Ngoài thay đổi sản phẩm và đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là con đường ngắn nhất giúp các doanh nghiệp tăng khả năng kết nối, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng với doanh số bán hàng ngày càng tăng nhanh. Xuất khẩu trực tuyến đang giúp các doanh nghiệp (DN) và cá nhân Việt Nam mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường toàn cầu.

Lợi thế không thể bỏ qua

Thực tế thời gian vừa qua, sản phẩm của các DNNVV chủ yếu phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, chỉ một phần tham gia vào chuỗi cung ứng và xúc tiến xuất khẩu. Hạn chế này xuất phát từ nhiều khó khăn như bối cảnh cạnh tranh gay gắt; việc tiếp cận vốn không được thuận lợi như các DN lớn khác. Ngoài ra còn rất nhiều những yếu tố tác động từ bên ngoài như thuế đối ứng, chiến tranh thương mại và xung đột địa chính trị…

thuong mai dien tu xuyen bien gioi - duong ngan nhat cho dn mo rong thi truong hinh anh 1
Tiếp cận các sàn TMĐT đang hỗ trợ tích cực cho các DN tìm kiếm và mở rộng thị trường vững chắc cho ngành hàng dệt may Việt Nam

Với điều kiện đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, các DNNVV cần tận dụng những lợi thế của mình. Cụ thể như chuyển đổi nhanh, chú trọng ứng dụng công nghệ mới để có các sản phẩm được thiết kế mang phong cách riêng. Sản phẩm kết hợp giữa nguyên phụ liệu truyền thống với kỹ thuật thủ công, làm đa dạng hóa sản phẩm dệt may, đáp ứng xu hướng cá nhân hóa sản phẩm, cũng như yêu cầu đơn hàng nhỏ lẻ và thời gian giao hàng nhanh. Điều đặc biệt, DN cần tận dụng lợi thế từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để hỗ trợ tìm kiếm nguyên liệu, đơn hàng cũng như thị trường xuất khẩu.

“VITAS đã và đang tìm mọi cách thúc đẩy các DN trong hiệp hội tập trung vào sử dụng những ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là phương thức giao dịch tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới. Việc tiếp cận các sàn TMĐT đang hỗ trợ tích cực cho các DN tìm kiếm và mở rộng thị trường vững chắc cho ngành hàng dệt may Việt Nam”, ông Cẩm cho hay.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU, châu Mỹ thông qua TMĐT xuyên biên giới, ông Trần Lam Sơn - Nhà sáng lập Green Mekong cho biết, ngành chế biến gỗ của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, khi tỷ lệ nguyên liệu nội địa lên tới trên 80%. Hiện nay, các DN chế biến gỗ Việt Nam đã có nhiều thành công khi bán hàng theo phương thức B2B - đây chính là cơ sở là thuận lợi để các DN bước sang phương thức B2C.

“Các khách hàng trên thế giới đều ưa thích sản phẩm gỗ chế biến và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Thị trường gỗ thế giới rất khổng lồ nhưng các DN Việt Nam vẫn bị hạn chế khi tiếp cận. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, các DN không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc tận dụng các sàn TMĐT. Việc hợp tác với các sàn TMĐT xuyên biên giới là con đường ngắn nhất làm tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường. Nếu các DN giải quyết được bài toán logistics sẽ còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa”, ông Sơn chia sẻ.

"Tam giác thành công" cho DN mới bắt đầu

Là 1 trong những sàn TMĐT xuyên biên giới đồng hành cùng các DN Việt Nam trong 6 năm qua, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khu vực Miền Bắc có ấn tượng và đặt niềm tin lớn đối với các DN Việt Nam. Các doanh nhân xuất khẩu của Việt Nam đều là những người rất giỏi và đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thương mại và thông tin thị trường. 

Nhưng đối với những DN chưa có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến, ông Toàn cho biết, để khai phá xuất khẩu, các DN cần dựa trên 3 trụ cột lớn (tam giác thành công) đó chính là: Tìm hiểu thị trường mục tiêu; xác định sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

thuong mai dien tu xuyen bien gioi - duong ngan nhat cho dn mo rong thi truong hinh anh 2
Làm mới sản phẩm theo cách riêng sẽ phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới

Ở quá trình tìm hiểu thị trường mục tiêu, DN cần nghiên cứu về nhu cầu, xu hướng khách hàng để có khả năng bán được sản phẩm. Khi DN biết và hiểu được khách hàng ở đâu, cách để đưa sản phẩm đến tay khách hàng như thế nào chính là kiến thức quan trọng để có thể tối ưu quy trình xuất khẩu.

“Khi đã lựa chọn được thị trường nhưng DN không thay đổi sản phẩm sẽ tạo ra sự lãng phí. Muốn bán 1 sản phẩm ra thị trường quốc tế, DN hãy bắt đầu bằng những sản phẩm thị trường đó cần, hơn là những sản phẩm DN đang có. Mặc dù là sản phẩm của DN đang có thế mạnh, nhưng vẫn cần nghiên cứu thay đổi mẫu mã, bao bì và “thổi hồn” cho sản phẩm bằng những câu chuyện dẫn dắt mới dễ dàng bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu”, ông Toàn khuyến nghị.

Điều đặc biệt theo ông Toàn là việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cần được DN bắt đầu ngay khi đưa sản phẩm tiến ra thị trường thế giới, tạo ra được sự cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ toàn cầu. Đối với các DN khi đã có thương hiệu quốc tế, sẽ giúp chuyển tải được những tinh hoa, những câu chuyện của sản phẩm, của DN. Quan trọng hơn, quá trình này nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như tạo được tệp khách hàng trung thành, đó chính là tài sản lớn nhất của DN. Các DN xuất khẩu hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ để đưa sản phẩm đến khách hàng một cách đầy đủ nhất.

Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam ngày 23/7 đã công bố thiết lập quan hệ đối tác 3 năm, cùng triển khai Chương trình “Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu”, hướng tới mục tiêu chung trong việc tạo bệ phóng thành công cho các DN Việt Nam trên thị trường TMĐT toàn thế giới.

Kéo dài từ năm 2025 - 2027, Chương trình đặt ra 2 mục tiêu: Cung cấp chương trình đào tạo toàn diện và chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 DN Việt Nam, đồng thời hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện quốc tế thông qua TMĐT với Amazon.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN