Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa gắn liền với xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng bởi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển toàn diện. Bảo tồn và phát triển văn hóa chính là gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những giá trị mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân, đưa hành trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hướng tới giá trị bền vững.
Sở hữu kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được tỉnh Hà Nam đặt vị trí ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Toàn tỉnh có 220 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 91 di tích, cụm di tích cấp quốc gia, 127 di tích, cụm di tích cấp tỉnh, 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Biểu diễn nghệ thuật dân gian ở nông thôn Hà Nam
(ảnh: internet)
Thực hiện Nghị quyết Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nam đã thực thi nhiều giải pháp đồng bộ đối với công tác bảo tồn và phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nòng cốt là củng cố, nâng cao chất lượng trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhằm phát triển văn hóa nông thôn, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đã được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thể chế, chính sách về văn hóa dần hoàn thiện, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu; thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn hóa ngày càng đi vào nề nếp, đạt chất lượng, hiệu quả, khơi dậy tinh thần cộng đồng của nhân dân trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở vùng nông thôn, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới từng bước đáp ứng được nhu cầu về văn hóa của người dân, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đi vào thực chất, có chiều sâu, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Lễ hội làng ở Mộc Nam (Duy Tiên, Hà Nam)
(Ảnh: internet)
Tuy nhiên, một số vùng nông thôn chưa phát huy được vai trò của hệ thống giá trị văn hóa, mức sống và sự hưởng thụ văn hóa vẫn còn chênh lệch so với khu vực thành thị; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa xứng tầm với tiềm năng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và cơ sở vật chất văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch đạt hiệu quả chưa cao. Hạ tầng cơ sở phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; việc phát triển con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ còn nhiều hạn chế. Văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội còn có những biểu hiện tiêu cực...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa như: mặt trái của công nghệ, mạng xã hội, văn hóa ngoại lai tác động xấu đến sự phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
Bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả
Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, cần khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư.
Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, đồng thời, giữ gìn được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Hà Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Thứ ba, cần tập trung triển khai những giải pháp quyết liệt, đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Nâng cấp hạ tầng cơ sở phát triển văn hóa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức; hoàn thiện chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Nguyễn Nga