Chỉ số già hóa dân số của thành phố Cần Thơ là 59,7%[1], tăng 24,2 điểm phần trăm so với năm 2009 (35,5%)[2], cao hơn 1,2 điểm phần trăm của toàn vùng (58,5%) và cao hơn 10,9 điểm phần so với cả nước (48,8%)[3]. Phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những hoạt động có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh già hóa dân số. Không chỉ vậy, người cao tuổi còn đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn các giá trị truyền thống, khơi nguồn về các giá trị nhân văn, nhân ái trong cộng đồng.
Những năm qua, thành phố Cần Thơ rất chú trọng công tác phát huy vai trò của người cao tuổi trên nhiều phương diện, có hiệu quả.
Trong phong trào sản xuất kinh tế, người cao tuổi ở thành phố Cần Thơ còn sức khỏe, trí tuệ minh mẫn vẫn tham gia các hoạt động sản xuất kinh tế, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở địa phương. Phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” đã được hầu hết các quận, huyện đều ký kết giao ước thi đua, phát động đăng ký thi đua với các cấp Hội cơ sở.
Tính đến năm 2020, số người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất là 1.362 người; ngoài ra, có 980 người cao tuổi là chủ trang trại, chủ doanh nhân; 776 người làm kinh tế giỏi[4], tạo việc ổn định cho 8.500 lao động[5]. Điều này cho thấy, tuổi có già nhưng ý chí làm giàu của người cao tuổi không già.
Trong phong trào đoàn kết phát triển, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội Người cao tuổi của thành phố Cần Thơ đã vận động quyên góp và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người cao tuổi nghèo được 34 căn nhà với số tiền 2,2 tỷ đồng, sửa chữa 40 căn nhà với số tiền 560 triệu đồng; bắc mới 22 cầu với số tiền 620 triệu đồng, sửa chữa 27 cầu với số tiền 387 triệu đồng; sửa chữa nâng cấp gần 50km đường giao thông nông thôn với số tiền 8 tỷ đồng. Đồng thời, hội viên Hội Người cao tuổi đã vận động gia đình, con cháu tình nguyện hiến đất, hoa màu, ngày công lao động với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.
Tình nguyện viên của Hội Người cao tuổi thành phố Cần Thơ đang đo huyết áp cho hội viên
(Ảnh: internet)
Hội Người cao tuổi phát động phong trào trồng cây nhớ ơn Bác Hồ và đã trồng được 30.450 cây các loại; phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng cho 7.051 hộ người cao tuổi vay vốn lãi suất thấp với số tiền 30,1 tỷ đồng[6].
Trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự, Hội Người cao tuổi đã tích cực phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm ở địa phương. Vận động con cháu và nhân dân thực hiện tốt Luật an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường…
Chủ động phòng ngừa tội phạm, các chi hội Người cao tuổi ở cơ sở đều hưởng ứng tích cực chủ trương xây dựng khu dân cư “3 không, 4 không” do địa phương phát động; hưởng ứng việc xây dựng cổng rào an ninh, đèn trước ngõ ở các vùng nông thôn. Số người cao tuổi tham gia tổ an ninh nhân dân là 780 người; tham gia tổ hòa giải là 947 người. Trong năm, hòa giải thành trên 30 vụ, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, trật tự trị an ở cơ sở.
Ngoài ra, tại các xã phường, thị trấn có 494 hội viên Hội Người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền; có 1.426 hội viên tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể; có 242 hội viên tham gia Ban Thanh tra nhân dân.
Cùng với việc quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, Hội Người cao tuổi ở nhiều địa phương của thành phố Cần Thơ đã có những hình thức, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp như tích cực tham gia mô hình cổng rào an ninh, treo đèn trước ngõ; xây dựng 40 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, 80 câu lạc bộ pháp luật; thành lập các câu lạc bộ ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; vận động hội viên ký cam kết thân nhân gia đình không vi phạm pháp luật, không vi phạm an toàn giao thông.
Nhìn chung, Hội Người cao tuổi các địa phương trên địa bàn thành phố đã có nhiều hình thức, biện pháp, mô hình đa dạng phù hợp với đặc điểm người cao tuổi trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát huy vai trò của người cao tuổi ở thành phố Cần Thơ đối với phát triển kinh tế - xã hội góp phần làm thay đổi quan niệm định kiến “người già là gánh nặng của gia đình và xã hội”, giúp người cao tuổi không chỉ “sống vui, sống khỏe” mà còn “sống có ích”. Thời gian tới, công tác phát huy vai trò người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội cần được coi như một trong những biện pháp thích ứng với quá trình già hóa dân số, tạo điều kiện giữ gìn ổn định xã hội tại thành phố Cần Thơ.
[1] Tổng Cục thống kê (2019), Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống Kê, Hà Nội, trang 64
[2] Tổng Cục thống kê (2009), Sđd, trang 139
[3] Tổng Cục thống kê (2019), Sđd.
[4] Ban đại điện Hội người cao tuổi thành phố Cần Thơ (2020), Thống kê công tác phát huy vai trò người cao tuổi năm 2020
[5] Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Cần Thơ (2020), Báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021
[6] Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Cần Thơ (2020), Báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021
T.T