Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đó là nguyên tắc được Đảng ta quán triệt và kiên định trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều vấn đề nhưng trung tâm là học thuyết về phát triển và giải phóng con người mang giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc.
Vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn nêu cao phương châm lấy con người trung tâm của quá trình phát triển, con người là chủ thể, là mục tiêu, và động lực của quá trình phát triển. Chính vì vậy, cần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta được cụ thể hóa bằng rất nhiều các chính sách của Nhà nước trong những năm qua.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch Covid-19 với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: Internet
Quan điểm phát triển lấy con người làm trung tâm được hiện thực hóa qua sự cải thiện liên tục về chỉ số phát triển con người Việt Nam. UNDP đánh giá chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 1,36%, đưa Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ tăng HDI nhanh nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về phát triển con người và chỉ thiếu 0,007 điểm để được xếp vào nhóm các nước có HDI cao.
Chỉ số HDI được cải thiện mạnh nhưng Việt Nam không phải đánh đổi nhiều về bất bình đẳng xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam chiếm 88,5% dân số, thuộc nhóm đứng đầu thế giới, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ và hỗ trợ một phần cho trên 60% số người tham gia bảo hiểm y tế.Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%, 13% dân số thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới và đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng tăng với mức tăng hơn 20% trong thập kỷ qua.
Con người được làm chủ, được phát huy sức sáng tạo, được thụ hưởng thành quả từ lao động. Kinh tế thị trường - sản phẩm của văn minh nhân loại được vận dụng vào nền kinh tế Việt Nam như một công cụ để thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã tạo ra một hệ thống thị trường đầy đủ, đồng bộ, phát triển đa dạng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ thị trường cung cấp các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất đến các thị trường cung cấp các loại hàng hóa cho tiêu dùng. Hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đã tạo lực hấp dẫn, thu hút lượng vốn đầu tư lớn trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp, người dân được tự do kinh doanh, được làm những gì pháp luật không cấm.
Khu vực tư nhân Việt Nam đang dần lớn mạnh, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và là lực lượng quan trọng trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Quan hệ kinh tế quốc tế không ngừng được mở rộng. Cho đến nay, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có độ mở của kinh tế lớn hàng đầu thế giới. So với quy mô GDP, vị thế chính trị, văn hóa, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế lớn mạnh hơn rất nhiều.
Thời gian vừa qua, trong khi các nước đã chỉ trích nhau, đổ lỗi cho nhau, thậm chí miệt thị nhau, giới chính trị gia, các đảng phái, người dân ở nhiều nước còn lừng chừng, tranh luận về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do đi lại, giao tiếp xã hội để phản ứng lại các đề xuất chính sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, hay thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân tại nơi công cộng của Chính phủ, virus Corona đã âm thầm lan nhanh, lan rộng rồi bùng phát tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, châu Mỹ.
Hậu quả của phản ứng chính sách có phần chậm trễ của các quốc gia này đã thấy rõ, thể hiện ở sự gia tăng vô cùng nhanh chóng số ca nhiễm bệnh và số người tử vong. Trong khi đó, Việt Nam được báo chí quốc tế nhắc đến như một hình mẫu của kiểm soát hiệu quả dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Cho đến nay, Việt Nam nằm trong số ít nước có số người nhiễm thấp, tốc độ lây lan chậm và chưa có ca nhiễm bệnh nào tử vong.
Khoanh vùng cách ly để dập dịch là một trong những biện pháp hiệu quả của Việt Nam trong thời gian qua
Thành công đến từ quản trị hiệu quả khủng hoảng, từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, từ sự đoàn kết, thống nhất của toàn bộ hệ thống chính trị. Tất cả những kết quả Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống dịch Covid -19 được biểu hiện sinh động và cụ thể. Có thể gọi không quá, đó là “hiện tượng Việt Nam” trong cuộc chiến đấu chống đại dịch toàn cầu. Sâu xa hơn, không phải chỉ là hiện tượng, không phải ngẫu nhiên, càng không phải do may mắn, những kết quả có được hôm nay là tất yếu - sự tất yếu xuất phát từ bản chất ưu việt của chế độ chính trị Việt Nam, của nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển, đòi hỏi phải bảo đảm các quyền tối thiểu của con người, mà trước hết, ngay lúc này là quyền được sống, quyền được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. Việt Nam đã chủ động lên phương án phòng chống dịch từ rất sớm, từng bước đi, từng quyết sách ứng phó được ban hành bài bản, tích cực, quyết liệt nhưng vô cùng thận trọng, chắc chắn, không tạo ra các cú sốc lớn lên đời sống người dân, đặc biệt tạo ra sự vững tâm và lòng tin của người dân với Đảng, với Chính phủ.
Các khu cách ly tập trung dần được thiết lập để đón nhân dân, trong số đó, có rất nhiều người Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài về quê hương tránh dịch. Cán bộ trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang các cấp, từ trung ương đến tận thôn bản căng mình thực thi nhiệm vụ, sát sao, ngày đêm bám sát địa bàn thực hiện nhiệm vụ, nhường chỗ ăn, chỗ nghỉ tốt nhất cho dân.
Rõ ràng, quyền con người ở Việt Nam không phải là bánh vẽ, không phải là khẩu hiệu, là hiện thực trong thời khắc vô cùng gian nan, sinh tử này.
Chi phí sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung, chi phí khám chữa cho người có bệnh nền trong các khu cách ly, các khu dân cư bị phong tỏa được nhà nước cung cấp miễn phí cho nhân dân, người dân được tạo điều kiện tốt nhất để vừa cách ly vừa có thể làm việc, thi trả bài, học online ở các trường đại học trên khắp thế giới. Các bệnh nhân dương tính được điều trị miễn phí tại các cơ sở y tế, công tác điều trị được thực hiện hết sức tích cực với mục tiêu không để xảy ra tử vong vì dịch Covid-19.
Chính sách này chỉ có thể được thực hiện ở một chế độ xã hội nhân văn như Việt Nam, bởi lẽ, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng đang trăm mối bộn bề khi thu ngân sách nhà nước đang chịu những tác động rất tiêu cực từ dịch bệnh toàn cầu.
Chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch được ban hành khẩn trương thể hiện rõ nét tinh thần của Chính phủ hành động, phục vụ. Theo đó, gói hỗ trợ có giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng, áp dụng cho gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động chịu ảnh hưởng của dịch. Sáu nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp. Các đối tượng của chính sách bao gồm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm… Mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020).
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: Internet
Nhóm đối tượng là doanh nghiệp, người sử dụng lao động được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong ba tháng. Ngoài ra, nhiều hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp và người lao động đã được đề xuất như được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp phải giảm 50% lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm các loại thuế, phí… cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước đã chủ động bố trí nguồn hàng tăng cường dự trữ quốc gia, chủ yếu là thực phẩm để hỗ trợ cho người dân ở các vùng khó khăn, bảo đảm không ai bị đói.
Tất nhiên, mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng những gì xảy ra trên thực tế cho thấy bản chất ưu việt của chế độ ta là không thể phủ nhận, không thể chối cãi bằng bất cứ luận điệu xuyên tạc nào.
Khi đại dịch toàn cầu bùng phát và ngày càng lan rộng, nhiều nước, ngay cả các nước là đồng minh của nhau đã và đang thực hiện các hành động giành giật, tranh mua các lô khẩu trang, thiết bị y tế, nhưng với Việt Nam, ngay trong thời khắc khó khăn, vẫn hành xử một cách có lương tri, có phẩm giá. Đó là, hỗ trợ thành phố Vũ Hán, hỗ trợ nước bạn Lào, Campuchia, hỗ trợ Hoa Kỳ, các nước châu Âu vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch.
Hành xử đó không chỉ biểu hiện bản chất nhân văn cao đẹp của một chế độ xã hội mà còn thể hiện một tinh thần quốc tế cao cả. Giá trị vật chất có thể không lớn, nhưng hành động đẹp, đúng lúc cần thiết sẽ khẳng định giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việt Nam sẽ vượt qua bóng tối của dịch bệnh bằng ánh sáng chân lý, hệ giá trị tư tưởng và lựa chọn của riêng mình. Trong bóng tối, nhân loại có thể nhìn thấy rõ hơn những điểm sáng. Điểm sáng của chủ nghĩa xã hội hiện thực vốn vẫn sáng và tiếp tục tỏa sáng.
Sớm muộn gì, thế giới cũng chiến thắng dịch bệnh, nhưng mức độ tàn phá của dịch bệnh, sinh mạng con người mất đi phụ thuộc rất nhiều vào chính sách ứng phó với khủng hoảng của các quốc gia. Kinh tế rồi sẽ phục hồi, nhưng người đã mất không thể hồi sinh. Ứng phó hiệu quả, nhân văn trước khủng hoảng dịch bệnh có lẽ phụ thuộc vào bản chất nhà nước chứ không phải bất kỳ lý lẽ nào khác.
Hà An