Chương trình OCOP (One Commune One Product) -“Mỗi xã, phường một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg năm 2018. Tại Bắc Kạn, Đề án OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm cho khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đề án đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án được cụ thể hóa trong Nghị quyết, Kế hoạch của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã có hiệu quả rõ rệt đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
1. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường
Trước khi thực hiện đề án OCOP, sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Các hộ kinh doanh không chú trọng bao bì, nhãn mác, thương hiệu, sản phẩm làm ra không truy xuất được nguồn gốc,… nên không tiếp cận được tới các siêu thị, các thị trường lớn. Từ khi thực hiện đề án,sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét, tăng về số lượng, đa dạng về chủng loại, hình thức và chất lượng sản phẩm được nâng lên, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao. Vượt so với mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018-2020 là 91 sản phẩm, đạt 317,5% kế hoạch (mục tiêu Đề án đặt ra đạt 40 sản phẩm). Trong đó có 2 sản phẩm 4 sao hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia đó là Miến dong Tài Hoan và Nano Curcumin Bắc Hà.
Đóng gói sản phẩm miến dong mang thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn.
Ảnh: Internet.
Hiện nay, có nhiều hàng hóa đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh (miến dong, tinh bột nghệ…) được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm sau khi được chế biến đã gia tăng giá trị, một số sản phẩm áp dụng công nghệ cao chế biến sâu tạo ra dòng sản phẩm cao cấp gia tăng giá trị lớn như Trịnh Năng Gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax - Nano curcumin; 20 sản phẩm tham gia Đề án OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị.
2. Tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp
Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn được đánh giá có sự khác biệt, mang đặc trưng gắn với những nét truyền thống, văn hoá, điều kiện tự nhiên riêng của địa phương nên có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thông tin hàng hóa bảo đảm đúng quy định, chất lượng và bao bì mẫu mã hàng hoá được từng bước được cải thiện, nâng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường. Trong số các sản phẩm được công nhận đã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap; 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP; 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu; 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; 7 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể. 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử có uy tín, thương hiệu; 9 sản phẩm được chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội ký kết tiêu thụ: Măng nứa tép Mai Lạp, lạp sườn gác bếp hợp tác xã (HTX) Nhung Lũy, phở khô HTX Quỳnh Niên, mật ong HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, quýt HTX Khuổi Nằn, miến dong HTX Tài Hoan, gạo nếp khẩu nua lếch HTX Thượng Quan, cơm cháy gạo nếp nương Cơ sở sản xuất cơm cháy Hồng Quyên, bánh gạo nương cơ sở sản xuất bánh kẹo Thanh Yên. Đồng thời có sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan được xuất khẩu chính ngạch vào Cộng hòa Séc…
3. Thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân theo hướng đổi mới, sáng tạo
Trước đây, nhiều hộ sản xuất làm riêng lẻ, sản phẩm chỉ bán số lượng nhỏ ra thị trường địa phương. Từ khi tiếp cận với chương trình OCOP, nhận thức của người nông dân vùng nông thôn từng bước chuyển biến trong việc thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang sản xuất theo chuỗi liên kết, cùng nhau thành lập hợp tác xã. Người nông dân đã hình thành ý thức xây dựng vùng sản xuất để hàng hoá nhiều hơn, đủ để cung cấp cho thị trường lớn hơn; sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nhãn mác và bao bì đẹp, đầy đủ thông tin về sản phẩm, vừa quảng bá được sản phẩm, vừa xây dựng được thương hiệu để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Chương trình OCOP giúp người nông dân tự tin hơn rất nhiều và chưa bao giờ người nông dân Bắc Kạn có nhiều động lực để sáng tạo như hiện nay.
Thành viên Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông đóng gói sản phẩm thảo dược tắm
của đồng bào Dao.
Ảnh: Internet.
Với những kết quả đạt được trong 3 năm qua, có thể thấy phát triển sản phẩm OCOP tạo ra một hướng đi phù hợp, bền vững cho sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn. Trong giai đoạn tiếp theo của Đề án OCOP, tỉnh Bắc Kạn định hướng tập trung phát triển một số sản phẩm OCOP chủ lực, như: rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối,…); gạo và các sản phẩm từ gạo (gạo Japonica, nếp tài, Khẩu nua lếch); chè và các sản phẩm chế biến từ cây chè (chè trung du, chè Shan tuyết); sản phẩm từ cây dược liệu (nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, hà thủ ô, gừng đá,…).
Hương Rừng