Những kết quả đáng mừng
Những năm qua, kinh tế vùng ĐBSCL tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2004-2020 đạt bình quân khoảng 8,68%; quy mô GRDP của toàn vùng năm 2020 đạt 596 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 4 so với các vùng trong cả nước, đóng góp 11,95% vào tổng GDP của cả nước. Cơ cấu chuyển dịch khá tích cận, tiệm cận dần với cơ cấu kinh tế của cả nước[i]. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 1,2 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên 3,7 triệu đồng/ngày/tháng vào năm 2021[ii].
Khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ có thu nhập cao nhất và thấp nhất ở ĐBSCL có xu hướng giảm, năm 2010 là 7,4 lần, năm 2020 là 7 lần[iii] và năm 2021 còn 6,5 lần[iv]. Hệ số Gini của vùng từ 0,405 năm 2016 giảm xuống còn 0,37 năm 2020[v] và 0,35 năm 2021[vi]. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 8,6% xuống còn 3,75%.
Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long
(Ảnh: internet)
Gần đây, mặc dù kinh tế - xã hội ở ĐBSCL chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 nhưng những kết quả về tăng trưởng kinh tế, các chỉ số phát triển xã hội như bất bình đẳng thu nhập, khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ hộ nghèo... đã có những thay đổi tích cực. Điều này cho thấy, hệ thống chính trị các cấp ở ĐBSCL đã thể hiện quyết tâm cao thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
Và một số trở lực
Hiện nay, ĐBSCL đang đối diện với tình trạng già hóa dân số nhanh[vii]. Biến đổi cơ cấu xã hội nghề nghiệp chậm và thiếu ổn định ở một số đặc trưng như trình độ chuyên môn, vị thế việc làm và loại hình kinh tế[viii]. Tỷ suất di cư thuần của toàn vùng chiếm 12,5‰, cao nhất cả nước.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm tập trung ở khu vực nông thôn. Năm 2019, lao động nông thôn thiếu việc làm chiếm 3,22%, tỷ lệ này ở thành thị là 1,51%. Năm 2021, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn tăng lên 4,51% và ở thành thị là 3,78%[ix].
Công tác giảm nghèo chưa bền vững và thiếu đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn tập trung nhiều ở nhóm đồng bào Khmer và một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Trà Vinh (6,55%), Bạc Liêu (5,81%), Cà Mau (5,22%) vào năm 2021[x].
Số vụ ly hôn trong toàn vùng cao nhất cả nước với 6.548 vụ, chiếm tỷ lệ 29,6% so với cả nước, tức là gần 1/3 số vụ ly hôn trên cả nước xảy ra ở ĐBSCL. Khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị còn khá lớn, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và tỷ lệ các cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ của các địa phương trong khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-TW[xi].
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, hệ thống chính trị các cấp ở ĐBSCL cần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động ở ĐBSCL thông qua đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng lao động theo hướng gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nhằm thu hút đầu tư và tạo nhiều việc làm bền vững cho lực lượng lao động của vùng, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động ở vùng biên giới Tây Nam.
Tiếp tục rà soát tính hiệu quả của các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính sách xã hội gắn với đặc điểm, điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa của người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục xã hội hóa hoạt động an sinh xã hội nhằm làm tăng mạng lưới an sinh; Tiếp tục mở rộng đối tượng an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm đồng bào Khmer của các tỉnh ở biên giới Tây Nam.
Tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo; trong đó, chú trọng vào các chính sách hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người nghèo nói chung, hộ nghèo dân tộc Khmer nói riêng. Chú trọng các biện pháp nâng cao vốn con người và vốn xã hội của hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người Khmer, hộ nghèo ở nông thôn và vùng biên giới Tây Nam.
Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành về xu hướng già hóa dân số để có thể xây dựng và thực thi các chương trình thích ứng vấn đề già hoá dân số một cách có hiệu quả, đặc biệt là các địa phương có chỉ số già hóa cao như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang.
Coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền và vận động xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần làm chậm lại sự già hóa và nâng cao chất lượng sức khỏe của người cao tuổi ở ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương có chỉ số già hóa cao. Tạo việc làm phù hợp với sức khỏe của để tăng thu nhập cho người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi ở nông thôn.
Tăng cường công tác thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giới để thay đổi hành vi ứng xử một cách công bằng giới trong đội ngũ cán bộ và người dân. Lồng ghép giới vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở ĐBSCL; Có chế tài mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
[i] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022): Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 128-KL/TW, ngày 14/8/2021 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020.
[ii] Theo Tổng Cục Thống kê (2022)..
[iii] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Sđd, trang 16
[iv] Theo Tổng Cục Thống kê (2022).
[v] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Sđd, trang 16
[vi] Theo Tổng Cục Thống kê (2022).
[vii] Phan Thuận, Vũ Thị Thu Hiền (2020): Thực trạng già hóa dân số và tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế ở ĐBSCL, Tạp chí nghiên cứu chính sách và quản lý, số 3.
[viii] Phan Thuận (2019): Biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp ở ĐBSCL, Tạp chí lý luận chính trị, số 2.
[ix] Theo Tổng Cục Thống kê (2022).
[x] Theo Tổng Cục Thống kê (2022).
[xi] Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh (An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long): Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thuận Phan