1. Hiệu quả từ tái cơ cấu ngành thủy sản
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam thực hiện tái cơ cấu sản phẩm thủy sản, phát triển các đối tượng nuôi theo định hướng thị trường. Đối tượng nuôi chủ lực ở các vùng nước mặn, lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng; các vùng nuôi nước ngọt chủ yếu là các đối tượng nuôi truyền thống, cá diêu hồng và các thủy đặc sản khác như: cá lăng nha, cá lóc, cá chình,… Nhìn chung, các đối tượng nuôi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế và phù hợp với tập quán phát triển sản xuất, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng. Cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của ngư dân ven biển, kết hợp thời tiết thuận lợi, người dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất thủy sản nên sản lượng thủy sản tăng đều hằng năm và vượt mức kế hoạch đề ra. Sản lượng năm 2016 là 102.640 tấn, đến năm 2019 là 115.000 tấn, đặc biệt sản lượng khai thác thủy sản tăng nhanh. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2016 là 82.600 tấn, đến năm 2019 là 91.500 tấn, năm 2020, mặc dù có chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai nhưng sản lượng đạt được 92.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra là 85.000 tấn. Ngư dân khai thác có hiệu quả hơn và giá trị sản lượng khai thác ngày được nâng cao, giá trị sản xuất của thủy sản tăng đều qua các năm. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2017 là 3.780 tỷ đồng/12.965 tỷ đồng toàn ngành (chiếm 29,15%), năm 2018 là 4.000 tỷ đồng/13.590 tỷ đồng toàn ngành (chiếm 29,43%), năm 2019 là 4.057 tỷ đồng/13.688 tỷ đồng toàn ngành (chiếm 29,64%). Năm 2020 đạt 4.200 tỷ đồng/14.161 tỷ đồng toàn ngành (chiếm 29,65%).
Vùng nuôi cá lồng nước ngọt, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ
(ảnh: internet)
Với mục tiêu tái cơ cấu tàu thuyền theo hướng giảm dần tàu cá công suất nhỏ khai thác gần bờ, phát triển tàu cá có công suất lớn khai thác xa bờ, được khuyến khích từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như: Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam... Các chính sách này đã tạo điều kiện ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư, vươn khơi đánh bắt, tăng cường sự hiện diện của đội tàu dân sự Việt Nam tại các vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa... Việc phát triển nghề cá của tỉnh theo xu hướng vươn khơi vừa nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt và thu nhập cho người lao động, cùng với đó là góp phần tích cực vào việc khẳng định chủ quyền vùng biển quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng. Toàn tỉnh có 31 cơ sở đóng, sửa tàu cá lớn, nhỏ, trong đó có 04 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ và 01 cơ sở đóng tàu vỏ thép, vỏ nhựa composite có quy mô lớn (mỗi cơ sở có khả năng đóng khoảng 15-20 chiếc tàu cá cỡ lớn từ 15 mét trở lên). Năm 2020, số lượng tàu cá toàn tỉnh là 3.039 chiếc, trong đó vùng khơi (≥15 mét) là 748 chiếc, vùng lộng (từ 12 - <15 mét) là 697 chiếc, vùng bờ (từ 6 - <12 mét) là 1.594 chiếc. Như vậy, số lượng tàu cá khai thác vùng khơi (≥15 mét) năm 2020 tăng 43,3% so với năm 2016 (năm 2016 là 522 chiếc), các tàu cá làm nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế cao như: vây khơi, chụp mực, câu mực khơi... được ngư dân đầu tư phát triển nhiều trong những năm gần đây.
Đóng tàu vỏ gỗ tại Công ty TNHH Một thành viên Uyên Châu, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam
(ảnh: internet)
2. Phát triển ngành thủy sản theo định hướng thị trường nhưng bảo đảm bền vững
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lao động thủy sản theo định hướng thị trường. Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia với các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của Tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt tại các vùng biển khơi, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá, công tác quản lý nguồn lợi hải sản và đội tàu khai thác hải sản trên biển. Đồng thời có các chính sách thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất kinh doanh thủy sản, đặc biệt ưu tiên đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khuyến khích liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu, gắn doanh nghiệp với người nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, tổ chức và sắp xếp lại vùng nuôi tôm trên cát và nuôi thủy sản vùng triều gắn với điều chỉnh kéo dài thời gian, tăng quy mô đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nước ngọt trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Thứ ba, phát triển nuôi trồng thủy sản hài hòa và có sự liên kết với các ngành khác như nông nghiệp để tận dụng các phụ phế phẩm, với công nghiệp chế biến để bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản, với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập, giới thiệu quảng bá các sản phẩm địa phương...
Thứ tư, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản, cho nhà sản xuất hàng thủy sản nội địa, tổ chức tham quan học hỏi các mô hình sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực thủy sản.
Thứ năm, thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp và tiêu dùng. Lựa chọn mặt hàng chiến lược, sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm thị trường dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước./.
Huyền Lê