Trở lại với thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 lan nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, công văn của các bộ ngành, chính quyền các tỉnh thành, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh,… đã ban hành văn bản quán triệt các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tạm ngừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền và nguyên tắc phòng dịch của ngành y tế; khuyến khích tín đồ sinh hoạt tôn giáo tại gia đình và tham gia nghi lễ tôn giáo qua internet.
Thực hiện nghiêm túc các văn bản của Nhà nước và Giáo hội, hầu hết các hoạt động tôn giáo tập trung đông người trong các năm 2020-2021 đều tạm ngưng, chuyển sang hình thức truyền hình trực tuyến trên các kênh truyền thông của các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo còn quyên hiến tiền bạc cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19, nhu yếu phẩm để ủng hộ đồng bào vùng dịch, đặc biệt là xung phong trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch.
Từ ngày 22/7 đến ngày 21/10/2022, đã có 10 đợt xuất quân với 679 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong “làn sóng thứ nhất” của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta vào đầu năm 2020, các tổ chức và cá nhân tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị khác. Ở các làn sóng dịch bệnh sau đó, các tổ chức và cá nhân tôn giáo tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng chính quyền và nhân dân phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là trong “làn sóng thứ tư” ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ từ giữa năm 2021. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ 3 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam ủng hộ 3.000 bộ kít xét nghiệm Covid-19 trị giá 735 triệu đồng cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) ủng hộ 50 máy cung cấp oxy cho 3 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,…
Không dừng lại ở việc tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch khi tiến hành hoạt động tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo trong mùa dịch, nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, nhất là những người có chuyên môn ngành y, đã tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 22/7/2021, 299 tình nguyện viên là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành trên địa bàn Thành phố được tuyển chọn tham gia các hoạt động tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch. Sau khi tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế trong môi trường có bệnh nhân mắc Covid-19, họ được điều động tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, hồi sức Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tham gia của các tình nguyện viên tôn giáo ngoài chức năng y tế còn góp phần hỗ trợ tinh thần, giúp các bệnh nhân ổn định tâm lý, vững tin vào cuộc sống, hỗ trợ các bệnh nhân chiến thắng Covid-19.
Tại phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội ngày 25/7/2021, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đã phát biểu: “Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, Phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch”. Phát biểu của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tuy chỉ đề cập riêng Phật giáo, nhưng chắc chắn là điểm chung của nhiều tôn giáo khác trong phòng chống đại dịch Covid-19 ở nước ta thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, đi ngược với xu thế chung, một bộ phận nhỏ chức sắc, nhà tu hành cố tình tổ chức các hoạt động tôn giáo với sự tham dự của đông đảo tín đồ mà không thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, phớt lờ những quy định, hướng dẫn, thông báo của Nhà nước và Giáo hội, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí trực tiếp gây lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Đó là việc 8 vị linh mục trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) hành lễ với sự tham gia của đông đảo giáo dân trong tháng 4/2020; vụ Linh mục Nguyễn Đình Thục chủ trì tổ chức Lễ dâng hoa Đức Mẹ tại nhà thờ Giáo xứ Lộc Mỹ (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) với sự tham gia của hàng trăm giáo dân vào tối 29/5/2021; vụ Linh mục Bùi Khiêm Cường tổ chức Lễ dâng hoa Đức Mẹ tại nhà thờ Giáo xứ Kẻ Đọng (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) với hàng nghìn giáo dân tham dự vào tối 31/5/2021; vụ Linh mục Phạm Thế Hưng tổ chức lễ chúa nhật tại nhà thờ Giáo xứ Dũ Thành (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) với sự tham gia của hàng trăm giáo dân vào tối 6/6/2021.
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TP.Hồ Chí Minh.
Các hoạt động tôn giáo nêu trên thu hút đông đảo tín đồ Công giáo tham dự, trong đó nhiều người không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19. Ở mức độ cao hơn, hoạt động tôn giáo của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng trong tháng 5/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lây lan dịch bệnh ở phạm vi khá rộng lớn. Tuy mức độ chưa thể sánh bằng những “quả bom Covid-19” trên thế giới như sự kiện nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa tại thành phố Daegu ở Hàn Quốc, nhà thờ Christian Open Door tại nước Pháp, nhưng hoạt động tôn giáo của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đã gây hậu quả khá nghiêm trọng, với hơn 230 F0, hơn 2.500 F1 và F2, hơn 61.000 người nguy cơ lây nhiễm cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đắk Lắk,...
Trước những hoạt động tôn giáo không tuân thủ các quy định của pháp luật nêu trên, tháng 4/2020, chính quyền các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã xử phạt hành chính đối với 7 linh mục, nhắc nhở 1 linh mục về hành vi tổ chức hành lễ với sự tham gia của đông giáo dân, bất chấp các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Tương tự, trong tháng 6/2021, Ủy ban nhân dân các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã xử phạt hành chính đối với Linh mục Bùi Khiêm Cường và Linh mục Phạm Thế Hưng về hành vi không thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Với mức độ nghiêm trọng hơn, Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” để điều tra vụ án.
Việc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, kiên quyết xử lý các vi phạm cho thấy tất cả người dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không cho phép những cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đứng trên pháp luật.
Lê Gia Hân