nhiều nơi tăng cao và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực. Cả Nga và Ucraina cộng lại chiếm tới gần 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn thế giới. Ucraina cũng là nhà cung cấp chính mặt hàng ngô và là cường quốc số 1 thế giới về dầu hướng dương, sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) dự báo, có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể đối mặt với khủng hoảng lương thực hoặc mức độ đói tồi tệ hơn trong năm nay. Trong đó, các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển nhất là ở châu Phi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Như vậy, có thể thấy xung đột ở Ucraina đang tạo ra một trật tự thế giới mới mà có lẽ nó nằm ngoài kịch bản mà Mỹ và phương Tây tính toán.
Dona Đoàn