Làng nghề truyền thống Thái Bình
Phong trào phát triển nghề và làng nghề ở Thái Bình đã mang lại lợi ích kinh tế-xã hội khá lớn. Nhiều nơi, giá trị sản xuất của nghề và làng nghề chiếm từ 45 -50% trong tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế, đưa tốc độ phát triển kinh tế địa phương thời gian qua tăng bình quân 13 -14%/năm, như ở các xã: Thái Phương, Canh Tân, Tân Lễ (Hưng Hà); Hồng Thái, Lê Lợi (Kiến Xương); Vũ Hội, Nguyên Xá (Vũ Thư).
Kiến Xương là huyện có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có trên 600 năm, thu hút trên 4.000 lao động; làng nghề xã Hồng Thái luôn duy trì 150 tổ nghề, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, thu nhập từ nghề chiếm gần 60% tổng giá trị sản xuất của xã. Nhắc đến Kiến Xương nhiều người còn biết tới mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến... Một số nghề truyền thống khác ở Kiến Xương mặc dù đã mai một, thu nhập thấp, song vẫn còn nhiều người gắn bó với nghề như dệt đũi ở Nam Cao, dệt thảm len ở Vũ Trung, chế biến cói ở Hòa Bình, Quang Lịch, móc lưỡi câu ở Tây Sơn, Nam Bình... Nhờ duy trì nghề truyền thống đồng thời phát triển thêm nhiều nghề mới, hằng năm, giá trị sản xuất từ nghề chiếm khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Kiến Xương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hoá của địa phương.
Huyện Vũ Thư có 5 làng nghề được tỉnh công nhận gồm: làng nghề thêu (Minh Lãng); làng nghề cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm (Vũ Hội); làng nghề chế biến lương thực thực phẩm (Đồng Thanh); làng nghề chổi chít Nghĩa Khê, Hợp Tiến (Tam Quang). Hai làng nghề sản xuất chổi chít hiện thu hút trên 200 hộ với khoảng 700 lao động địa phương tham gia, trong đó có 30 cơ sở sản xuất đạt quy mô từ 5 - 10 lao động/cơ sở. Ngoài ra, nghề làm chổi chít tạo việc làm cho khoảng 300 lao động như cung cấp nguyên liệu, vận chuyển, bán chổi rong. Nhờ có làng nghề và nghề truyền thống, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt, diện mạo làng quê ở các làng nghề cũng khang trang hơn, mang đến môi trường văn hoá mới văn minh, hiện đại và tiện nghi hơn.
Làng nghề ươm tơ Hồng Lý (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư)
(Ảnh: internet)
Tại huyện Hưng Hà, từ một làng nghề truyền thống có tên làng Mẹo, qua quá trình duy trì và phát triển nghề, đến nay xã Thái Phương (Hưng Hà) đã có 6/8 thôn là làng nghề, xã được công nhận xã nghề vào năm 2011, chủ yếu là nghề dệt truyền thống. Mặt hàng sản xuất chính ở Thái Phương là khăn bông các loại, hầu hết xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hoạt động làng nghề đã thu hút trên 70% lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định; góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong làng nghề đạt trên 400 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,25%/năm. Từ hiệu quả kinh tế rõ nét của làng nghề, UBND tỉnh đã quyết định thành lập cụm công nghiệp Phương La, xã Thái Phương.
Làng nghề chiếu hới ở làng Hải Triều (Tên cũ là làng Hới), xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà
(Ảnh: internet)
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng các làng nghề mới chủ yếu nhằm giải quyết việc làm lúc nông nhàn, việc đào tạo nguồn lao động chưa được chú trọng. Các làng nghề hiện nay thiếu vốn, không tạo dựng được thương hiệu uy tín, khả năng tiếp cận các thị trường lớn, thị trường mới còn hạn chế; công nghệ sản xuất mang tính thủ công, lạc hậu; mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa bắt kịp với nhu cầu ngày càng cao của xã hội; kết cấu hạ tầng ở các làng nghề còn yếu kém đã ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng...
Để làng nghề truyền thống hội nhập và phát triển bền vững
Các ngành, các địa phương trong tỉnh cần sớm quy hoạch chi tiết từng cụm công nghiệp tập trung, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải quyết mặt bằng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và có các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ làng nghề tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; đồng thời đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Có chính sách quan tâm, động viên đội ngũ thợ giỏi, thợ lành nghề, làm tốt công tác phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân để nâng cao sự tự tôn, tự hào với truyền thống làng nghề, giúp người dân tích cực cải tiến nâng cao năng suất lao động, chủ động học hỏi nâng cao tay nghề, tăng cường đầu tư công nghệ mới.
Các ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ các hiệp hội làng nghề hoạt động. Đây là những tổ chức đại diện cho lợi ích của những người thợ thủ công, đoàn kết các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ lẫn nhau chào hàng và xuất hàng ra nước ngoài; đồng thời là trung tâm tư vấn giúp các làng nghề xây dựng thương hiệu, tạo bước phát triển đột phá trong thời gian tới. Tăng cường kết nối hoạt động sản xuất các sản phẩm truyền thống với các công ty du lịch; tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ làng nghề trong việc tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, đưa sản phẩm của làng nghề đến với các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
ĐTT