1. Nghiêm túc, tích cực trỉển khai Luật Di sản văn hoá
Từ khi Luật di sản văn hóa có hiệu lực, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền được phân cấp về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử; về hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã được xếp hạng; phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tổ chức phân cấp quản lý di sản văn hóa...
Bắc Kạn đã kiểm kê, xếp hạng cho 58 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 8 Di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Tỉnh cũng tổ chức thống kê, lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể và đến nay có 17 di sản được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[1]; 1 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại[2].
Hoạt động truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng triển khai. Đến nay đã có 8 câu lạc bộ hát then được thành lập và duy trì hoạt động tại các địa phương. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã thực hiện xong việc điều tra, đánh giá giá trị đối với 3 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày, Lễ cấp sắc then và Nghệ thuật Múa khèn của người Mông; mở 9 lớp truyền dạy kỹ năng thực hành 3 di sản nêu trên; tổ chức sưu tầm hiện vật liên quan đến di sản để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và hỗ trợ cho địa phương duy trì thực hành di sản, đồng thời xây dựng 3 bộ phim tư liệu để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Việc tôn vinh nghệ nhân cũng được Tỉnh quan tâm triển khai, trong kỳ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất (năm 2015), tỉnh Bắc Kạn có 3 cá nhân là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; lần thứ hai (năm 2017), có 1 người được phong tặng “Nghệ nhân nhân dân”, 1 người được truy tặng “Nghệ nhân ưu tú” và 3 người được phong tặng ‘‘Nghệ nhân ưu tú”.
Nghệ nhân Mã Thị Dạy (giữa), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Then Sắc Chàm (tỉnh Bắc Kạn) tham gia truyền dạy hát then, đàn tính cho các em nhỏ
(nguồn: Internet)
Hoạt động bảo tàng được triển khai hiệu quả: Từ năm 2007 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sưu tầm được 2.555 hiện vật liên quan đến lịch sử tự nhiên, xã hội của tỉnh Bắc Kạn, đưa tổng số hiện vật đang lữu giữ tại Bảo tàng tỉnh lên 3.573 hiện vật.
2. Để di sản trở thành một "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư, song vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Số di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh là 291 di sản thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể nhưng nhiều loại hình di sản tiêu biểu đang có nguy cơ mai một nhanh chóng (ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống, văn học dân gian....); các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian một số nơi có biểu hiện biến đổi nhanh chóng, nhiều giá trị nhân văn, mỹ thuật dân gian, trò diễn giàu giá trị tiêu biểu chưa được bảo tồn và phát huy. Nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa tiêu biểu do chính cộng đồng mình sáng tạo nên còn có những hạn chế nhất định; nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng, và quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với di sản văn hoá vật thể, cũng còn 94 di tích đã được kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, tỉnh cần xây dựng các quy định cụ thể về công tác phối hợp và tổ chức thực hiện giữa các sở, ngành và các cấp trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời kiến nghị việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và tỉnh trong thực hiện các quy định về thẩm quyền quản lý theo Luật Di sản văn hóa.
Ba là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu sổ ở các huyện và thành phố.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, để nâng cao hiệu quả Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt được những kết quả cao hơn nữa.
[1] Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Chữ Nôm của người Dao; Chữ Nôm của người Tày; Lượn Slương của người Tày; Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; Nghệ thuật múa khèn Mông; Lễ cấp sắc của người Tày; Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao; Lễ mừng sinh nhật (mừng thọ) của người Nùng; Lễ cấp sắc Tào của người Tày; Nghi lễ cấp sắc Pụt (Lẩu Pụt) của người Tày; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ; Lượn cọi của người Tày; Hát Pá Dung của người Dao; Lễ Kỳ Yên của người Tày; Hát sli của người Nùng.
[2] Tỉnh đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các tỉnh có di sản hát Then lập Hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 12/12/2019, UNESCO đã công nhận hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thu Hà