Xuyên tạc - dễ nhận dạng
Hằng năm, vào dịp 30 tháng 4, một số diễn đàn, mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin về sự kiện 30/4/1975 với cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Đại đa số người Việt yêu nước và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình đều ca ngợi sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Họ ngưỡng mộ, khâm phục lòng gan dạ đến lạ thường của con người Việt Nam và không thể hình dung nổi sức mạnh của văn hóa cứu nước Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, từ 46 năm nay, nhân loại vẫn trăn trở về lời giải cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ ?
Song, lại có những thông tin trái chiều, thậm chí sai lệch, xuyên tạc, bóp méo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; phủ nhận ý nghĩa lịch sử của sự kiện 30/4/1975, từ đó lấn sang phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; đổ lỗi cho Hồ Chí Minh “du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam dẫn đến tình cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt 1954-1975”; ca ngợi Việt Nam cộng hòa - một chế độ thể hiện bản chất “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”,...
Nhiều luận điệu xuyên tạc, đòi xét lại lịch sử nhân ngày 30/4
Hầu hết người Việt Nam yêu nước và hiểu lịch sử dân tộc rất không đồng tình với những kẻ đưa ra luận điệu: “không nên gọi 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” bởi chúng cho rằng Việt Nam Dân chủ cộng hoà (miền Bắc) xâm lược Việt Nam cộng hòa (miền Nam). Có người còn gọi giai đoạn lịch sử Việt Nam 1954-1975 là giai đoạn “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt”.
Luận cứ từ lịch sử
Thứ nhất, xin bắt đầu từ câu chuyện chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam và nhiều nước phong kiến châu Á phải đối phó với làn sóng đế quốc phương Tây xâm lược nhằm 3 mục đích chủ yếu: khai thác tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, cho dù Nguyễn Ái Quốc có du nhập chủ nghĩa cộng sản về nước hay không thì Việt Nam vẫn khó tránh khỏi làn sóng ấy. Bằng chứng là Ấn Độ, Philippin, Inđônêxia, Miến Điện… có du nhập chủ nghĩa cộng sản đâu mà vẫn bị đế quốc xâm lược, thôn tính.
Việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam giai đoạn 1945-1954 lại gắn với chiêu bài chính trị của Mỹ về Đông Dương trong việc phân chia “chiến lợi phẩm” của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Vì muốn gạt Pháp ra khỏi Đông Dương nhưng đang vướng vào chiến tranh với Nhật ở Thái Bình Dương nên Mỹ nảy sinh ý tưởng thâu tóm Đông Dương theo chế độ “quản trị quốc tế” (International trusteeship) hoặc thông qua chính quyền Tưởng Giới Thạch. Do vậy, ngày 3/8/1942, Tổng thống Mỹ D.Rudơven chuyển đến Tưởng thông điệp: kết thúc chiến tranh, không để Đông Dương trở lại tay Pháp mà cần ủy thác cho hai hoặc ba nước khác. Đến Hội nghị Cairo (Ai Cập) tháng 11/1943, D.Rudơven hỏi: “Tưởng có thực sự cần Đông Dương hay không?”. Tưởng đáp lại theo kiểu nước đôi: “chúng ta không nên để Đông Dương lại rơi vào tay Pháp”.
Đến Hội nghị Pốtxđam tháng 7/1945, Mỹ vẫn chủ trương gạt Pháp ra khỏi Đông Dương. Thực dân Anh luôn ủng hộ Pháp phản đối ý đồ “quản trị quốc tế” của Mỹ nhưng lại đề nghị đưa Đông Dương vào chiến trường Đông Nam Á do Anh quản lý. Kết quả là các bên thỏa thuận: chia Đông Dương thành hai vùng chiến trường, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Theo đó, Nam vĩ tuyến 16 thuộc quyền quân đội Anh còn phía Bắc thuộc quyền quân đội Mỹ - Tưởng. Nhưng Mỹ lại đổi lấy lợi ích khác mà nhường cho quân Tưởng toàn quyền làm nhiệm vụ này. Còn Anh vì được Pháp nhượng cho lợi ích ở Xiri và một số hợp đồng khác nên công khai ủng hộ Pháp tái chiến Nam Bộ, công nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn và chuyển giao quyền cai trị phía Nam Đông Dương cho Pháp.
Như vậy, Mỹ có ý đồ xâm lược Việt Nam từ trước năm 1945 chứ không phải đến thời điểm năm 1954. Nhưng vì điều kiện lịch sử, “Mỹ phải giúp Pháp xâm lược”. Bởi vậy, sau thất bại trong Chiến dịch biên giới 1950, thực dân Pháp “bắt đền Mỹ” và Mỹ phải tăng cường giúp đỡ cho Pháp trụ lại chiến trường này.
Thực chất, Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh. Nhưng, càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa. Nên khi sử dụng các biện pháp ngoại giao, đối thoại hòa bình không đạt kết quả, buộc phải dùng bạo lực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đồng lòng trường kỳ kháng chiến và cuối cùng giành được thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh !
Thứ hai, bàn đến việc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tình cảnh chia cách Nam - Bắc mà cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải như là nhát dao xẻ đôi “cơ thể Việt Nam” thống nhất. Bến Bắc - chế độ cộng sản - nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Đảng Cộng sản - Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu thống nhất Tổ quốc; bến Nam - con đường tư bản do con bài chính trị Ngô Đình Diệm được đế quốc Mỹ hậu thuẫn, viện trợ lập nên chế độ Việt Nam cộng hòa từ ngày 26/10/1955 thực hiện âm mưu chia cắt Tổ quốc.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trong 21 năm như là “nhát dao xẻ đôi cơ thể Việt Nam”. Ảnh tư liệu
Cùng một dòng máu Lạc Hồng, trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, cả dân tộc hợp sức lần lượt đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, nhưng lại bị chia đôi xẻ nửa bởi âm mưu của chính dòng máu Việt có sự dung dưỡng, đỡ đầu của đế quốc Mỹ. Có nỗi đau buồn nào hơn! Hiện thực đó, đánh động lương tri bao người Việt Nam yêu nước chân chính và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình.
Chúng ta thừa hiểu, khách quan lịch sử không bao giờ có chuyện “miền Bắc kéo quân vào xâm lược miền Nam” như một số kẻ xuyên tạc. Mà xuyên tạc sao nổi một hiện thực “đồ sộ”: Việt Nam cộng hòa cố tình bám vào Mỹ, hút bầu sữa Mỹ, phối hợp cùng quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh chĩa súng đạn, lê máy chém giết chóc biết bao người Việt Nam yêu nước đang thực hiện nguyện vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc. Nếu không có mưu đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm chia cắt đất nước Việt Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, thì chắc chắn không có chuyện nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản phải chiến đấu trong bom đạn mất 21 năm (1954-1975).
Qua 21 năm ấy, những kẻ núp bóng đế quốc Mỹ dùng hết mọi chiêu trò nham hiểm, nhưng cuối cùng nhận thất bại trước tinh thần chính nghĩa của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc. Miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất từ ngày 30/4/1975 trong niềm vui mừng hân hoan của những người biết yêu quý giống nòi, biết trân trọng công lao của tổ tiên và biết bảo vệ tương lai của dân tộc. Đó là niềm vinh hạnh lớn cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam yêu nước; là niềm tự hào của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc, truyền thống “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; niềm vinh hạnh cho thế hệ sau noi theo.
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng. Ảnh tư liệu
Như một lẽ hiển nhiên, tất yếu: sự kiện 30/4/1975 đánh dấu sự tan rã, sụp đổ của Việt Nam cộng hòa; là nỗi đau thương, nhục nhã ê chề, bài học nhớ đời cho những ai ảo tưởng dựa vào sức mạnh tiền bạc, súng đạn, quân sự bên ngoài để chống lại ý chí độc lập dân tộc của Tổ quốc mình, chà đạp lên công lao, truyền thống, văn hóa của nòi giống tổ tiên mình.
Thứ ba, đất nước Việt Nam từ sau khi thống nhất năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tuy còn một số hạn chế cần khắc phục, nhưng nhìn tổng tổng thể thì “chưa bao giờ có được cơ đồ như hiện nay”. Đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tính mạng con người, nguồn gốc giống nòi được bảo vệ, đặc biệt thấy rõ qua các lần chống đại dịch Covid-19. Điều đó, không phải Việt Nam tự khen mà được thế giới thừa nhận, khen ngợi và học tập.
Vài lời kết
(i) Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước là thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình; bảo vệ một cơ thể Việt Nam thống nhất. Hiểu rộng ra, đó là giữ gìn và phát huy truyền thống, công lao của ông cha; nên hành động đó hoàn toàn xứng đáng được tôn thờ, trân trọng, tự hào. Còn lực lượng Mỹ và tay sai, những người đi theo con đường của Ngô Đình Diệm ra sức tuyên truyền, tập hợp lực lượng, dùng mọi thủ đoạn dựng lên và cố bảo vệ cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” - cắt ra từ một cơ thể Việt Nam thống nhất, chính là khơi nguồn đổ máu, đau thương cho dân tộc Việt Nam.
(ii) Đi theo đế quốc Mỹ xâm lược, dựa vào viện trợ của Mỹ để cản lại con đường độc lập, thống nhất Tổ quốc mà tổ tiên đã dày công gây dựng qua mấy ngàn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh, đồng nghĩa với tội phản quốc, đi ngược với lợi ích và truyền thống văn hóa của dân tộc.
(iii) Bài học rút ra là: đừng u mê đi theo âm mưu của thiểu số để cố níu kéo, ảo tưởng phục lại cái nghịch lý đã bị lịch sử bỏ qua. Một khi tầm mắt chưa thoát ra khỏi mấy đồng tiền chu cấp của đế quốc ngoại bang và lực lượng lưu vong phản động, xin đừng nói gì đến yêu nước. Khi đang ôm nỗi nhục về tội phản quốc, thì không đủ tư cách bàn đến chữ vinh, càng không đủ tư cách để nhắc đến sự kiện 30/4 trong dịp 30/4 !
Lê Mật