1. "Đầu tàu" trong phong trào xây dựng nông thôn mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
An Giang là tỉnh đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 298.439,37 ha, đất lâm nghiệp có rừng là 11.590,17 ha[1], kinh tế nông nghiệp là chủ yếu.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, An Giang tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao. Những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu biểu như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng lên.
Đến nay, có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó có 1 huyện nông thôn mới (Thoại Sơn), 2 thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Châu Đốc và Long Xuyên). Có 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26%; tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 - 2015) và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của tỉnh.
Mô hình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" nhằm mục đích tạo dựng sản phẩm "xanh, sạch, an toàn".
(Ảnh: internet)
Hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng; mạng lưới trường lớp được đầu tư. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường; lao động được giải quyết việc làm ổn định hằng năm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tôn tạo và đưa vào khai thác.
Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khó khăn luôn được cải thiện. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tương đương 1.910 USD (tăng 16 triệu đồng so năm 2015); tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93% (giảm bình quân 1,5%/năm)[2].
Với kết quả trên, An Giang đã thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và cùng với Hậu Giang trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Vai trò quan trọng của người nông dân An Giang trong xây dựng nông thôn mới
Thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tại An Giang đến từ sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và nhân dân An Giang, mà chủ thể trực tiếp là những người nông dân.
Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tích cực vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng góp tiền và ngày công, chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chỉ riêng giai đoạn 2018-2020, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức gần 9.400 lượt tiếp xúc, bàn bạc với người dân để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với 5 triệu lượt nông dân tham dự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Nông dân đã vận động được trên 102 tỷ đồng và hơn 11.000 ngày công lao động. Tham gia đống góp vào xây mới, tu sửa cầu cống, bê – tông hóa và rải cát chống lầy 1.185km lộ giao thông nông thôn, nạo vét hơn 970km kênh mương; xây mới và sửa chữa 349 căn nhà cho hội viên, nông dân… Hỗ trợ Hội Nông dân các xã nông thôn mới thực hiện các mô hình về thu gom rác thải, lắp đặt ca-me-ra an ninh và đèn đường, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn.
Nông dân Tân Châu thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng Nông thôn mới.
(Ảnh: angiang.gov.vn)
Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh đã giải ngân nguồn vốn cho vay đối với các dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tính đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, toàn tỉnh có 82.386 nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp xã là 53.486 nông dân (đạt 64,94%); cấp huyện là 20.244 nông dân (đạt 24,58%); cấp tỉnh 8.638 nông dân (đạt10,5%); nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng/năm.
3. Hướng tới "nông thôn mới bền vững"
Mặc dù đạt thành tựu đáng tự hào, nhưng một số chỉ tiêu đạt tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững như: Bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo... Quy mô diện tích của xã quá lớn, địa bàn trải rộng, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, trong khi nguồn vốn của Trung ương chưa cao thì việc huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thông hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông thôn mới, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trược những khó khăn đó, trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, An Giang cần tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn...
Chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục chung sức, chung lòng với cả hệ thống chính trị An Giang, tăng cường công tác xã hội hóa về giáo dục, văn hóa, y tế, đặc biệt là vận động xã hội hóa tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình giao thông để phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025".
[1]Nguồn: Niên giám Thống kê năm 2018 - Cục Thống kê An Giang
[2]Nguồn: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 10/2020.
Châu Hoa