Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 114 trường mầm non (trong đó có 1 trường tư thục); 78 trường tiểu học, 38 trường tiểu học và trung học cơ sở. Tổng số điểm trường lẻ trên địa bàn tỉnh là 487 (trong đó, mầm non 268, tiểu học 219 điểm trường)[1]. Các điểm trường đa phần là lớp học bán kiên cố. Do đặc điểm địa lý, địa hình chia cắt bởi hệ thống núi thuộc cánh cung Đông Bắc, mật độ dân cư thưa (65 người/km2). Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn hạn chế, một số bản làng chưa có đường nhựa, đường bê-tông, hoặc đường sá xuống cấp, lắm đèo dốc; cầu vượt sông suối chưa được cứng hóa, nguy cơ bị mưa lũ cuốn trôi; hiện tượng sạt lở núi thường diễn ra vào mùa mưa khiến giao thông tê liệt. Nhiều bản làng cách xa nhau và cách xa trung tâm, là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người, lối sống còn lạc hậu, chưa thực sự chú trọng cho con em học tập... Những khó khăn đó khiến nhiều trẻ em có nguy cơ phải bỏ hoặc trì hoãn việc học. Việc bố trí điểm trường, đưa các thầy cô giáo đến “cắm bản” tạo thuận lợi trong việc vận động cha mẹ học sinh cho con đi học.
Một số điểm trường có quá ít học sinh, thầy cô phải tổ chức lớp ghép, nghĩa là một lớp do 1 giáo viên giảng dạy có từ 5 đến 7 học sinh thuộc hai, ba trình độ khác nhau của bậc học. Năm học 2019-2020, tổng số nhóm/lớp ghép là 511 nhóm/lớp. Trong đó, nhà trẻ 23 nhóm, mẫu giáo 282 lớp, tiểu học 206 lớp[2]. Về ưu điểm, số lượng học sinh trong lớp ít, thầy cô có điều kiện kèm cặp học sinh sát sao hơn. Học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học còn non nớt, được thầy cô vừa dạy dỗ, vừa chăm sóc sẽ có điều kiện phát triển tốt cả về kiến thức và tâm lý. Song, việc ghép lớp tại điểm trường đòi hỏi thầy cô phải làm việc tăng năng suất làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba do phải chuẩn bị từ hai đến ba giáo án cho một tiết học. Vì vậy, giáo viên phải có kinh nghiệm, niềm say mê nghề nghiệp, tình yêu trẻ, đặc biệt là tinh thần, nghị lực vượt khó vươn lên. Tại điểm trường, các hoạt động tập thể như hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, hoạt động ngoại khóa khó tổ chức, nếu có thì không đạt hiệu quả cao, không bố trí được thư viện, nhà truyền thống. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách phù hợp [3]: Học sinh được hỗ trợ theo quy định về ăn trưa, hỗ trợ bằng tiền hằng tháng, học bổng,… Giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp thu hút, phụ cấp dạy lớp ghép, nhưng chỉ khắc phục được phần nào những khó khăn của giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa tại các điểm trường.
Điểm trường Tiểu học Nà Ma, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Hiện nay, cùng với các chủ trương khác liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, điểm trường, lớp học, cụ thể là: xóa điểm trường, lớp học tại một số thôn, bản không còn học sinh và dồn ghép trường tiểu học với trường trung học cơ sở thành trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở hoặc ghép trường tiểu học của hai xã được sáp nhập. Kết quả là năm học 2020-2021, số điểm trường lẻ mầm non tại tỉnh Bắc Kạn giảm 22 điểm, tiểu học giảm 3 điểm so với năm học 2019-2020[4]. Tuy nhiên, việc sáp nhập đa phần mới chỉ thực hiện về mặt thủ tục giấy tờ và đội ngũ cán bộ, giáo viên. Một số trường cách xa nhau nên dù đã được sáp nhập nhưng vẫn tiếp tục tổ chức dạy học tại hai cơ sở do tỉnh chưa có đủ điều kiện đồng loạt đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp tập trung cho tất cả các địa phương.
Việc bố trí sắp xếp mạng lưới trường học theo hướng giảm bớt các điểm trường, dồn ghép trường về mặt cơ sở vật chất, tinh, gọn đội ngũ phù hợp điều kiện thực tế địa phương phải thực hiện theo lộ trình từng bước, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tích cực triển khai thực hiện tốt kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra hằng năm. Trước mắt, xác định điểm trường vẫn tiếp tục sứ mệnh của nó và phù hợp với thực tiễn địa phương. Thời gian tới, cần tiếp tục sắp xếp, bố trí lại mạng lưới trường, lớp theo hướng tinh, gọn hơn nữa; đồng thời rút ngắn những chênh lệch về mức độ hưởng thụ phúc lợi của chính sách giáo dục giữa giáo viên và học sinh tại điểm trường so với giáo viên và học sinh tại trường chính. Cùng với đó, từng bước xóa dần những điểm trường không thực sự cần thiết nữa.
Để đạt mục tiêu đó, cần sự quan tâm, phối hợp, chung tay của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Bố trí hợp lý quỹ đất, kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo các mức độ ngày càng cao, có cơ sở vật chất bán trú và công trình phụ trợ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh thay đổi quan niệm, đưa con đến học tại trường chính.
Với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hình thức điểm trường đang dần có xu hướng giảm, mạng lưới trường, lớp từng bước được bố trí hợp lý hơn, phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Với sự quyết tâm, đoàn kết nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, việc bố trí trường lớp tại địa phương sẽ ngày càng tiến bộ hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, xây dựng thế hệ tương lai đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
[1] Báo cáo số 121-BC/TU, ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020.
[2] Số liệu tại Báo cáo số 191/BC-UBND, ngày 15/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về sơ kết, đánh giá thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp (từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
[3] Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, ngày 05/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người;…
[4] số liệu dẫn theo Báo cáo số 121-BC/TU, ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020.
Thuận Duyên