Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra, làm việc với các huyện vùng DTTS&MN, ban hành chính sách riêng của tỉnh đầu tư hỗ trợ cho vùng DTTS như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ kinh phí tổ chức nuôi dưỡng học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở và trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cụ thể: hỗ trợ thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; hỗ trợ thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 476/KH-UBND ngày 03/02/2021 về việc tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang đến năm 2025; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người uy tín trong đồng bào DTTS; triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS”...
Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp giữa đồng bào DTTS với các công ty lâm nghiệp còn xảy ra ở một số nơi. Một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển như: cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đầu tư xây dựng để hoàn thiện cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đến nay chưa có căn cứ thẩm định, phê duyệt. Một số dự án định canh định cư, ổn định dân cư cho đồng bào DTTS thực hiện còn dang dở, chưa thực sự hiệu quả; chưa có hướng dẫn về nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nên tỉnh Bắc Giang chưa thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư...
Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang trong thực hiện công tác dân tộc. Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản, nhất là đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng. Làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, đảng viên là người đồng bào DTTS nói chung, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên DTTS nói riêng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS&MN; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước về xây dựng tiêu chí, phân định lại vùng đồng bào DTTS&MN theo hướng xác định rõ vùng DTTS (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản), địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Chính quyền các cấp của tỉnh cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm.
(Ảnh: baobacgiang.com.vn)
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Chú trọng phát triển liên vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng. Quan tâm phát triển du lịch, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các DTTS. Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư. Điều chỉnh cơ chế, chính sách, định mức khoán bảo vệ tài nguyên, tạo sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào DTTS&MN.
Từ nguồn hỗ trợ, gia đình anh Lý Văn Chính, thôn Lọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) có điều kiện cải tạo nhà ở
(Ảnh: mattran.org.vn)
Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức tuyển sinh và giải quyết việc làm sau đào tạo; có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở; phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng; thực hiện các giải pháp đồng bộ. Tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Có biện pháp triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Xây dựng và thực hiện chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khoẻ, tầm vóc thanh, thiếu niên DTTS. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu là đồng bào DTTS ở địa phương.
Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các DTTS. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, sớm chấm dứt hôn nhân cận huyết. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS&MN; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết với nhân dân địa phương khác.
Nguyễn Thị Dung - Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang