Tiềm năng, lợi thế lớn của An Giang trong phát triển du lịch
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng An Giang khác với những tỉnh, thành phố trong khu vực khi được thiên nhiên ban tặng nhiều núi non với những danh lam thắng cảnh kỳ vỹ, hấp dẫn du khách gần xa tìm đến như: Khu du lịch Núi Sam, Núi Cấm...
Ngoài ra, nơi đây có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất An Giang, Nam bộ xưa, gắn liền với các vị anh hùng, danh nhân, người có công lao to lớn đối với đất nước, quê hương An Giang, tiêu biểu như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xã Mỹ Hoà Hưng; Di tích lịch sử lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc), Di tích Nhà Mồ tại Thị Trấn Ba Chúc, di tích lịch sử Văn hoá Óc Eo (Thoại Sơn)…
Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp tại xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
(Ảnh: internet)
Là tỉnh đa dân tộc và đa tôn giáo, văn hoá An Giang mang nhiều đặc sắc với những Thánh đường của đồng bào Chăm, các ngôi chùa phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer, các lễ hội dân gian lớn như Lễ Đôn-ta, Hội đua bò Bảy Núi, lễ Chôl-chnăm-thmây; lễ hội Búng Bình Thiên - Tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji của dân tộc Chăm huyện An Phú... Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho An Giang đối với du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang
(Ảnh: internet)
Và những thành tựu của ngành du lịch
An Giang tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch và công nghệ viễn thông) tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, tích cực mời gọi đầu tư vào các dự án vui chơi giải trí, đặc biệt tại Thành phố Long Xuyên và Thành phố Châu Đốc để thu hút du khách lưu trú lại dài ngày.
Qua đó, đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)... Toàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng; 02 công ty lữ hành nội địa; 12 công ty lữ hành quốc tế; 16 điểm tham quan, du lịch.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách đến An Giang ước đạt 38 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú trên 4,1 triệu lượt; khách quốc tế đạt hơn 400 nghìn lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 21 nghìn tỷ đồng.
Hướng đến “phát triển du lịch bền vững”
Với mục tiêu đưa du lịch An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh và của cả khu vực, phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.800 tỷ đồng, thúc đẩy kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước trong giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, An Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy), đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được thông thoáng; đảm bảo các Khu du lịch đều đầu tư xây dựng bãi đổ xe theo quy định.
Thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn (đạt chuẩn từ 4 sao trở lên); đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch được quy hoạch của tỉnh, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam - Miếu Bà Chúa xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn).
Khu Thất Sơn là địa điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang với hệ thống núi độc đáo gồm: núi Thủy Đài Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Anh Vũ Sơn, Ngọa Long Sơn, Thiên Hoa Sơn, Thiên Cấm Sơn và Phụng Hoàng Sơn
(Ảnh: internet)
Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu về di tích lịch sử văn hóa địa phương, cả về nội dung lịch sử và văn hóa lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch An Giang, hình thành “Một địa phương một điểm đến”.
Nam Lê