Với tư cách một nhà khoa học, những cống hiến lý luận mang ý nghĩa và giá trị vạch thời đại, góp phần định hướng cho sự phát triển của lịch sử nhân loại, làm cho C.Mác trở thành một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc của lịch sử nhân loại. Năm 1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ thứ hai, kết quả là C.Mác đứng đầu, A.Anhxtanh - nhà khoa học lớn, đứng thứ hai[1].
Với tư cách là một nhà cách mạng kiên định, một lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản - giai cấp công nhân toàn thế giới, C.Mác đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những vĩ nhân nổi trội nhất trong hàng ngũ những vĩ nhân ở mọi thời đại. Hơn hết, là một con người, C.Mác là biểu tượng của mọi giá trị tốt đẹp mà nhân loại hướng tới, một mẫu mực về nghị lực phi thường và lòng yêu thương con người vô hạn.
Các Mác (1818-1883)
Chủ nghĩa Mác ra đời gắn với hai phát minh vĩ đại của C.Mác là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư. Chủ nghĩa ấy hướng đến sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự nô dịch, áp bức bóc lột, sự hạn chế trong các quan hệ xã hội và phát triển toàn diện con người, để “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[2].
Chủ nghĩa ấy chủ trương thực hiện “bước nhảy của nhân loại từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do"[3], từ việc nhận thức đúng các quy luật tất yếu của tự nhiên và xã hội để hành động đến khả năngchi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, tạo ra sự phát triển phù hợp, hài hòa, không hạn chế trong chính thế giới ấy.
Chủ nghĩa Mác không chỉ là học thuyết khoa học, cách mạng mang lại sự nhận thức sâu sắc cái tất yếu của thế giới vật chất và lịch sử xã hội loài người, mà chủ nghĩa ấy còn chỉ ra cách thức, con đường, phương pháp đúng đắn, hiệu quả để con người hành động, để tự quyết định được bản thân mình và xã hội thông qua hoạt động thực tiễn.
Sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức và cải tạo thế giới.
V.I.Lênin đã khẳng định: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra… Chủ nghĩa Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[4].
Khi nói về giá trị, tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác, V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý luận đó về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng. Bất cứ những quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác những cơ sở khoa học cho lời giải đáp.
Đối với giai cấp công nhân, V.I.Lênin đã quả quyết khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”[5].
“Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”[6].
Từ khi ra đời và thâm nhập vào phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác đã chứng tỏ vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển nhận thức, tinh thần và hiện thực của xã hội loài người, trước hết là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Với lòng thương yêu con người vô hạn, C.Mác đã cống hiến cả cuộc đời cho sự tiến bộ của nhân loại. Ngay từ tháng 8 năm 1835, trong bài luận văn thi tốt nghiệp trường trung học với tựa đề Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề, C.Mác đã viết: “Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể trở thành con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại. Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người”[7].
Những đức tính và phẩm chất ấy ở C.Mác đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên học thuyết nhân đạo vĩ đại mang tên Người. Trong Điếu văn đọc trước mộ C.Mác, Ph.Ăngghen viết: “Mác có thể còn có nhiều kẻ đối địch, nhưng chưa chắc đã có một kẻ thù riêng nào”[8].
Trong thế kỷ XX, trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác, lịch sử nhân loại đã có sự thay đổi căn bản trong sự phát triển của mình. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga có ý nghĩa to lớn không chỉ góp phần chấm dứt chế độ người áp bức bóc lột người mà còn minh chứng cho tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Qua đó, chủ nghĩa Mác còn chỉ ra quy luật cho sự tiêu vong của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử nhân loại ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn lao, nhưng chủ nghĩa Mác vẫn chứng tỏ được sức sống của nó. Bất cứ những quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác những cơ sở khoa học cho lời giải đáp. “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít"[9].
Vì thế, những nhà khoa học, nhà tư tưởng và nhân loại của thế kỷ XXI vẫn coi chủ nghĩa Mác sống mãi và trường tồn với thời gian.
Trong cuốn Thế giới phẳng (2005), Thomas L.Friedman phải thừa nhận rằng, ông cảm thấy giật mình khi tư tưởng về thế giới phẳng được mô tả trong thế kỷ XXI thực ra đã được C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra lần đầu tiên trong cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1848.
Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăngghen.
Thomas L.Friedman viết: “Quả thực, giờ đọc lại Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tôi kinh ngạc trước sự mô tả chi tiết và sâu sắc của C.Mác về các nhân tố làm phẳng thế giới vào thời kỳ hưng thịnh của Cách mạng công nghiệp, cũng như khả năng dự đoán siêu phàm của ông về việc các lực lượng này tiếp tục làm phẳng thế giới cho đến tận ngày nay”[10].
Từ khi C.Mác còn sống đến nay vẫn có không ít những tư tưởng, quan điểm phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa Mác. Những điều đó không làm cho chủ nghĩa Mác bị lãng quên.
Trong Điếu văn đọc trước mộ C.Mác, Ph.Ăngghen viết: “Không có ai có thể đấu tranh cho một sự nghiệp nào đó mà lại không có kẻ thù của mình. Và Mác cũng có nhiều kẻ thù. Trong cả một phần lớn quãng đời hoạt động chính trị của mình, ở châu Âu, Mác là người bị căm thù và bị vu khống nhiều nhất. Nhưng ông hầu như không để ý đến những điều vu khống. Nếu như trên trái đất này có một người nào đó thắng được những lời vu khống thì người đó chính là ông và đến cuối đời, ông có thể tự hào khi nhìn thấy hàng triệu người kế tục mình ở trong các hầm mỏ Xi-bia và ở trong các xưởng thợ ở châu Âu, châu Mỹ; ông thấy rằng học thuyết kinh tế của mình đã được thừa nhận như là những nguyên lý chắc chắn của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”[11].
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của C. Mác đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại, đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Tên tuổi và sự nghiệp của ông đời đời sống mãi”[12].
[1]vi.wikipedia.org › wiki › Karl_Marx
[2]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tập 4, tr. 628.
[3]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tập 20, tr.393.
[4]V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Matxcơva, 1980, tập 23, tr.49-50.
[5]V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd, tr.57-58.
[6]V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tr.1.
[7]Theo: Nguyễn Bá Dương: Cội nguồn và sứ mệnh của học thuyết Mác, Nxb LLCT, H.2008, tr.56
[8]C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 19, tr. 498.
[9]V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Matxcơva, 1980, tập 1, tr.421.
[10]Thomas L.Friedman, Thế giới phẳng, Nxb. Trẻ,Tp.HCM, 2006, tr.350.
[11]C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 19, tr.497- 498.
[12]C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, tr. 502.
Quang Đặng