Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của Cần Thơ
Kinh tế ban đêm là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17 giờ chiều hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Kinh tế ban đêm có điều kiện phát triển ở những địa phương có thế mạnh về du lịch.
Cần Thơ là thành phố có tiềm năng về phát triển kinh tế ban đêm vì trước hết, đây là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ, có sân bay quốc tế, khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long thường ở lại Cần Thơ để tham quan Thành phố. Cần Thơ có hệ thống các di sản văn hoá đặc sắc tập trung nhiều ở các quận trung tâm có đông đúc dân cư như Ninh Kiều, Bình Thuỷ. Hệ thống sông, hồ giữa lòng Thành phố có thể làm các đường bờ kè để đi bộ quanh sông, hồ hoặc phát triển các nhà hàng ven sông, trên sông.
Thời gian qua, Thành phố đã có một số địa điểm phát triển kinh tế ban đêm như du thuyền trên bến Ninh Kiều, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Tây Đô, chợ đêm Trần Phú, chợ đêm ẩm thực Cần Thơ, có các tuyến đường kinh doanh thời trang, hoạt động karaoke, hệ thống các nhà hàng chuyên nghiệp cung cấp các món ăn đặc trưng của vùng sông nước... Đó là những tiềm năng, lợi thế để thành phố phát triển kinh tế ban đêm.
Chợ Cần Thơ về đêm
(Ảnh: internet)
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế về đêm của thành phố chủ yếu là các dịch vụ ăn uống, giải trí, kinh doanh. Các hoạt động, sự kiện văn hoá về đêm chưa có nhiều, chưa quy hoạch khu riêng biệt tổ hợp các hoạt động về đêm. Vì thế, mặc dù lượng du khách tham quan Cần Thơ khá đông (riêng năm 2019 đón 8,8 triệu lượt du khách) nhưng mức độ tiêu tiền của du khách thấp, số lượng khách lưu trú tại Cần Thơ bình quân là 1,5 ngày.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Cần Thơ đón 9 triệu lượt du khách, chi tiêu bình quân của du khách quốc tế tại Cần Thơ là 250USD/người, số ngày lưu trú bình quân của du khách là 2 ngày thì cần tập trung phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế khác như bán lẻ, vận tải, dịch vụ, các ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Vì vậy, kinh tế ban đêm được coi là “mỏ vàng” chưa khai thác hết của ngành du lịch Việt Nam.
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó Cần Thơ là một trong mười địa phương được thí điểm phát triển kinh tế ban đêm. Cuối tháng 4/2022, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)". Việc ban hành quyết định này là cơ sở quan trọng để thúc đẩy kinh tế ban đêm của Thành phố.
Để phát triển kinh tế ban đêm ở Cần Thơ thời gian tới
Một là, tập trung phát triển các tuyến đi bộ về đêm cũng như cung cấp các dịch vụ văn hoá, ẩm thực, vui chơi, giải trí cho du khách trên các tuyến đi bộ này. Cần Thơ vẫn chưa có nhiều khu phát triển kinh tế đêm tập trung mà rải rác ở các tuyến phố.
Ngày 30/4/2022, Cần Thơ đã đưa tuyến phố đi bộ xung quanh công viên Ninh Kiều vào hoạt động. Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều có 3 khu vực hoạt động với các hoạt động đa dạng. Khu vực 1 gồm các gian hàng mua sắm, ẩm thực, biểu diễn đờn ca tài tử. Khu vực 2 có các hoạt động truyền thống. Khu vực 3 là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, trò chơi dân gian, ảo thuật... Xuyên suốt các tuyến đi bộ sẽ có chương trình biểu diễn nhạc cụ từ truyền thống đến hiện đại. Kết quả hoạt động của tuyến phố này là cơ sở để thành phố rút kinh nghiệm xây dựng các tuyến đi bộ mới trong tương lai.
Bến Ninh Kiều rực rỡ trong đêm
(Ảnh: internet)
Hai là, khai thác chiều sâu văn hoá của các hoạt động kinh tế ban đêm. Đẩy mạnh hơn nữa các sự kiện và các hoạt động văn hoá về đêm. Các hoạt động mua sắm, ăn uống ban đêm bên cạnh những mặt hàng đa dạng, hiện đại, món ăn Âu – Mỹ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và du khách, các chợ đêm, khu ăn uống cần đầu tư có chiều sâu vào các sản phẩm mang đặc trưng văn hoá của vùng sông nước Tây Nam Bộ, Cần Thơ.
Khu mua sắm nên đưa nhiều các sản phẩm OCOP của địa phương, các loại nông sản của vùng. Thành phố cần xác định những món ăn mang tính đặc trưng của vùng, của các dân tộc sinh sống trong vùng để đầu tư và khuyến khích các nhà hàng cung cấp, giới thiệu với du khách.
Ngoài ra, có thể mở thêm một số dịch vụ khác như khu chăm sóc sức khoẻ (massage, xông hơi, tắm lá thuốc...). Tận dụng vị trí và đặc điểm của đô thị sông nước để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá để du khách tham gia như các lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, thời trang, liên hoan phim, lễ hội festival ẩm thực, lễ hội bánh dân gian, thả đèn trời, đèn hoa đăng trên sông, dịch vụ ngắm bình minh trên sông Hậu...
Trên các tuyến phố đi bộ, có thể tiến hành các hoạt động triển lãm sách, tranh ảnh... theo chủ đề. Các hoạt động văn hoá cần tạo điều kiện để du khách có thể tham gia, tăng sự tương tác của du khách, tránh trường hợp du khách chỉ đứng ngoài quan sát. Đồng thời, một số di tích lịch sử - văn hoá ở trung tâm thành phố, gần các khu kinh tế ban đêm cần mở cửa đón khách cả vào ban đêm chứ không chỉ ban ngày.
Ba là, bên cạnh việc đổi mới, nâng cấp các cơ sở phát triển kinh tế ban đêm hiện có, khuyến khích các cơ sở đang cung cấp dịch vụ ban ngày mở rộng phát triển cung cấp dịch vụ vào ban đêm, thành phố Cần Thơ cần quy hoạch và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển các khu phát triển kinh tế đêm tập trung để đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân. Ví dụ như khu vực từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi; khu vực kè rạch Khai Luông từ cầu đi bộ đến nhà lồng 3 - Trung tâm Thương mại Cái Khế; khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ...
Với những bước đi ban đầu nhằm tập trung phát triển kinh tế ban đêm, chắc chắn Cần Thơ sẽ tăng dược thời gian lưu trú và số ngày lưu trú của du khách tới Cần Thơ, từ đó thể hiện rõ vai trò động lực của ngành du lịch trong phát triển kinh tế thành phố, đưa Cần Thơ xứng tầm đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long như mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra.
TS Hà Thị Thuỳ Dương