Ngày 23 tháng 5 vừa qua, cử tri Việt Nam đã tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cho đến nay, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp. Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu khoảng 67.630.011/68.709.092 cử tri (98,43%). Nhiều tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, như: Hậu Giang 99,99%, Trà Vinh 99,98%, Lào Cai 99,98%, Vĩnh Long 99,97%, Bến Tre 99,97%, Hà Giang 99,96%,… Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra an toàn, việc bỏ phiếu được thực hiện công khai, phổ thông, dân chủ. Các tổ bầu cử đều kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng thời gian quy định.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Internet.
Nhìn chung, ngày bầu cử đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Cử tri cả nước nô nức, phấn khởi đến các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân. Một số nơi duy trì trang phục truyền thống tạo nên sắc màu của Ngày hội toàn dân. Nhiều cụ già, già làng, trưởng bản, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, đông đảo cử tri đi bầu cử sớm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Cuộc bầu cử thể hiện được sự dân chủ, đổi mới, đã thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Các cử tri đã lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuộc bầu cử là minh chứng cho sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân đúng như tinh thần xuyên suốt, bao trùm trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và vị trí trung tâm của Nhân dân đối với sự phát triển đất nước. Trong đó, sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân là cơ sở, nền tảng của sức mạnh, khát vọng phát triển của dân tộc ta trong thời đại mới. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” và “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: "Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng!".
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của quần chúng nhân dân, phải “lấy dân làm gốc”. Chính những sáng kiến của Nhân dân là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, thể hiện ý Đảng, lòng dân nên được toàn dân ủng hộ và thực hiện một cách sáng tạo đã giải phóng được tiềm năng, tài sức của nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm điểm “dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tố quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Hoạt động kiểm phiếu tại một Tổ bầu cử của huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam… Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”.
Như vậy, với thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấpnhiệm kỳ 2021-2026 đã tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh, động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các cơ quan truyền thông đã tích cực đưa tin về cuộc bầu cử. Tính đến 17 giờ ngày 23/5, tổng số tin bài về bầu cử được đăng tải trên báo chí là 8.611 (chiếm 31%) tổng số tin, bài trong ngày 23/5. Không chỉ báo chí trong nước đưa tin về bầu cử, nhiềucơ quan báo chí nước ngoài như BBC New tiếng Việt, Sputnik (Nga); Reuters (Anh); Tân Hoa Xã (Trung Quốc); Nikkei (Nhật Bản),… đã có nhiều tin bài về sự kiện này. Điều này khẳng định, cuộc bầu cử không chỉ là sự kiện chính trị sâu rộng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng quốc tế.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.27-28.
Quang Đặng