Là người đặt nền móng xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng bởi theo Người, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”[1].
Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Trong những năm qua, nền báo chí cách mạng nước nhà luôn là kênh thông tin quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các sự kiện lớn của dân tộc, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xã hội; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, đạo đức, văn hóa dân tộc và chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm định hình nhận thức đúng đắn và giúp cho người dân nâng cao khả năng nhận diện, đề kháng trước những hành vi, thủ đoạn đầu độc tư tưởng từ các thế lực thù địch, phản động.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn, báo chí vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số cơ quan báo chí chưa thực sự trở thành kênh định hướng dư luận chính thống, dẫn dắt người đọc đến với nhận thức đúng đắn, khách quan. Tình trạng các tờ báo chạy theo trào lưu, thị hiếu độc giả, cập nhật những thông tin giải trí vô bổ đang là một thực tế chưa được khắc phục. Có những tờ báo chính thống đăng tải thông tin nhưng lại theo kiểu “giật tít câu view”, mập mờ đánh lận con chữ, không đưa ra thông tin trực diện, tuyên truyền đúng đắn mà còn là kẽ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, “dắt mũi” dư luận. Một số cây viết thiếu kiến thức chuyên sâu về nền tảng tư tưởng của Đảng, cách viết xơ cứng, giáo điều khiến cho các bài viết phản bác thông tin, quan điểm sai trái chưa tạo nên tính thuyết phục. Nhiều tờ báo chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong công tác đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái; chưa có trang mục riêng về đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và quy tụ các cây bút chính luận sắc sảo để làm lực lượng chủ chốt trong đấu tranh; đồng thời, một bộ phận trong đội ngũ những người làm báo còn có thái độ, nghiệp vụ thiếu chuyên nghiệp, vì lợi ích riêng, hoặc quy chụp vì thiếu thông tin, đã phần nào gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến đông đảo công chúng, làm giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, chế độ,…
Để phát huy vai trò của báo chí đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước hiện nay:
Một là, báo chí phải tiếp tục phát huy vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, và là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Báo chí là đội quân hùng hậu đảm nhận sứ mệnh đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hiện nay, báo chí vẫn là kênh thông tin chính để người dân tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan đến các vấn đề xã hội. Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, 21.132 nhà báo, 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Đây là đội quân hùng hậu đảm nhận sứ mệnh đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và lợi ích dân tộc cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Nâng cao tính đảng, phát huy tính chiến đấu cho mỗi tờ báo trong mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Làm tốt cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động báo chí. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân xa rời tôn chỉ, mục đích báo chí, đi ngược lại lợi ích của quốc gia - dân tộc, ngả nghiêng, dao động lập trường chính trị, suy giảm tính chiến đấu trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, các cơ quan chủ quản cần nhận thức một cách tường tận, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,nhận diện đúng các vấn đề trọng tâm, có tính thời sự, bám sát thực tiễn cuộc sống hay những chủ đề mà các thế lực thù địch thường hay xuyên tạc. Trên cơ sở đó chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện việc tuyên truyền, định hướng dư luận một cách đúng đắn, hiệu quả; đồng thời,phản bác, đấu tranh, vạch rõ những âm mưu, luận điệu sai trái từ các thế lực thù địch để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và với chế độ.
Ba là, cần nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức về lý luận cũng như giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp một cách nghiêm túc cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên… Đây là điều kiện tiên quyết và bắt buộc để đội ngũ cầm bút và làm công tác biên tập, thẩm định trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng; dám dấn thân, dám bảo vệ lẽ phải, chân lý; biết nhận diện và đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc của những phần tử bất mãn, cơ hội, chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, giúp cho mỗi chiến sĩ trên mặt trận báo chí đứng vững trước những cám dỗ về lợi ích, thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích của báo chí cách mạng; biết đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đúng, cái thiện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đến mọi tầng lớp nhân dân.
Bốn là, mỗi đơn vị báo chí cần thành lập một chuyên trang, chuyên mục riêng để nhận diện, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Tập hợp những cây viết có kiến thức lý luận vững chắc, tư duy sắc sảo để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phê phán cũng như định hướng nhận thức cho dư luận một cách khách quan, chính xác trước các thông tin chống phá hay mỗi sự kiện quan trọng của đời sống xã hội. Cùng với đó, các cây bút cần lựa chọn cách viết ngắn gọn, súc tính, ngôn từ phù hợp để mọi tầng lớp nhân dân đều có thể hiểu và nắm được vấn đề. Sử dụng công nghệ, các ứng dụng mạng xã hội và thực hiện linh hoạt các phương thức truyền tải nhằm đưa thông tin, thông điệp đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Với một truyền thống lịch sử đầy vẻ vang, luôn sát cánh cùng Đảng và dân tộc trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có cơ sở để tin tưởng rằng nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng -văn hóa, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó góp phần to lớnvào công cuộcbảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và Nhân dân; đồng thời,lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.464
Lê Thủ