Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/1 gây bất ngờ khi tới thăm Kiev để bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Một ngày sau, ông sẽ tới Ba Lan kỷ niệm một năm chiến sự bùng phát.
Chuyến thăm Warsaw ngày 21/2 của ông Biden được coi là dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ của Washington với quốc gia từng là đồng minh khó chịu và từng liên tục đưa ra những cảnh báo gay gắt về kế hoạch của Nga trước khi chiến sự nổ ra.
"Ba Lan là quốc gia ở trận tiền trong thời kỳ chiến tranh. Mối quan hệ giữa Mỹ và Ba Lan là quan hệ thời chiến", Daniel Fried, đại sứ Mỹ ở Ba Lan giai đoạn 1997-2000, nói. "Trong thời gian dài, châu Âu mệt mỏi vì những cảnh báo của Ba Lan về Nga, nhưng hóa ra họ đã đúng".
Ba Lan là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất về áp trần giá dầu Nga, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn với nền kinh tế của Moskva và thúc giục phương Tây viện trợ vũ khí cho Kiev để đẩy lùi lực lượng Nga. Warsaw cũng trở thành trung tâm hậu cần cho dòng chảy vũ khí từ phương Tây tới Ukraine. Ba Lan đã tiếp nhận khoảng 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine, nhiều hơn 30% so với Đức.
Sau khi thuyết phục thành công Mỹ và các đồng minh châu Âu gửi xe tăng hiện đại cho Ukraine, Ba Lan đang thúc đẩy các đối tác chuyển giao vũ khí tiên tiến hơn: tiêm kích F-16, theo Andrzej Zybertowicz, cố vấn Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan.
Ba Lan là "người bảo vệ quan trọng cho sườn đông của NATO", Zybertowicz nói, thêm rằng vị trí tiền phương của Warsaw đòi hỏi họ phải hành động quyết liệt hơn các đồng minh châu Âu khác.
"Ba Lan đã quyết định thay đổi sau nhiều thập kỷ xuôi theo các đồng minh Liên minh châu Âu (EU), bởi giờ họ hiểu điều đó không chỉ nguy hiểm với thịnh vượng của Ba Lan mà còn với sự tồn tại của nước này", Zybertowicz nói.
Giới quan sát cho rằng chính sách của Ba Lan đối với Ukraine phản ánh lo ngại rằng cuộc chiến mà Nga phát động có thể lan sang Trung Âu. Ba Lan năm nay tăng chi tiêu quân sự lên 4% GDP, gần gấp đôi mức 2,5% vào năm ngoái. Warsaw cũng đã gửi quân tới đồn trú trên lãnh thổ các đồng minh phía đông như Romania và Latvia.
"Chúng ta cần khiến Nga chịu nhiều tổn thất hơn nếu gây chiến", Jacek Siewiera, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan, nói.
Trước xung đột Ukraine, một số lãnh đạo phương Tây coi Ba Lan cùng đảng Công lý và Luật pháp cầm quyền của Tổng thống Andrzej Duda là đối tác không đáng tin cậy. Nhưng xung đột Ukraine đã thay đổi quan điểm của phương Tây về Warsaw, cải thiện mối quan hệ Ba Lan - Mỹ và giúp nước này có tiếng nói quan trọng hơn trong xây dựng chính sách xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Biden từng chỉ trích Ba Lan, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Nhưng trước chuyến thăm ngày 21/2 của ông Biden, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby ca ngợi Warsaw là "đồng minh có tiếng nói mạnh mẽ và bên ủng hộ nhiệt thành của Ukraine".
Việc Ba Lan xích lại gần Mỹ một phần bắt nguồn từ nỗi thất vọng với các láng giềng châu Âu, những quốc gia mà Warsaw cho rằng không muốn làm mất lòng Moskva sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của nước này.
"Nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì cho Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin sẽ đi xa hơn. Đức có nhiều mối quan tâm khác, nên Mỹ và Đông Âu cần cùng nhau tìm giải pháp", tướng Waldemar Skrzypczak, cựu tư lệnh lục quân Ba Lan, nói.
Dù một số chính trị gia ở châu Âu và Mỹ cho rằng lập trường cứng rắn của Ba Lan có thể đẩy phương Tây vào cuộc đối đầu lớn hơn với Nga, các lãnh đạo ở Warsaw khẳng định họ sẽ tiếp tục con đường này.
"Chúng tôi đặt ra các lằn ranh đỏ dựa trên năng lực thực tế của lực lượng vũ trang", Siewiera, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan, nói. "Nhưng nếu Ba Lan có thể nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các đồng minh, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa".
Nguồn: vnexpress.net