Những kết quả tích cực về giảm nghèo
Tỉnh Cao Bằng có 90% diện tích đất tự nhiên là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, rừng núi. Dân số toàn tỉnh là 530.341 người, trong đó, 95% là đồng bào các dân tộc ít người. Trong tổng số 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, có 7 huyện biên giới, 7 huyện nghèo với 126 xã đặc biệt khó khăn và 996 thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tầng lớp xã hội tham gia; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng trao hỗ trợ làm nhà Mái ấm công đoàn từ nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động Thành phố Hải Phòng cho gia đình đoàn viên Đinh Văn Duy, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là gần 7000 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ, phân kỳ kinh phí thực hiện theo từng năm để triển khai các dự án, như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo thường xuyên, như: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; Chính sách hỗ trợ về y tế; Chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội; Hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý; Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống đồng bộ với các chương trình tín dụng hộ nghèo, chương trình tín dụng hộ cận nghèo, chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, chương trình học sinh sinh viên, chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn để giải quyết những vấn đề thiết yếu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng “Quỹ vì người nghèo” và triển khai các phong trào trong nhân dân: Phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các hộ nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững. Đã vận động được hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công giúp hộ nghèo vươn lên.
Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 446 lao động thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 11.084 lao động được hỗ trợ tạo việc làm; 1.569 lao động được giới thiệu, cung ứng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ cho 140.789 lượt học sinh thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; 17.729 lượt học sinh hộ cận nghèo được giảm học phí và các khoản đóng góp; 275.970 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Trợ cấp xã hội thường xuyên cho 25.278 đối tượng tại cộng đồng; trợ cấp đột xuất cho 501 trường hợp, cấp phát gạo cứu đói dịp tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt cho 76.460 lượt hộ với 315.593 lượt nhân khẩu, số gạo 5.461,56 tấn; hỗ trợ tiền điện cho 130.335 lượt hộ, trong đó 108.293 lượt hộ nghèo, 22.062 lượt hộ chính sách bảo trợ xã hội. Hằng năm, cấp trên 320.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp trên 10.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Mô hình chăn nuôi vịt cỏ tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,94%, giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát. Các chiều thiếu hụt về giáo dục, chất lượng nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường, sử dụng dịch vụ viễn thông giảm so với đầu kỳ, đời sống của nhân dân đã được cải thiện và nâng cao hơn trước, số hộ tái nghèo giảm so với đầu kỳ. Dự kiến hết năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm.
Giải pháp giảm nghèo bền vững
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng tập trung giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất, triển khai các hoạt động sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước; thực hiện phân bổ nguồn lực đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, có trọng tâm, trọng điểm; quản lý, sử dụng nguồn lực đúng quy định, đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí. Huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn, bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho chương trình, chính sách liên quan đến giảm nghèo. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chính sách, dự án ở các cấp.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Rà soát, phân tích rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có giải pháp trợ giúp hiệu quả. Nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, các mô hình thoát nghèo hiệu quả, như: Phân công cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ xã nghèo, thôn nghèo; phân công đảng viên có kinh nghiệm phát triển kinh tế giúp đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp hộ nông dân nghèo... Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu.
Hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương được đẩy mạnh
Đổi mới công tác tuyên truyền bảo đảm phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, ý thức vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn.
Lê Thư