Vùng đất giàu tiềm năng phát triển các ngành kinh tế biển
Bình Thuận có nhiều bãi biển sạch đẹp, có những rạn san hô được đánh giá là tốt nhất cả nước với hơn 225 loài, khí hậu, thời tiết nắng ấm quanh năm, cảnh quan tự nhiên thơ mộng, thích hợp phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch biển như: bơi, lặn; nghiên cứu các hệ động, thực vật dưới biển; du lịch thể thao giải trí, du lịch mạo hiểm trên biển. Hiện nay, 80% các khu nghỉ dưỡng ven biển của nước ta tập trung tại Mũi Né (Bình Thuận).
Giai đoạn 2019 - 2021, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng trưởng ổn định, bình quân 11,2%/năm. Doanh thu từ du lịch có mức tăng trưởng khá, bình quân 18,7%/năm. Bình quân công suất sử dụng phòng lưu trú đạt từ 60-70%.
Nằm trên tuyến hàng hải nội địa và quốc tế, Bình Thuận chú trọng phát triển hệ thống cảng biển như Cảng quốc tế Vĩnh Tân phục vụ trực tiếp trung tâm điện lực Vĩnh Tân và một phần hàng hóa khu vực Tây Nguyên với cỡ tàu lên đến hàng chục ngàn tấn; Cảng Phan Thiết, Phú Quý tiếp nhận tàu khách, tàu hàng trọng tải lên đến hàng ngàn tấn; ngoài khơi còn có các cảng dầu khí phục vụ hoạt động khai thác mỏ. Đồng thời, Bình Thuận đã xây dựng một số khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão tại Vĩnh Tân, Kê Gà, Phan Thiết, Phú Quý...
Cảng biển Vĩnh Tân, Bình Thuận
(Ảnh: internet)
Dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh Bình Thuận, với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn như Rạng Đông, Ru Bi, Sư tử Đen cách đất liền khoảng 60 km. Bình Thuận đang được đầu tư để trở thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu. Khoáng sản ven biển tỉnh Bình Thuận khá phong phú, dự báo tổng trữ lượng và tài nguyên khoảng 600 triệu tấn, chiếm khoảng 90% tổng trữ lượng và tài nguyên titan quốc gia.
Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển từng bước được đầu tư với 2 dự án nghiền bột zircon với tổng công suất 15 nghìn tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24 nghìn tấn/năm, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh. Sản lượng muối hạt được khai thác bình quân hằng năm khoảng 75 ngàn tấn.
Lĩnh vực kinh tế thuỷ hải sản phát triển ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng năm 2021 đạt 2.869,9 ha với sản lượng nuôi trồng đạt 12.191,5 tấn. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 7.545 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.965 chiếc, trong đó có 179 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ; công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh đạt 151,12CV/chiếc.
Bình Thuận hiện có 231 cơ sở sơ chế, chế biến hải sản được xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu ủy thác sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, sản phẩm thủy sản tiếp tục xuất khẩu đến khắp các Châu lục trên thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, Halal, ISO 22000:2005...
Bình Thuận hiện có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW. Riêng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW. Ngoài ra, 07 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất đề xuất khoảng 18.800 MW cũng đã được đăng ký khảo sát.
Bình Thuận còn có 28 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.647 MWp (tương đương 1.312 MW); đến nay đã có 22 dự án vận hành, phát điện, với tổng công suất 1.183,5 MWp (tương đương 940,3 MW), sản lượng điện thiết kế 1,8 tỷ kWh/năm. Trong năm 2021, có thêm 04 dự án nhà máy điện mặt trời phát điện với tổng công suất 163,2 MWp (tương đương 131,6MW), sản lượng điện thiết kế 261 triệu kWh/năm, tổng kinh phí đầu tư 4.079 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới như điện sóng biển, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển (dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển)... cũng đang dần được quan tâm đầu tư tại Bình Thuận.
Để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế kinh tế biển
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần tập trung một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Cụ thể là:
Thứ nhất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo các ban, sở, ngành thống nhất thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện và đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, bảo đảm phù hợp với các văn bản cấp trên.
Thứ hai, thực hiện tốt việc tuyên truyền luật biển cho ngư dân, vận động ngư dân và nhân dân trên đảo, vùng ven biển thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển.
Thứ ba, rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện và những tác động của dự án lấn biển đối với tình hình kinh tế - xã hội và môi trường trong hiện tại cũng như những dự báo ở tương lai để có những biện pháp khắc phục tốt nhất, giảm thiểu rủi ro cho quá trình phát triển.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Thành lập đội kiểm tra, giám sát chuyên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế.
Thứ năm, tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ phụ trách tuyên truyền, quản lý khu vực biển, ứng phó sự cố tràn dầu. Hỗ trợ công tác chuyên môn, kinh phí hoặc thực hiện thí điểm tại địa phương các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vùng bờ, nhất là trong các vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu, quan trắc tổng hợp, cập nhật kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu.
Thuỳ Trang