Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hoàn toàn không phải là “sự ăn may”, “ngẫu nhiên thành công” như một số ý kiến sai trái, thù địch nêu lên mà là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, đấu tranh gian khổ, của sự phân tích tình hình, dự đoán chiến lược đúng đắn và kịp thời hành động khi thời cơ khởi nghĩa xuất hiện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Một học giả nước ngoài đã bình luận về vai trò của Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945: “Những đánh giá như vậy (với xu hướng hạ thấp ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945) không thể che giấu sự thật rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám là một thành tựu phi thường… Trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại Nam Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi”[1].
1. Để chủ động tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng vấn đề xây dựng thực lực cách mạng. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, dự báo sự phát triển của chiến tranh thế giới lần thứ hai và cơ hội phát triển của cách mạng Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) nêu rõ: Ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn mà đánh bại quân thù, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một khởi nghĩa to lớn. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh dự báo: Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!.
Trong tình hình vô cùng khẩn trương sau khi nhận được thông tin Nhật chấp nhận đầu hàng Liên Xô và Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945) nhận định điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi, “cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập dân tộc đã tới”. Hội nghị quyết định phát động lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành lấy chính quyền từ trong tay phát xít Nhật, đứng ở tư thế người làm chủ đất nước để đón quân Đồng minh vào tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Hội nghị đề ra các nguyên tắc chỉ đạo tổng khởi nghĩa: tập trung lực lượng vào những việc chính; thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội.
2. Trong nửa cuối tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết, kịp thời chớp đúng thời cơ, chạy đua với thời gian lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa với ý chí dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”[2].
Nhận rõ nguy cơ, thách thức, Đảng ta và Hồ Chí Minh chủ trương giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, với tư thế người chủ đất nước để đón tiếp quân Đồng minh vào Đông Dương tước vũ khí quân đội Nhật, đồng thời đã có những kế sách khôn khéo để phân hóa hàng ngũ kẻ thù, vượt qua thách thức, sẵn sàng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc, Đại hội quốc dân Tân Trào được triệu tập (16-17/8/1945) đã cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam.
Để tạo cơ sở pháp lý và danh nghĩa chính thức, sau khi về đến Hà Nội, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà, công bố danh sách Chính phủ ngày 28/8/1945 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quyết định cử hành Lễ tuyên bố độc lập vào thời gian sớm nhất.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với vị thế và tư cách của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẵn sàng đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật như là một khách mời tạm thời. Chính quyền cách mạng đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tranh thủ sự công nhận của quốc tế, đề cao vị trí của Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tạo thế hợp pháp trong giao dịch với các lực lượng Đồng minh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự vùng dậy của cả một dân tộc với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, thể hiện tính chủ động giành thắng lợi của cách mạng ở một nước thuộc địa, không phụ thuộc vào việc cách mạng có nổ ra ở chính quốc hay không và cũng không trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Với quá trình xây dựng lực lượng cách mạng và sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong vòng hai tuần lễ của nửa cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu - một điển hình thành công của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật tạo thời cơ, nhận định chính xác thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ khởi nghĩa và vượt qua nguy cơ, thách thức, bảo vệ thành quả cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học quan trọng, trong đó có bài học về nắm vững thời cơ, chủ động đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức, bảo vệ thành quả cách mạng trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Để giành và giữ chính quyền non trẻ, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh bên trong, đề cao ý chí tự lực tự cường, độc lập, sáng tạo với tranh thủ tối đa những điều kiện, thời cơ thuận lợi do tình hình thế giới đem lại.
3. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “công trình khoa học” lớn nhất của Đảng và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Một trong những đặc điểm nổi bật và sáng tạo của Cách mạng Tháng Tám là nghệ thuật chủ động tạo thời cơ, nắm bắt và chớp đúng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ để lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam (kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I ngày 02-3-1946) nhấn mạnh: Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể Dân chủ Cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề hệ trọng, xuyên suốt mọi thời kỳ. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”, “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”[3]. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định: Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, bài học phân tích, dự báo tình hình, nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa trong quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, nêu cao tinh thần tự chủ, sáng tạo; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[1]W.Duiker, Hồ Chí Minh, Hyperion, Newyork, 2000, Bản dịch của Phòng phiên dịch, Bộ Ngoại giao Việt Nam, tr.332.
[2]Theo học giả người Mỹ Lady Borton, Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam nhận được thông tin sớm nhất về việc quân Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh qua radio; và Ông Hồ đã hành động rất kịp thời.
[3]Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.8, 14.
Lê Hoà