Giáng đòn chí mạng vào nền móng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc
Chiến thắng Điện Biên phủ là sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là kết quả của một chiến dịch quân sự lớn, quan trọng bậc nhất trên thế giới trong thế kỷ XX, đánh dấu sự thất bại tồi tệ nhất của chủ nghĩa thực dân, để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử nhân loại. Đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đồng minh là Mỹ trong một chiến dịch quân sự lớn, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954) và rút quân ra khỏi Đông Dương.
Nhà ngoại giao Reda El Taify, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam giai đoạn 2010-2014 nhận định, chiến dịch Biện Biên Phủ một trong những trận đánh kéo dài và nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới, được xếp ngang với các chiến dịch và trận đánh nổi tiếng trong lịch sử như trận Waterloo, trận Trân châu Cảng, chiến dịch Normandy…[1]
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất - một trong những địa bàn chiến lược tập trung sức mạnh của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đồng thời là một trong những địa bàn trung tâm cọ sát giữa các cường quốc trong Chiến tranh lạnh lúc bấy giờ.
Trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, tác giả Jules Roy, ký giả kiêm sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp, nhận xét rằng: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô (Waterloo) cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang” [2].
Cố Giáo sư sử học Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô (Charles Fourniau), người dành phần lớn cuộc đời cho công cuộc nghiên cứu Việt Nam, cho rằng: “Trận Ðiện Biên Phủ chính là kiểu mẫu của những sự kiện trọng đại mở ra những thời kỳ lịch sử mới. Ở Pháp, sự thất bại của Pháp đã có nhiều tác động, góp phần vào sự thay đổi lớn về chính trị. Người ta có lý khi nói rằng nền Cộng hòa đệ tứ của Pháp đã bị giết chết bởi Ðiện Biên Phủ. Nó còn mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử và nền chính trị của Cộng hòa Pháp” [3].
Một Giáo sư sử học người Pháp khác là Pierre Journoud trong tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới” nhận định: Điện Biên Phủ vẫn là một thất bại đau đớn của Pháp, mở màn cho sự chấm dứt của thế giới mang tên “thực dân phương Tây”. Có thể nói, Điện Biên Phủ là mồ chôn thực dân Pháp ở Đông Dương. Điện Biên Phủ còn là khởi nguồn cho “hội chứng Đông Dương” - sang chấn tâm lý đối với những người lính và sĩ quan Pháp khi bị đánh bại, bị bắt làm tù binh và buộc phải rời khỏi Đông Dương [4].
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một thất bại nhục nhã với thực dân Pháp mà còn là thất bại đối với sự can thiệp Mỹ. Điều này được nhà sử học Béc-na Phôn (người Mỹ gốc Pháp) viết rằng Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ. Vì trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và gánh chịu phần lớn chiến phí thay cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh [5]. Sau đó, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng tỏ một chân lý rằng, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế lạc hậu, nhưng nếu có sự đoàn kết vững chắc, có sự lãnh đạo đúng đắn, có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn, hiện đại hơn rất nhiều lần. Do đó, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu mà quan trọng hơn đã khuyến khích các dân tộc thuộc địa ở Á - Phi - Mỹ Latinh vùng lên chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, có tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình quân sự, chính trị thế giới nhiều thập kỷ.
Hình ảnh kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Ảnh: Internet
Giáo sư sử học Pháp Ben-gia-min Xto-ra (Benjamin Stora) nhận xét về ảnh hưởng to lớn của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đối với tiến trình phi thực dân hóa ở châu Phi như sau: “Năm 1954 vẫn hiện lên như một thời điểm trọng đại, một bước ngoặt trong lịch sử đương đại không đầy mười năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và việc ngày 01/11 năm đó Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại thực dân Pháp đã mở đầu thời kỳ phi thực dân hóa” [6]. Từ năm 1954 đến năm 1964 đã có tới 17 trên 22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở châu Phi năm 1960 đã có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là “Năm châu Phi” [7].
Nhân dân các nước ở Mỹ Latinh coi tinh thần Điện Biên Phủ như là “ánh đèn pha chiếu rọi”. Sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc ở Mỹ La-tinh, với Cuba là đội tiên phong đã đi theo ánh sáng Điện Biên Phủ. Nhân dân Cuba luôn coi thắng lợi của Việt Nam đã là một hy vọng to lớn và tươi sáng cho họ, đã cổ vũ họ chiến đấu [8].
Hai mươi năm sau Điện Biên Phủ, ông Jean Pouget, tùy viên của tướng Henri Navarre đã cho rằng, sự sụp đổ của người Pháp tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ thực dân và bắt đầu kỷ nguyên của độc lập tự do, không cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nào ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ mà không đề cập đến chiến thắng của tướng Giáp, Điện Biên Phủ đã trở thành cột mốc của phong trào giải phóng dân tộc [9].
Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ đã luôn đồng hành với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên thế giới trong hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trong suốt nửa sau thế kỷ XX. Đến nay, sau 70 năm dấu ấn của chiến thắng Điện Biên phủ tiếp tục âm vang trong thế giới đương đại.
Tóm lại, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan ra, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn [10]. “Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” [11]. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới./.
[2] Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
[5], [8] Lê Quang Lạng, “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới”, https://tapchicongsan.org.vn, ngày 06/5/2009.
[6] Báo Nhân dân điện tử, “Ý nghĩa quốc tế và thời đại của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ”, https://nhandan.vn, ngày 4/5/2004.
[10], [11], Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 315, 271.
TS. Nguyễn Văn Chuyên