Cung cấp thông tin về tham nhũng
Chức năng thông tin là một trong những chức năng quan trọng của báo chí cho nên sự ra đời của báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin giao tiếp của công chúng và sự phát triển của báo chí cũng dựa trên sự gia tăng nhu cầu thông tin- giao tiếp trong xã hội. Để thực hiện chức năng này, báo chí thông tin chính xác, trung thực về những sự kiện, những vấn đề nóng trong xã hội.
Trong những năm gần đây, tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội rất quan tâm. Do đó, tham nhũng đã trở thành tiêu điểm khai thác của báo chí. Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ của 40 tờ báo (báo in, báo mạng điện tử) của Trung ương và địa phương cho thấy, trong năm 2013, các tờ báo này đã có hơn 4.452 tin, bài về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tăng 15% so với cùng năm 2012[1]. Trước đó, nghiên cứu của tác giả Lương Khắc Hiếu (2009) cho thấy, trong 2,5 năm (2007 đến quý 2 năm 2009) có tới 1284 tin/bài viết về vấn đề có liên quan đến phòng và chống tham nhũng trên các Báo Nhân dân, báo Lao động và báo Tuổi trẻ. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 1,4 tin/bài viết về phòng, chống tham nhũng được đẳng tải[2].
Như vậy, các bằng chứng trên đã khẳng định sự quan tâm của báo chí đối với vấn đề tham nhũng ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, thông tin của các vụ việc tham nhũng được người dân nắm bắt một cách kịp thời và khá đầy đủ. Điều này được thể hiện qua bằng chứng khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới (năm 2013); theo đó, có 93,4% cán bộ công chức, viên chức, 95,0% người dân và 89,4% doanh nghiệp cho rằng, họ biết tham nhũng thông qua báo đài, tivi[3]. Có thể nói, báo chí là một kênh quan trọng để thông tin một cách có hiệu quả đến nhân dân về các vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân về giám sát và kiểm soát hành vi tham nhũng hiện nay.
Giám sát hành vi và xử lý hành vi tham nhũng
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Trong những năm qua, báo chí đã thực hiện khá tốt chức năng này, do đó, Đảng ta đã chính thức ghi nhận và yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”[4]. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: phát huy vai trò, trách nhiệm của… cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”[5]. Vì vậy, báo chí đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào phòng, chống tham nhũng. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng. Thực tế đã cho thấy, có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn bị truy tố xét xử trong những năm qua được bắt nguồn từ thông tin trên báo chí. Điển hình như vụ tham nhũng của Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm tại Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, vụ PMU18 phanh phui một loạt các vụ việc phạm pháp của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Bộ Giao thông - Vận tải; những sai phạm nghiêm trọng trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng); giải tỏa đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên)...
Hơn nữa, báo chí không chỉ giám sát, tố cáo hành vi tham nhũng mà còn giám sát đối với những biện pháp xử lý hành vi này. Thực tế cho thấy, có những vụ án tham nhũng có tính chất nghiêm trọng nhưng biện pháp xử lý chưa thích đáng hoặc những vụ việc bị “chìm xuồng” nhưng báo chí đã công kích và tạo sức ép dư luận xã hội để xử lý “đúng người, đúng tội”. Chính vì thế, kết quả khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới cho thấy, có 87,4% cán bộ, công chức và có 86,0% doanh nghiệp cho rằng, do có cơ quan truyền thông gây sức ép nên nhiều vụ việc tưởng chừng bị “chìm xuồng” nhưng đã được xử lý[6]. Như vậy, vai trò giám sát xã hội của báo chí đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Tạo diễn đàn phản biện xã hội, hình thành dư luận xã hội lên án đối với hành vi tham nhũng
Vai trò của báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn là diễn đàn mà thông qua đóngười dân có thể phản ánh, nêu ý kiến về những vấn đề mình quan tâm, đặc biệt là những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra hàng ngày hay kéo dài dai dẳng, trong đó có “quốc nạn tham nhũng”. Đặc biệt là, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử đã góp phần làm cho diễn đàn phản biện xã hội, chia sẻ, trao đổi và bàn bạc thông tin của nhân dân ngày càng thuận lợi hơn, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội, nhất là thanh niên. Với vai trò này, báo chí đã trở thành công cụ quan trọng để hình thành dư luận xã hội. Lúc đó, dư luận xã hội trở thành kênh giám sát hành vi của các nhóm xã hội một cách hiệu quả. Hành vi tham nhũng cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra, dư luận xã hội còn tư vấn những giải pháp cho Đảng và Nhà nước để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng một cách có hiệu quả.
Đồng thời, thông qua diễn đàn phản biện xã hội, báo chí sẽ nhận được từ nhân dân những thông tin liên quan đến các biểu hiện, hành vi tham nhũng của đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật... Thực tế cho thấy, không ít vụ việc tham ô, tham nhũng mà báo chí đưa lên công luận trong những năm qua là bắt nguồn từ sự phát hiện, tố giác của quần chúng. Qua những thông tin như vậy, cơ quan chức năng đã vào cuộc và không ít vụ việc đã được làm sáng tỏ, người vi phạm đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Điển hình như vụ tham nhũng đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội),… đều được người dân tố giác tham nhũng thông qua báo chí.
Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng
Trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, báo chí được xem là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại những tư tưởng, quan niệm tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín và lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, báo chí có những thế mạnh như thông tin nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp. Do đó, trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay, báo chí nước ta càng phải thể hiện đúng vai trò và ví trí của mình. Đó là tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Điều này cũng được khẳng định tại khoản 1, Điều 86 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thực tế hoạt động của báo chí Việt Nam cho thấy, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng tuyên truyền tích cực về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng…
Như vậy, báo chí đóng vai trò quan trọng đối với công tác phòng chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay. Do đó, tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống để góp phần đảm bảo sự trong sạch của hệ thống chính trị.
TT