Có thể thấy, với việc tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp năm 1946 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trên phạm vi cả nước.
Đến Hiến pháp năm 1959 khẳng định rõ hơn: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26). Trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và năm 1992 đều quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước”.
Gần đây nhất, tại Điều 24, Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng ở Việt Nam, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54,477 km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước) với dân số 5.842.681 người[1].
Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên có 13/16 tôn giáo được nhà nước công nhận đang hoạt động, gồm Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hồi giáo, Bà La Môn, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo, Baha’i với 2.252.622 tín đồ, chiếm 38,5% dân số toàn khu vực. Trong đó, Công giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất với 1.162.216 người, Tin Lành đứng thứ 2 với 574.879 người, Phật giáo có 460.770 tín đồ, Cao Đài 53.104 tín đồ, còn lại các tôn giáo khác[2]; có gần 1.500 chức sắc, 900 cơ sở thờ tự của các tôn giáo.
Lễ quy y Tam bảo cho các Phật tử là đồng bào Ê Đê
tại chùa Phổ Minh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Internet
Thời gian vừa qua, số lượng tín đồ của các tôn giáo ở Tây Nguyên tăng rất nhanh so với tốc độ tăng dân số. Nếu như năm 2009, tổng số tín đồ các tôn giáo ở Tây Nguyên là 1.790.541 người[3]thì năm 2019, con số này là 2.252.622. Như vậy, trong vòng 10 năm, số tín đồ tôn giáo tại Tây Nguyên đã tăng thêm 462.081 người, tương đương 25,8%. Trong khi đó, cũng trong khoảng 10 năm, dân số các tỉnh Tây Nguyên chỉ tăng 14,2%[4].
Công giáo và Tin Lành là 2 tôn giáo có sự phát triển tín đồ nhanh nhất. Năm 2011, Công giáo có 877.189 tín đồ, đến 2019 số tín đồ của tôn giáo này là 1.162.216 người, tăng thêm 285.027 người (tăng 32,5%); năm 2011, đạo Tin Lành có 450.000 tín đồ, đến năm 2019 con số này là 574.879 người, tức là tăng thêm 124.879 người (tăng 28%).
Chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, từ năm 1986 đến 2019, số tín đồ đạo Tin Lành đã tăng thêm 130.220 người (tăng gấp 11 lần)[5]. Đồng thời, Tây Nguyên cũng là địa bàn được ghi nhận có số lượng hệ phái Tin Lành nhiều nhất cả nước với gần 50 hệ phái đang có mặt tại vùng đất này. Trong đó, nhiều hệ phái chưa được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo.
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành… được trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới hơn 900 cơ sở thờ tự khang trang. Tại Kon Tum, số cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã tăng lên 140 cơ sở vào năm 2019[6]. Tại Đắk Lắk, đồng bào Công giáo từ chỗ chỉ có vài nhà thờ, nhà nguyện nay đã có 40 nhà thờ, 40 nhà nguyện của 40 giáo xứ[7]. Đồng bào Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ chỗ không có cơ sở thờ tự vào năm 2004, đến nay đã xây dựng được 35 nhà thờ, 125 nhà nguyện và một số nhà thờ đang được xây dựng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 sinh viên tham gia học tập tại các Viện Thánh kinh Thần học, Đại chủng viện, Học viện Phật giáo và học tập ở nước ngoài… Chính vì vậy, số lượng chức sắc, tu sỹ được đào tạo trong và ngoài nước không ngừng gia tăng.
Không những thế, hầu hết các tổ chức tôn giáo có số lượng tín đồ đông ở Tây Nguyên đều có báo, tạp chí, trang tin điện tử. Các tỉnh cũng in hơn 30.000 cuốn Kinh Thánh bằng các tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số như Gia-rai, Ê-đê, Ba-na để tạo điều kiện cho việc sinh hoạt tôn giáo của tín đồ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lễ cung hiến Nhà thờ Chi Hội Tin Lành Plei Phăm, xã Barmaih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ngày 22-5-2020. Nguồn: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)
Quán triệt chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào là tín đồ của các tôn giáo trên địa bàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật. Các lễ hội tôn giáo như Giáng sinh, Phục sinh… hàng năm thu hút đông đảo tín đồ tham gia và ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản.
Các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước thừa nhận luôn được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Các chức sắc được tự do truyền đạo theo quy định và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm theo quy định, đúng như lời khẳng định của Mục sư Siu Bek, quản nhiệm chi hội Tin Lành Plei Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku: “Bản thân tôi là một trong những mục sư vừa được tấn phong, đã có hơn 10 năm làm quản nhiệm, thường xuyên đi lại gặp gỡ các tín hữu, tôi chưa bao giờ gặp sự cản trở nào trong các hoạt động tôn giáo, kể cả trước đây, khi chi hội do tôi phụ trách chưa được công nhận tư cách pháp nhân. Từ khi chi hội chính thức ra mắt, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nhiều mặt của chính quyền, các sinh hoạt trong chi hội được tổ chức thường xuyên hơn, quy củ và nền nếp hơn”[8].
Riêng đối với đạo Tin Lành, 1.300/1.665 điểm nhóm đã được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo[9]. Trên thực tế, trong thời gian qua, đồng bào các tôn giáo ở Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương,nhiều tín đồ tôn giáo là gương điển hình trong các phong trào ở cơ sở.
Có thể khẳng định, với số lượng tín đồ, chức sắc đông đảo, cơ sở thờ tự ngày càng được xây dựng khang trang của các tôn giáo ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa; với sự xuất hiện ngày càng nhiều tôn giáo cùng với những sinh hoạt tôn giáo phong phú là minh chứng sinh động và rõ nét nhất của việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Những thành tựu trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Tây Nguyên nói riêng, ở Việt Nam nói chung đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bóp méo của những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, độc lập tự do và chế độ chính trị của Việt Nam.
Nắng Mai
[1]Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
[2]Số liệu tổng hợp từ báo cáo tôn giáo các tỉnh Tây Nguyên năm 2019.
[3]Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Vụ Tôn giáo và dân tộc: Thống kê số lượng tín đồ các tôn giáo ở Tây Nguyên năm 2009.
[4]Năm 2009, dân số Tây Nguyên là 5.115.135 người, năm 2019 là 5.842.618 người.
[5]Số tín đồ đạo Tin Lành ở Gia Lai năm 1986 là 12.000 người, đến 2019 là 142.220 người.
[6]Tỉnh ủy Kon Tum (2020), Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10-01-2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới".
[7]http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-nhung-gia-tri-van-hoa-dan-toc-voi-tin-nguong-ton-giao-o-tay-nguyen-10134.html
[9]Nguyễn Khắc Đức (2019), “Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và vấn đề đặt ra hiện nay”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 11/2019.