Chương trình OCOP là hạt nhân trong phát triển kinh tế nông thôn An Giang
Tỉnh triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với đặc trưng của từng địa phương, đồng thời bảo đảm tiêu chuẩn OCOP như: Tung lò mò (còn gọi là lạp xưởng bò), một món ăn đặc sản của người dân tộc Chăm - An Giang; Đường thốt nốt sệt Palmania ở vùng Bảy Núi, An Giang; Mắm chao cá mè vinh Ông Ba Lộc, xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo, mật ong,...
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, như: tham gia Đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh”, tham gia bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... Tổ chức thành công “Ngày Hội sản phẩm OCOP và Hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia (Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua Tiên Nữ thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn), 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, có 2 sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong số các sản phẩm được chứng nhận OCOP, có 63 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm; 21 sản phẩm đồ uống; 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí. Đồng thời, có 59 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm: 6 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp, 33 cơ sở sản xuất.
Gian hàng OCOP của huyện Thoại Sơn, An Giang
(Ảnh: ocop.angiang.gov.vn)
Chương trình OCOP đã thúc đẩy ngành nông nghiệp An Giang tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nguowì dân, đặc biệt là người dân tộc trên địa bàn Tỉnh; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương.
OCOP tiếp tục là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở An Giang
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang khẳng định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - Cấp Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; ít nhất 40% chủ thể OCOP do lãnh đạo nữ điều hành sản xuất, kinh doanh và ít nhất 20% chủ thể OCOP do người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…). Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Gian hàng OCOP của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang
(Ảnh: ocop.angiang.gov.vn)
Thời gian tới, Tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Tỉnh thử nghiệm mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố, điểm bán hàng, cà phê; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số (Làng thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hội chợ và triển lãm thực tế ảo OCOP); các Trung tâm, điểm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Nâng cao năng lực hệ thống logistic; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài.
Châu Hoa