Thành lập tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng ở Bình Định
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ 1930 – 1945, tại Bình Định đã thành lập được các tổ chức Đảng. Đó là Chi bộ Nhà máy Đèn – Quy Nhơn, Chi bộ Đề Pô – Diêu Trì, Chi bộ Trường Quốc học – Quy Nhơn, Chi bộ Cửu Lợi – Hoài Nhơn, Chi bộ Trà Quang – Phù Mỹ, Chi bộ Vạn Đức – Hoài Ân, Chi bộ Hồng Lĩnh – An Nhơn.
Từ năm 1930, Bình Định đã thành lập được hai tổ chức Đảng cấp huyện ở Quy Nhơn và Hoài Nhơn; năm 1937, tỉnh ủy lâm thời Bình Định được thành lập và đến tháng 6/1945 được thành lập lại.
Giai đoạn 1930 -1945, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bình Định, tổ chức Mặt trận và các tổ chức quần chúng yêu nước của Bình Định đã được thành lập, đưa các tầng lớp nhân dân (công – nông làm nòng cốt) tham gia phong trào đấu tranh góp phần xây dựng và rèn luyện về tinh thần, bản lĩnh và phương pháp đấu tranh, chuẩn bị cho các cao trào cách mạng ở Bình Định.
Cùng với cả nước, qua cao trào cách mạng 1939 – 1945, đặc biệt là năm 1945, tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng nửa vũ trang và sắm sửa vũ khí để chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Theo tinh thần chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, giữa tháng 4/1945, tại Hoài Mỹ - Hoài Nhơn, Uỷ ban vận động cứu quốc tỉnh gồm các đồng chí Ngô Đức Đệ, Trần Quang Khanh, Đình Trung... được thành lập. Tiếp đó, Uỷ ban vận động cứu quốc huyện và tổng thành lập ở nhiều địa phương. Cùng khoảng thời gian đó, cuối tháng 5/1945, ở Bình Khê, Uỷ ban vận động Việt Minh do đồng chí Võ Xán làm Bí thư được thành lập.
Cả hai hệ thống tổ chức cách mạng của Bình Định song song tồn tại và đều tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng và Việt Minh cấp trên, đồng thời tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng tự vệ cứu quốc, chuẩn bị những điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền.
Khởi nghĩa giành chính quyền
Tối ngày 13/8/1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng trên cơ sở nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, căn cứ tinh thần Chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và tình hình cụ thể của địa phương, Uỷ ban vận động Việt Minh họp khẩn cấp tại ga Quy Nhơn do đồng chí Võ Xán chủ trì. Hội nghị nhận định, tình thế cách mạng đã xuất hiện song việc chuẩn bị chưa chu đáo nên phải nhanh chóng tập hợp lực lượng, cử người gặp Uỷ ban vận động cứu quốc tỉnh bàn kế hoạch phối hợp, điều tra nắm chắc tình hình, thái độ của địch và đã quyết định tiến hành vũ trang khởi nghĩa trước khi quân Đồng minh kéo vào giải giáp quân Nhật bại trận. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Võ Xán lãnh đạo và xây dựng Đội tự vệ cứu quốc.
Ngày 18/8/1945, Hội nghị Uỷ ban vận động cứu quốc tỉnh được triệu tập tại An Sơn (Hoài Nhơn) nhận định: Quần chúng và cán bộ, đảng viên có quyết tâm, song phong trào so với các nơi khác còn yếu, lệnh khởi nghĩa của Trung ương chưa nhận được, phải thận trọng và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh.
Ngày 23/8/1945, nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi, Ủy ban vận động Việt Minh huy động trên 10.000 quần chúng và lực lượng tự vệ cứu quốc chiếm thành phố Quy Nhơn, lật đổ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh với tên gọi Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ do đồng chí Võ Xán làm chủ tịch, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa vũ trang toàn tỉnh Bình Định.
Ngày 24/8/1945, huyện Phù Mỹ khởi nghĩa giành chính quyền thành công; ngày 26/8/1945, huyện Hoài Ân và ngày 27/8/1945, huyện Hoài Nhơn giành chính quyền thành công... Ngày 31/8/1945, Hội nghị liên tịch giữa đại biểu Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh và Ủy ban vận động Việt Minh quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh toàn tỉnh và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mới tỉnh Bình Định (ngày 03/9/1945).
Thành phố Quy Nhơn, Bình Định hôm nay
(Ảnh: internet)
Góp phần tạo thành cơn bão táp cách mạng cả nước
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định là do đường lối đúng đắn của Đảng; đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của Bình Định thể hiện ở khả năng nhận thức đúng, kịp thời về thời cơ cách mạng ở địa phương. Tại Bình Định, quân Nhật tuy đông, trang bị vũ khí đầy đủ nhưng trong tình thế bại trận chung, chính quyền thân Nhật hoang mang, dao động. Trong khi đó, nhân dân yêu nước Bình Định đang sôi sục khí thế cách mạng, chỉ chờ lệnh Việt Minh là “xông lên như nước vỡ bờ”.
Việc phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23/8/1945 là quyết định đúng đắn, táo bạo. Quyết định ấy đã kết hợp một cách tài tình giữa ý chí và hành động quyết liệt của quần chúng nhân dân toàn tỉnh với quyết tâm và sự chỉ đạo sắc sảo của Đảng bộ và tổ chức Việt Minh tỉnh Bình Định.
Phong trào cách mạng Bình Định là bộ phận của cách mạng Việt Nam, thắng lợi của cách mạng tháng Tám tại đây đã góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng là đi từ khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi trong từng địa phương mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.
Văn Minh