Những năm qua, tỉnh Bến Tre gặp khó khăn kép ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn kéo dài và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng chương trình OCOP vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 200 sản phẩm của 78 chủ thể được chứng nhận OCOP, trong đó 110 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao (có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình Trung ương xem xét công nhận). Các sản phẩm OCOP nổi tiếng như: bưởi da xanh, kẹo dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa..., trong đó sản phẩm kẹo dừa giòn không dính răng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến và kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng được đánh giá 4 sao... Dự án mô hình điểm “Mứt dừa hữu cơ huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre” đã giới thiệu được sản phẩm đến hệ thống siêu thị Nam An và sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Việt, đồng thời mở rộng liên kết sản xuất, gia tăng nguồn nguyên liệu sản xuất mứt dừa cho hợp tác xã, hoàn chỉnh thiết kế bộ phận nhận diện thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu tập thể (logo), mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của hợp tác xã; sản phẩm mứt dừa hữu cơ đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 5 sao cao cấp Trung ương.
Song song với phát triển Chương trình OCOP, tỉnh Bến Tre tập trung phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển với sự tham gia của nhiều hợp tác xã và tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác và 59 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực, cụ thể: Chuỗi dừa: Hình thành 32 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã; xây dựng vùng sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ 16.563,66ha, trong đó đạt chứng nhận là 9.736,83ha; Chuỗi bưởi da xanh: Hình thành 07 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã; toàn tỉnh có 330,98ha đạt chứng nhận VietGAP, cấp 186.000 tem truy xuất nguồn gốc; Chuỗi chôm chôm: Hình thàn 03 hợp tác xã với diện tích 32ha, cấp 25 vùng trồng với với diện tích 151,16ha, xây dựng 95.000 tem truy xuất nguồn gốc; Chuỗi sầu riêng: Hình thành 08 tổ hợp tác, 01 hợp tác xã với diện tích 130,98ha, hình thành 03 liên kết với 01 hợp tác xã, 07 tổ hợp tác với diện tích 113,45ha, trong đó có 127,58ha đạt chứng nhận VietGAP; Chuỗi con heo: Có 02 tổ hợp tác, 03 hợp tác xã với 184 hộ tham gia, với 12.000 con; Chuỗi con bò: Có 01 tổ hợp tác, 04 hợp tác xã tham gia liên kết với các công ty và hợp tác xã với 2.140 con, chiếm 0,7% tổng đàn bò trên cả tỉnh; Chuỗi tôm biển: Thành lập 01 hợp tác xã với 30 thành viên phát triển vùng sản xuất tập trung tại 03 huyện biển.2
Được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh nên bước đầu Chương trình OCOP và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã đạt những kết quả nhất định, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao; tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng đậm nét văn hóa bản địa của địa phương, góp phần phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống; giải quyết lao động, tạo ra việc làm ở khu vực nông thôn, thu hút nguồn vốn đầu tư về khu vực nông thôn, giúp xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực của tỉnh còn tập trung nhiều ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất thô, do vậy chưa tiếp cận được công nghệ và cải tiến mẫu mã sản phẩm, chất lượng, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có hiệu ứng lan tỏa; việc tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu về chương trình còn ít... Mặt khác, các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nên chưa tập trung kết nối lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ nâng chất và phát triển sản phẩm; số lượng sản phẩm đạt 4 sao và sự tham gia của tổ hợp tác, hợp tác xã trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa nhiều.
Khu triển lãm sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre trong khuôn khổ Chương trình kết nối cung cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành
(ảnh: nongnghiep.vn)
Để tiếp tục phát triển chương trình OCOP và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân về Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm và các văn bản mới liên quan do Trung ương và tỉnh ban hành; xây dựng và cập nhật thường xuyên các chuyên đề, chuyên mục trên Báo Đồng Khởi; Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre; Cổng thông tin điện tử nông thôn mới Bến Tre...
Thứ hai, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương; khuyến khích các phong trào thanh niên, phụ nữ, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương để tham gia Chương trình OCOP. Phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến nông nghiệp hữu cơ... nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Quan tâm phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối với các sản phẩm tiềm năng 5 sao, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, chú trọng các sản phẩm có sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, tổ chức đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định.
Thứ tư, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cho các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, sự kiện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, quan tâm phát triển các sản phẩm quy mô nhỏ nhưng tiềm năng phát triển tốt.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất đổi mới sản xuất; chú trọng chuyển đổi số. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm, mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc duy trì, phát triển sản phẩm đã được công nhận, nhất là sự tuân thủ về chất lượng sản phẩm.
Võ Thị Thúy Liễu - Trường Chính trị tỉnh Bến Tre