Những cách làm hiệu quả
Những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp luôn xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.
Công tác tuyên truyền được đổi mới cả nội dung lẫn hình thức; thông qua các buổi sinh hoạt hội viên, nông dân, trên website, bản tin các đoàn thể và truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi, hội thi ở cơ sở. Trong 5 năm (2017 – 2022), các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương lồng ghép, tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, phổ biến 15.118 buổi cho 739.286 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Qua đó, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng sâu sắc hơn; từ đó tích cực, chủ động tham gia phong trào.
Các cấp Hội đã phát huy tốt chương trình tạo vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Bình Thuận, nhận uỷ thác từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ, làm cầu nối cho nông dân được tiếp cận nguồn vốn nhanh, phù hợp, kịp thời đầu tư sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, các Hội, đoàn thể và nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành nhiều tổ tương trợ giúp nhau về vốn với mức lãi thấp hoặc không tính lãi. Điển hình là huyện Tánh Linh thành lập Quỹ tương trợ ở 13 xã, thị trấn với tổng số vốn hơn 3,6 tỷ đồng; Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc huy động thành lập 50 tổ tương trợ với tổng số vốn trên 650 triệu đồng, đã giúp cho nhiều hộ vay mua phân bón, đầu tư sản xuất kịp thời vụ. Nhiều hộ nông dân nhờ nguồn vốn vay đã phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Cùng với việc tạo điều kiện vay vốn, các cấp Hội đặc biệt chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình hiệu sản xuất hiệu quả. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề... đã tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hội đã phối hợp với các ngành liên quan mở 3.959 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 223.611 lượt nông dân, tổ chức trên 100 hội thảo với hơn 7.500 lượt nông dân tham dự. Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức 60 lớp dạy nghề ngắn hạn như chăn nuôi gia cầm, trồng và chăm sóc thanh long, cây cảnh, thuyền trưởng, máy trưởng... cho 1.843 học viên.
Nông dân cắt thanh long chín tại vườn ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
(Ảnh: internet)
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ khí trong và ngoài tỉnh đã đồng hành cùng Hội, cùng nông dân với phương thức cung ứng vật tư linh hoạt, hỗ trợ lãi suất, bán trả chậm đã giúp nông dân có nhiều cơ hội đầu tư. Điển hình là Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã phối hợp với Hội Nông dân xây dựng 3 mô hình khảo nghiệm đèn led chiếu sáng trong khai thác thuỷ sản/3 tàu, trị giá 760 triệu đồng (công ty hỗ trợ 50%); hỗ trợ 100% chi phí triển khai 33 mô hình đèn chong thanh long trị giá trên 200 triệu đồng. Đến nay, nông dân tỉnh Bình Thuận đã sử dụng gần 8,5 triệu bóng đèn led, trong đó, công ty cung ứng có hỗ trợ giá, góp phần tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí cho nông dân hơn 1.600 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân còn phối hợp với Công ty Enzyma triển khai thực hiện 9 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trên cây thanh long, chăn nuôi heo và nuôi tôm thương phẩm, đem lại hiệu quả cao.
Thành quả của phong trào thi đua
Với những cách làm hiệu quả, trong giai đoạn 2017 – 2022, tỉnh Bình Thuận có 55.459 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 242 hộ đạt cấp Trung ương, 2.061 hộ đạt cấp tỉnh, 7.210 hộ đạt cấp huyện và 45.946 đạt cấp cơ sở. Xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội, từ đó nâng cao lòng tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức Hội. Toàn tỉnh có 358 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 3.703 hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, trên 6.500 hộ thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm và trên 14.000 hộ thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Trang trại trồng nho công nghệ cao tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
(Ảnh: internet)
Phong trào có sức lan toả sâu rộng, xuất hiện nhiều tấm gương nông dân cần cù, chịu khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản; chế biến, dịch vụ. Phong trào đã tạo động lực phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình kinh tế hợp tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nếp sống văn hoá ở nông thôn, tích cực tham gia các phong trào yêu nước khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Phát huy kết quả phong trào thi đua hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững
Để phát huy hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của đông đảo hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy khát vọng vươn lên khá giả, quyết tâm vượt khó, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Chú trọng giới thiệu, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả; nêu gương cá nhân, tập thể điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, những tấm gương vượt khó vươn lên để lan toả sâu rộng phong trào.
Trang trại trồng dâu tây công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)
(Ảnh: internet)
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; đặc biệt là tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân, các hợp tác xã. Vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Ba là, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền địa phương, với Đảng, Nhà nước để xây dựng chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...
Xuân Thuận